ThienNhien.Net – Mặc dù thiếu bằng chứng khoa học nhưng nhiều chính phủ, thậm chí một số nhóm bảo tồn vẫn cho rằng việc cho phép săn bắn hợp pháp có thể giúp phục hồi quần thể các loài ăn thịt lớn nhờ giảm săn bắn trái phép.
Ngay cả Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong “tuyên ngôn về bảo tồn các loài ăn thịt lớn tại châu Âu” cũng khẳng định “việc hợp pháp hóa, quản lý chặt chẽ săn bắn các loài ăn thịt lớn ở mức độ bền vững có thể là một công cụ hữu ích trong việc xử lý xung đột, thông qua việc làm chậm tốc độ tăng trưởng của các loài này ở mức độ có thể chấp nhận được về mặt xã hội, thu hút người dân địa phương tham gia quản lý, làm tăng giá trị của các loài này trong nhận thức của người dân và giảm săn bắn trái phép.”
Tuy nhiên, hai nhà khoa học Adrian Treves (Đại Học Wisconsin) và Guillaume Chapron (Đại học Thụy Điển) vừa hoàn thành một nghiên cứu tại Wisconsin và Michigan – hai tiểu bang nơi chó sói được bảo vệ không liên tục trong giai đoạn 1995 và 2012 “như một dạng thử nghiệm”, khẳng định rằng săn bắn hợp pháp trên thực tế có thể gây ra tác động trái ngược với mong muốn ban đầu.
Kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học được công bố trên Tạp chí Proceedings of the Royal Society B, với khẳng định từ tác giả rằng đây là “bản đánh giá định lượng đầu tiên về giả thuyết cho rằng cho phép tự do săn bắn chọn lọc sẽ làm giảm săn bắn trái phép và cải thiện số lượng của loài ăn thịt đang bị đe dọa”. Các tác giả nhận thấy rằng “việc cho phép săn bắn chọn lọc chó sói có khả năng làm tăng thay vì làm giảm tình trạng săn bắn trái phép”.
Theo hai nhà nghiên cứu, việc thu thập chứng cứ về săn bắn trái phép là rất khó khăn vì những kẻ săn bắn trái phép thường cố gắng che giấu các bằng chứng phạm tội. Vì vậy, cho phép săn bắn hợp pháp được suy luận sẽ làm giảm săn bắn trái phép.
Tuy nhiên, cho phép săn bắn hợp pháp các loài có nguy cơ bị đe dọa, dù chỉ nhằm mục đích giảm xung đột giữa con người và động vật hoang dã, giảm săn bắn trái phép, trên thực tế lại làm giảm giá trị của các loài này trong nhận thức của con người, và càng làm gia tăng tình trạng săn bắn trái phép.
Nghiên cứu sử dụng tỷ lệ tăng trưởng số lượng chó sói ở hai bang để gián tiếp đo lường mức độ săn bắn trái phép. Kết quả, khi săn bắn chọn lọc được cho phép thì tỷ lệ tăng trưởng số lượng chó sói giảm từ 16% xuống 12%.
Hai nhà khoa học đã sử dụng các mô hình toán học để ước lượng khả năng thay đổi tỷ lệ tăng trưởng, từ đó rút ra kết luận về hiệu quả của các chính sách cho phép săn bắn chọn lọc của bang. Mặc dù không nghiên cứu mức độ săn bắn trái phép một cách trực tiếp, nhưng hai nhà khoa học đã bác bỏ các cách giải thích khác về sự suy giảm số lượng chó sói như di cư đến các bang lân cận hay thay đổi quần thể tự nhiên. Nói cách khác, các nhà khoa học khẳng định săn bắn trái phép là nguyên nhân duy nhất làm suy giảm tăng trưởng số lượng chó sói.
Các tác giả cũng nhấn mạnh kết quả trên là nhất quán với các nghiên cứu thực nghiệm liên hệ giữa săn bắn trái phép với chính sách về săn bắn chọn lọc. Một nghiên cứu khác về săn bắn chó sói trái phép năm 2013 tại Wisconsin cũng khẳng định săn bắn trái phép tăng song song với luật mở rộng tự do săn bắn chọn lọc, và sau khi luật hợp pháp hóa săn bắn được ban hành thì săn bắn trái phép vẫn còn tồn tại.
Mặc dù vậy, theo tờ New York Times, kết quả nghiên cứu của TS. Treves và TS. Chapron là không hoàn toàn thuyết phục. Tim Van Deelen, một nhà sinh thái học thế giới hoang dã tại Đại học Wisconsin cho rằng việc liên hệ giữa thay đổi chính sách với sự gia tăng số lượng chó sói bị săn bắn là “đã đi quá xa”, đồng thời dẫn ra những lý do khác dẫn đến lượng chó sói giảm như giảm số lượng chó sói con sinh tồn, giảm diện tích sinh cảnh, bệnh dịch, hay gia tăng các cuộc xâm chiếm lãnh thổ.
Nhưng TS. Treves và TS. Chapron cho rằng kết quả nghiên cứu của họ chỉ nói lên mức độ ảnh hưởng của chính sách tới thái độ của con người đối với động vật hoang dã và việc hợp pháp hóa săn bắn các loài động vật ăn thịt lớn có khả năng truyền tải thông điệp hoàn toàn sai. Họ khẳng định: “Khi Chính Phủ giết một loài được bảo vệ thì giá trị của các cá thể của loài đó có thể sẽ bị giảm, vì thế việc mở rộng tự do săn bắn chọn lọc chó sói có thể truyền đạt một thông điệp tiêu cực về giá trị của chó sói hoặc sự chấp nhận săn bắn…”.