ThienNhien.Net – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (ĐTG), Bộ KHCN cung cấp hàng loạt thông tin về công nghệ của Formosa tại họp báo thường kỳ của Bộ sáng nay.
Ông Nam cho biết, theo luật Đầu tư năm 2005 (được áp dụng với dự án của Formosa xin cấp phép vào năm 2008- PV), việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Đối với những dự án xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng như Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải hỏi ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi cấp phép.
“Trong báo cáo tiền khả thi, Formosa chỉ nêu công nghệ mà họ sử dụng là công nghệ lò cao truyền thống chứ không có thông tin chi tiết về thiết kế kỹ thuật”. |
“Khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn xin ý kiến kèm theo báo cáo tiền khả thi dự án. Bộ KHCN cũng đã gửi công văn ngày 27/5/2008 trả lời về vấn đề này” – ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nam, trong báo cáo tiền khả thi, Formosa chỉ nêu công nghệ mà họ sử dụng là công nghệ lò cao truyền thống chứ không có thông tin chi tiết về thiết kế kỹ thuật. Vì thế, trong văn bản trả lời, Bộ KHCN chỉ khẳng định, đây là công nghệ được sử dụng phổ biến trong các nhà máy luyện gang thép và không phải là công nghệ mới.
“Với thông tin được cung cấp trong báo cáo tiền khả thi, Bộ KHCN chỉ có thể đưa ra nhận định được như vậy” – ông Nam cho hay.
Ông Nam giải thích, khi luật Đầu tư 2005 được ban hành, hợp nhất luật đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, phần giải trình về công nghệ đã được đơn giản hóa. “Nội dung công nghệ mà nhà đầu tư cung cấp trong bước xin giấy chứng nhận đầu tư chỉ là nội dung báo cáo tiền khả thi mà thôi” – ông Nam cho biết.
Theo Vụ trưởng Nam, khi hợp nhất luật đầu tư trong nước và nước ngoài để ban hành Luật Đầu tư 2005, Bộ KH&CN đã có ý kiến khẳng định, việc đơn giản hóa thủ tục để rút ngắn thời gian cấp phép dự án đồng nghĩa với việc không có đủ thông tin về công nghệ để xem xét, thẩm định ở giai đoạn cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Các báo cáo tiền khả thi nội dung rất sơ bộ, chưa có nội dung cụ thể. Ngay cả vấn đề công nghệ cũng như vậy” – ông Nam cho biết.
Sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Công thương theo chức năng quản lý ngành sẽ là đơn vị duyệt thiết kế cơ sở. Tại bước này, đơn vị chịu trách nhiệm có thể mời các chuyên gia tham gia thẩm định công nghệ mà Formosa sử dụng.
Vì vậy, Vụ trưởng Nam cho rằng, việc thẩm định công nghệ mà Formosa sử dụng thuộc về Bộ Công thương. Sắp tới đây, việc Formosa bị yêu cầu phải thay đổi công nghệ vẫn phải chịu sự giám sát của Bộ Công thương chứ không phải Bộ KHCN.
Trước đó, Bộ trưởng TN&MT khi trả lời báo chí đã cho biết, sắp tới sẽ yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ cũ sang công nghệ thân thiện với môi trường.
Bất cập trong thẩm định công nghệ nước ngoài
Ông Đỗ Hoài Nam cũng cho biết, theo luật Đầu tư 2015, xu hướng là tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm đối với các dự án đầu tư.
“Một khi lựa chọn công nghệ không phù hợp, nhà máy đi vào sản xuất rồi thì việc sửa chữa, thay thế rất phức tạp”. |
Vì thế, theo quy định, việc giám định công nghệ chỉ được thực hiện với những dự án sử dụng công nghệ nằm trong danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.
“Trong quá trình đóng góp sửa đổi luật Đầu tư 2015, chúng tôi đã đề nghị tăng cường công tác thẩm định công nghệ trong giai đoạn xem xét. Tuy nhiên, khi luật được thông qua, chỉ dự án sản xuất có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao mới phải thẩm định ở giai đoạn cấp giấy chứng nhận đầu tư” – ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng, đây là một bất cập trong quy định xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bởi lẽ, về nguyên tắc, khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải đưa ra phương án công nghệ khác nhau để lựa chọn.
“Một khi lựa chọn công nghệ không phù hợp, nhà máy đi vào sản xuất rồi thì việc sửa chữa, thay thế rất phức tạp” – ông Nam khẳng định.