ThienNhien.Net – Bụi mịn có khả năng phát tán rất xa, lên tới hàng ngàn kilomet và có thể ảnh hưởng tới các nước láng giềng.
Từ những năm 1990, bụi mịn được Tổ chức Y tế thế giới nhận định là tác nhân gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất. Không như các chỉ tiêu khác, bụi mịn hoàn toàn không có bất cứ quy chuẩn cho phép nào bởi lẽ chúng luôn nguy hiểm ở mọi nồng độ khác nhau.
Giảm lượng bụi mịn
Tại hội thảo Giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường cho TP.HCM do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức mới đây, nhóm chuyên gia đến từ Đức, cho biết bụi mịn phát sinh từ động cơ ô tô, xe máy, mài mòn từ bánh xe, má phanh… Bụi mịn có kích cỡ rất nhỏ. Hạt bụi có kích thước PM10µm sẽ xâm nhập vào mũi, PM 2,5µm xâm nhập vào phổi và nano PM (<0,1 µm) sẽ xâm nhập vào máu. Vì kích thước nhỏ nên chúng dễ len lỏi vào cơ thể, gây ra nguy cơ bệnh tật như tiểu đường và các bệnh trao đổi chất; Alzheimer, suy giảm trí nhớ, tim mạch. Nguy hiểm hơn, theo Cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA), bụi mịn lại có khả năng phát tán rất xa, từ 10 km lên tới hàng ngàn kilomet và có thể ảnh hưởng các nước láng giềng.
Theo các chuyên gia Đức, hiện trạng môi trường ở TP.HCM đang ở mức báo động. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy gia tăng các nhà máy sản xuất, trang thiết bị công nghiệp, đặc biệt là phương tiện giao thông. Hệ lụy kéo theo là phát thải khí vào bầu khí quyển, trong đó chứa rất nhiều bụi. So sánh hiện trạng môi trường giữa TP.HCM và TP Hamburg, Đức, các chuyên gia cho thấy chỉ số ô nhiễm, mức độ phơi nhiễm của TP.HCM cao hơn ít nhất 3,2 lần. Để giảm lượng bụi mịn chỉ có cách giảm số lượng ô tô, xe máy, tăng chất lượng bánh xe, má phanh. Song song đó là phát triển phương tiện công cộng và các giải pháp giao thông thông minh khác. Tuy nhiên, việc này cần được tính toán kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh khác nhau và lấy lợi ích người dân làm trọng.
Cải thiện
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại TP.HCM gồm 12 vị trí/trạm quan trắc giao thông ở Hàng Xanh, Phú Lâm, Bình Chánh, Gò Vấp, An Sương, Cát Lái…; bốn trạm quan trắc nền ở Thảo Cầm Viên, quận 2, 9, Quang Trung; hai trạm quan trắc dân cư và hai trạm quan trắc công nghiệp. Hệ thống này thực hiện quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường tự động, liên tục; cung cấp bộ số liệu quan trọng, đáng tin cậy trong việc thực hiện báo cáo, nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án; phục vụ cho công tác tham mưu… Tuy nhiên, một số trạm quan trắc cần sửa chữa thiết bị, tái đầu tư, tăng cường trạm quan trắc tự động… Và theo nhận định, chỉ số chất lượng không khí của TP.HCM thể hiện nhiều bất cập trong việc công khai thông tin đến người dân.
Tuy còn nhiều vướng mắc trong công tác quan trắc nhưng nhìn chung giai đoạn 2011-2015, chất lượng môi trường tại TP đã được cải thiện đáng kể. Trong đó có nhiều điểm đáng chú ý như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã không còn mùi hôi, hiện tượng thủy sinh phát triển trở lại, tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp. Chỉ tiêu NO2 giảm từ 60% đến 65%, CO giảm từ 1% đến 26%, bụi giảm từ 8% đến 28%. Được biết, dự án Nâng cao năng lực quan trắc môi trường tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt với mức đầu tư dự kiến gần 495 tỉ đồng. Đây được xem là cơ hội để chúng ta nâng cấp hệ thống quan trắc nhằm có phương hướng cải thiện chất lượng môi trường ngày càng trong lành hơn.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, bày tỏ lời cảm ơn đến các đơn vị, chuyên gia đã có bài tham luận, ý kiến đóng góp về vấn đề quan trắc. Điều đó giúp Sở có cái nhìn bao quát hơn, thêm cơ sở lựa chọn giải pháp, tiến tới làm cho hệ thống quan trắc trở nên thống nhất, đồng bộ, tiên tiến và từng bước hiện đại. Sở cũng mong mỏi các đơn vị có quan tâm lĩnh vực quan trắc và bảo vệ môi trường hãy mạnh dạn đề xuất giải pháp để phối hợp và cùng nhau cho ra những sản phẩm giá trị. Đồng thời, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu… hãy phản biện, đóng góp ý kiến, tất cả vì mục tiêu xây dựng thành phố là trung tâm văn hóa-xã hội của cả nước có chất lượng sống tốt.