ThienNhien.Net – Formosa cam kết bồi thường một khoản 500 triệu USD vì việc gây ô nhiễm biển 4 tỉnh Miền Trung, nên trước hết cá nhân, tổ chức bị thiệt hại sẽ nhận bù đắp cho những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế. Trong trường hợp vẫn thiếu và chưa bù đắp được hết thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền làm đơn khởi kiện Formosa để yêu cầu bồi thường.
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Minh Anh – Giám đốc Công ty Luật Trí Minh xung quanh vấn đề về số tiền bồi thường 500 triệu USD vì hành vi gây hủy hoại môi trường thời gian qua tại biển miền Trung.
Ông có bình luận gì về số tiền bồi thường 500 triệu USD của Formosa? Có thể tiếp tục yêu cầu Formosa bồi thường thêm nếu chưa khắc phục hết thiệt hại?
Ngày 30/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại với số tiền 500 triệu USD.
Một vấn đề cần lưu tâm ở đây là con số 500 triệu USD là dựa trên những căn cứ, tiêu chí nào để định ra mức 500 triệu USD và liệu con số này đã là đủ để bồi thường người dân, môi trường biển Việt Nam hay chưa, nếu thiếu thì sẽ phải giải quyết ra sao? Ngoài ra, thời gian bồi thường và khắc phục hậu quả cũng cần phải được quy định chi tiết và rõ ràng.
Tại phiên họp Chính phủ ngày 1/7 Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, sớm trình lên Chính phủ quyết định để thực hiện.
Chúng ta cần nghiên cứu chính xác các số liệu để bảo đảm Formosa phải bồi thường đầy đủ cho người dân và khắc phục được hậu quả đã xảy ra đối với môi trường.
Giống như sự cố tràn dầu của BP tại vịnh Mexico năm 2010, BP đã phải trả 18,7 tỷ USD cho Hoa Kỳ và 5,5 tỷ USD để làm sạch môi trường, trả lại những bên bị thiệt hại về kinh tế và trả tiền phạt.
Chúng ta có thể lấy trường hợp này để làm hướng giải quyết trong vụ việc, cần phân chia rạch ròi các khoản tiền phạt, tiền bồi thường và chi phí để khôi phục lại môi trường riêng, chứ không phải là một khoản tiền chung chung.
Ngoài chi phí bồi thường, Formosa cần nộp phạt và chịu trách nhiệm những vấn đề gì nữa không?
Việc Formosa gây chết cá trong thời gian vừa qua có dấu hiệu vi phạm theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) tại Điều 182 Tội gây ô nhiễm môi trường và Điều 188 Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, để xác định chính xác liệu có vi phạm hình sự trong vụ việc này hay không, cần các cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra để làm rõ lỗi, mức độ vi phạm trong vụ việc này để có thể xử lý một cách đúng đắn, tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quản quản lý nhà nước về môi trường cùng với UBND địa phương sẽ buộc Formosa khắc phục hậu quả và và xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường theo đúng quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
Người dân, những người chịu thiệt hại muốn khởi kiện Formosa có được không?
Người dân, những người chịu thiệt hại hoàn toàn có quyền được khởi kiện Formosa nếu chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Formosa với những thiệt hại thực tế đó.
Ví dụ như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch tại 4 tỉnh miền Trung này, nhà hàng, khách sạn, hay những người tắm, ăn hải sản tại các vùng này bị tổn hại tới sức khỏe thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Vấn đề này ở Việt Nam đã có tiền lệ, đó là vụ việc nông dân ba tỉnh Đồng Nai, Tp.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiện công ty Vedan sau khi phát hiện công ty này xả thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải tháng 9/2008. Công ty Vedan phải bồi thường gần 299 tỷ đồng.
Nhưng hiện hay Formosa cam kết bồi thường một khoản 500 triệu USD, nên trước hết cá nhân, tổ chức bị thiệt hại sẽ yêu cầu được bù đắp cho những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế.
Trong trường hợp vẫn thiếu và chưa bù đắp được hết thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền làm đơn khởi kiện Formosa để yêu cầu bồi thường.
Trong vụ việc Formosa, rất đông cá nhân và tổ chức đều bị ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp nên có thể gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng, hoặc nhờ tổ chức, đoàn thể có chức năng tư vấn pháp lý để thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại đã xảy ra.
