ThienNhien.Net – Ngày 30/6, Chính phủ đã công bố nguyên nhân gây nên sự cố môi trường biển khiến cá chết hàng loạt thời gian qua. Formosa Hà Tĩnh cũng đã nhận trách nhiệm đồng thời cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam.
Phóng viên TTXVN tại Quảng Bình đã tiếp cận với lãnh đạo và người dân ở địa phương này để ghi nhận những tâm tư, tình cảm sau sự kiện trên cũng như những giải pháp căn cơ lâu dài để bảo đảm môi trường sống trong sạch, không ô nhiễm.
Theo nhiều người dân ở tỉnh Quảng Bình, việc Chính phủ kịp thời công bố nguyên nhân sự cố môi trường biển đã giải tỏa bức bối bao ngày qua cho người dân nơi đây. Việc đối tượng gây nên sự cố là Formosa Hà Tĩnh cúi đầu nhận trách nhiệm và xin được tha thứ là đáng được chấp nhận. Tuy nhiên, người dân ở tỉnh Quảng Bình cần hơn những việc làm thiết thực như việc giám sát để những lời cam kết trên đi đôi với việc làm.
Trước hết, Formosa Hà Tĩnh phải thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế, hỗ trợ người dân như đã cam kết. Bên cạnh đó, Formosa Hà Tĩnh phải thực hiện bồi thường trong xử lý môi trường bị ô nhiễm ở 4 tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh.
Cùng với đó, người dân ở tỉnh Quảng Bình yêu cầu Formosa Hà Tĩnh trong thời gian tới phải khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất để không xẩy ra các sự cố đáng tiếc như thời gian vừa qua.
Người dân mong muốn các bộ ban, ngành chức năng của Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thành lập thêm nhiều trạm quan trắc để quản lý tốt hơn việc xử lý chất thải, nước thải không chỉ của Formosa mà của tất cả các dự án, nhà máy khác để tránh những sự cố đáng tiếc như thời gian vừa qua.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho rằng hậu quả của sự cố môi trường biển thời gian qua đối với Quảng Bình, đặc biệt là đối với người dân các xã ven biển sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, dịch vụ nghề cá, là vô cùng nghiêm trọng. Quảng Bình có 18 xã ven biển sống bằng nghề đánh bắt hải sản, với 15.000 người trực tiếp đánh bắt thủy sản và 45.000 người sống bằng dịch vụ nghề cá. Họ mất việc làm, mất thu nhập, bữa cơm của gia đình đã bị vơi đi. Đặc biệt, họ hoang mang, dao động trước vấn đề ô nhiễm môi trường biển.
Không những vậy, sự cố môi trường biển còn ảnh hưởng lan sang các ngành kinh tế khác, trong đó nổi lên là du lịch. Quảng Bình trong những năm qua là điểm đến hấp dẫn nhưng sự cố ô nhiễm môi trường biển đã khiến du lịch Quảng Bình trong mấy tháng qua trở nên ảm đạm.
Riêng lĩnh vực kinh tế, thông kê sơ bộ cho thấy Quảng Bình đã bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Thiệt hại do sự cố môi trường biển có thể kéo dài thêm nhiều năm nữa. Vì vậy, người dân ở Quảng Bình mong muốn công tác quản lý, bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, công tác xử lý hành vi vi phạm đối với các cơ sở, cá nhân, tổ chức phải được thực hiện nghiêm minh đúng quy định của pháp luật…
Ông Lâm Tiến Dũng, trú tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết thông tin công bố của Chính phủ về nguyên nhân và thủ phạm gây nên sự cố môi trường biển được người dân đón nhận rất hồ hởi. Đối tượng gây nên sự cố cũng đã cúi đầu nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết đáng quan tâm.
Tuy nhiên, người dân mong muốn việc xử lý môi trường ở những nơi bị ảnh hưởng cần được tiến hành nhanh chóng. Việc đền bù tổn thất cho người dân cũng cần được tiến hành sớm. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp căn cơ lâu dài để giúp người dân ven biển càng yên tâm bám biển, vươn khơi để sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình mong muốn Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương cần quan tâm hơn nữa trong việc giám sát Formosa Hà Tĩnh thực hiện cam kết như đã hứa nhất là việc xử lý môi trường biển, làm vùng biển sạch trở lại, để ngư dân Quảng Bình yên tâm bám biển, vươn khơi, ổn định cuộc sống.