ThienNhien.Net – Theo các nhà khoa học, trong thời gian ba tháng hàm lượng phenol và xyanua đã mất đi 80% và đang cần được kiểm tra trầm tích để có kết luận chính xác. Tuy nhiên, phải mất ít nhất 50 năm hệ sinh thái biển của bốn tỉnh miền trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế mới có thể phục hồi lại được như trước.
Đang lấy mẫu trầm tích kiểm tra hàm lượng phenol và xyanua trong nước biển
Theo khảo sát của các nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiên cứu phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền trung, sự cố xả thải của Formosa đã gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái.
Hội đồng khoa học đã khảo sát tại các điểm Mũi Ròn Mạ và Hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), cảng Hòn La và đảo Hòn Nồm (đảo Yến) – Vũng Chùa (Quảng Bình), Cửa Tùng và Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hòn Sơn Chà và điểm rạn Bãi Chuối, Bắc Hải Vân (Thừa Thiên – Huế).
Theo đánh giá, khoảng 50% diện tích san hô khu vực biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã bị phá hủy (trên tổng số gần 800 ha). Tại điểm khảo sát ở Cồn Cỏ (Quảng Trị) không thấy hiện tượng chết bất thường của san hô, cá và các sinh vật sống trên rạn, cũng như tìm thấy nhiều loài cá có giá trị kinh tế.
Trong khi đó, các điểm khảo sát còn lại đều cho thấy hệ sinh vật khá nghèo nàn và không tìm thấy các loài cá có giá trị kinh tế, chỉ bắt gặp một số cá thể thuộc họ cá Thia (Pomacentridae) ít có giá trị kinh tế.
Tại Cửa Tùng, các nhà khoa học không phát hiện thấy ấu trùng tôm hùm con ở các hốc đá, mặc dù theo ngư dân thì đây là thời điểm khai thác tôm hùm con tốt nhất trong năm. Đặc biệt, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở khu vực Thừa Thiên – Huế, ngoài các vấn đề có liên quan đến suy giảm đa dạng sinh học, phá hủy các sinh cảnh ngầm cho các loài thủy sản cư ngụ thì vấn đề đáng lo ngại hơn là làm mất đi các bãi đẻ truyền thống của các loài cá có giá trị kinh tế cao, dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái trong hệ do làm suy giảm khả năng bổ sung các cá thể tham gia vào quần đàn cá bố mẹ.
Ở khu vực điểm rạn san hô Bãi Chuối do rong tảo sẽ có cơ hội phát triển và che phủ hoàn toàn trên nền đáy là các tập đoàn san hô bị chết, dẫn tới làm mất các giá thể cho các ấu trùng san hô bám trong giai đoạn đầu. Điều này có nghĩa là cần rất nhiều thời gian để có sự phục hồi cho các tập đoàn san hô tạo rạn cho khu vực ven bờ, kể cả trong trường hợp chất lượng môi trường ổn định trở lại. “Phải mất ít nhất 50 năm sau, hệ sinh thái biển ở bốn tỉnh này mới phục hồi lại như hiện trạng ban đầu”, TS Vũ Đức Lợi nhận định.
Đánh giá về mức độ nhiễm độc tại biển bốn tỉnh miền trung hiện nay, TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiên cứu phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền trung cho biết, về lý thuyết sau ba tháng 80% hàm lượng phenol và xyanua sẽ tự phân hủy.
Thời điểm này, các nhà khoa học đang làm đánh giá khảo sát tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên – Huế, phân tích các dạng trầm tích và xác định hàm lượng phenol và xyanua còn lại. “Là nhà khoa học, chúng tôi chưa thể có khuyến cáo gì cho người dân cho đến khi có các số liệu khoa học cụ thể”, TS Vũ Đức Lợi nhấn mạnh.
Cần thời gian phục hồi môi trường biển
Bàn về các giải pháp “làm sạch” môi trường biển bị ô nhiễm, PGS, TS Trịnh Văn Tuyên – Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: “Biển có khả năng tự làm sạch. Chúng tự hấp phụ và tự động nhả hấp phụ, nồng độ chỗ nào cao thì tự chuyển sang nơi có nồng độ thấp. Độc tố sẽ hòa tan dần dần và giảm đi theo thời gian. Trong môi trường nước, kể cả trong nước biển, vi sinh tự phân hủy được. Tuy nhiên đó là giả định sẽ không có thêm chất thải gì tiếp thải ra nước biển, còn nếu vẫn còn chất thải thải ra biển thì chất thải sẽ cộng hưởng thêm”.
PGS, TS Trịnh Văn Tuyên cũng cho biết, môi trường biển gồm nước biển, trầm tích biển và san hô. Về nước biển, các nhà khoa học cùng các cơ quan liên quan đã lấy mẫu phân tích rất cẩn thận, nồng độ các chất ô nhiễm trong nước biển rất thấp, chỉ duy nhất hàm lượng sắt đo được ở trạm Sơn Dương là hơi cao hơn so với tiêu chuẩn.
Còn lại trầm tích, các nhà khoa học phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khảo sát, đo đạc tại 13 mặt cắt vào những thời điểm khác nhau để xem sự giải hấp, biến thiên của độc tố như thế nào, trong quá trình giải hấp, nồng độ độc tố giảm dần hay vẫn giữ nguyên. Kết quả này sẽ là cơ sở để đưa ra phương án xử lý ô nhiễm môi trường biển khu vực bốn tỉnh miền trung.
TS Vũ Đức Lợi cho rằng, nếu hàm lượng phenol, xyanua còn lại ở trong nước biển vẫn cao, đồng thời có kim loại nặng thì bắt buộc phải hút trầm tích vì kim loại nặng không tự phân hủy. Nếu dùng phương án này thì sẽ phải huy động các tàu hút để thực hiện. Sau đó chúng ta sẽ phải tạo ra các hố rất to và sâu để chứa trầm tích, đồng thời sẽ tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn.
Là chuyên gia trực tiếp kiểm tra, đánh giá công đoạn xả thải của Formosa, PGS, TS Trịnh Văn Tuyên đánh giá, phần lớn các hạng mục công nghệ sản xuất thép của Formosa tốt, tuy nhiên công nghệ xử lý nước thải cần có cải tiến và phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Một trong những nguồn gây ô nhiễm chính là do quy trình luyện cốc của Formosa, để khắc phục tình trạng này Formosa cần phải thay công nghệ dập cốc ướt thành dập cốc khô.
Đoàn các nhà khoa học đã cùng với các cán bộ quản lý nhà nước về môi trường yêu cầu Công ty Formosa cải tiến và hoàn thiện công nghệ xử lý và giám sát chất lượng môi trường. “Ngoài vấn đề yêu cầu Formosa xả thải phải đạt tiêu chuẩn và phải hành động điều chỉnh tiêu chuẩn xả thải, các cơ quan chức năng Việt Nam cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa việc xả thải. Tuy nhiên, cũng cần phải xây dựng các bể kiểm tra thử độc tính sinh học của động thực vật đối với nước thải sau xử lý để bảo đảm chất lượng nước xả thải. Có như vậy, môi trường, hệ sinh thái biển mới có thể nhanh chóng phục hồi”, PGS, TS Trịnh Văn Tuyên lưu ý.