Việc khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại cho người cần được diễn ra trong thời gian sớm nhất, thực hiện có trật tự, đúng theo quy định của pháp luật, không gây ảnh hưởng đến hoạt động dân sự của xã hội.
Ngoài ra, việc khởi tố hình sự để làm rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan sẽ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xác định xem liệu có dấu hiệu hình sự trong vụ việc này hay không.
Có ý kiến mong muốn “đuổi” Formosa, tuy nhiên có ý kiến cho rằng nếu làm vậy bằng một quyết định mệnh lệnh hành chính thì Việt Nam có thể bị kiện ngược cam kết bảo hộ các nhà đầu tư mà Việt Nam đã kí với WTO, nhất là khi Formosa chưa chính thức vận hành. Ông nhìn nhận gì về điều này?
Mặc dù đã thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam về mức bồi thường, chưa đưa ra phương án đóng cửa Formosa nhưng việc ra quyết định hành chính chấm dứt hoạt động là hoàn toàn có thể, nếu Formosa có dấu hiệu vi phạm hình sự, cố ý, tiếp tục tái phạm thì Việt Nam hoàn toàn có quyền ra quyết định chấm dứt hoạt động của nhà máy.
Về phía Formosa, nếu bị đóng cửa họ cũng hoàn toàn có quyền khởi kiện đối với quyết định hành chính này. Việc khởi kiện quyết định hành chính là một điều hết sức bình thường, không chỉ riêng đối với Formosa. Trong một xã hội hiện đại, mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân.
Vấn đề này đặt ra nhằm đảm bảo công bằng, tính thượng tôn pháp luật. Do vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền tự tin ra quyết định theo đúng quy định của pháp luật thì Việt Nam và thông lệ quốc tế thì hoàn toàn không cần lo ngại đến việc Formosa phản tố.
Còn đối với vấn đề ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam thì bản thân tôi lại nghĩ ngược lại, vì việc này có thể ảnh hưởng theo hướng tích cực, có thể phát triển hơn bởi lẽ chúng ta hướng tới sự phát triển bền vững, không phát triển theo cách ngắn hạn, lấy lợi ích lâu dài làm quan trọng.
Mặc dù Formosa là pháp nhân Việt Nam có đăng kí vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn cần phải hành xử công bằng với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Đặc biệt đối với những dự án nhạy cảm, tác động tới môi trường, hệ sinh thái, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống lâu dài của người dân tại đó.
Tôi đồng ý quan điểm của Chính phủ, chúng ta không thể đánh đổi những lợi ích kinh tế trước mắt với sự ổn định an ninh, chính trị, môi trường và đặc biệt là sức khỏe của người dân và xã hội.
Để tránh xảy ra sự cố môi trường lớn như thế này, chúng ta cần làm gì?
Theo tôi qua việc này chúng ta không nên cấp phép những dự án công nghiệp ven biển. Đối với khu ven biển theo ý kiến của tôi thì chỉ thực hiện những công việc, dự án như đánh bắt hải sản, các dịch vụ, khu du lịch sinh thái,nghỉ dưỡng … chứ không nên đặt những khu công nghiệp ven biển.
Chúng ta nên chấm dứt việc cấp phép những dự án công nghiệp ven bờ, để tránh sự cố Formosa thứ 2 xảy đến với Việt Nam, việc ngăn chặn, phòng ngừa luôn hiệu quả hơn so với việc khắc phục hậu quả.
Điều quan trọng nhất hiện nay chính là đảm bảo cuộc sống của người dân, phục hồi môi trường biển và bảo vệ an ninh quốc gia. Cần tập trung vào công tác bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, khắc phục hậu quả đã xảy ra.
Chính phủ và chính quyền địa phương đưa ra các khuyến cáo và giám sát rõ ràng như: Không được đánh bắt thuỷ hại sản ở khu vực bị ô nhiễm, không được bán thuỷ hải sản ở khu vực ô nhiễm cho người dân ăn, không được tắm biển nếu biển đó chưa khắc phục về môi trường…
Người dân khu vực miền Trung cần làm nhất trong lúc này là thu thập các chứng cứ để yêu cầu bồi thường dân sự đối với Formosa thiệt hại về vật chất và cả tinh thần, còn việc khởi tố vụ án hình sự sẽ phụ thuộc vào cơ quan chức năng.
Chính phủ nên có những hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hướng nghiệp mới đối với những ngư dân và những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hậu Formosa…