ThienNhien.Net – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà khẳng định không có lỗi của bộ. Ở đây, pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên để xảy ra tình trạng không có sự giám sát đối với quá trình vận hành thử nghiệm xả thải của Formosa.
Lỗi tại lỗ hổng pháp luật
Tại buổi họp báo công bố vụ cá chết tối 30/6, nhiều câu hỏi được đặt ra về trách nhiệm cơ quan quản lý trong vụ việc này được đặt ra.
“Kết quả điều tra cho thấy Formosa là doanh nghiệp gây ra sự việc hải sản chết hàng loạt vừa qua. Trách nhiệm giám sát của Bộ Tài nguyên và môi trường đối với sự việc xảy ra như thế nào?”, một phóng viên nêu câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên để xảy ra tình trạng không có sự giám sát đối với quá trình vận hành thử nghiệm xả thải của Formosa.
Cụ thể, ông Trần Hồng Hà nói: Về cấp phép, việc cấp phép đối với Formosa, nguồn nước thải bao gồm các nguồn: Nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải từ cảng, từ sinh hóa, từ các xử lý luyện cốc…
Về mặt quy chuẩn, theo Quy chuẩn quốc gia truyền thống thì có 2 quy chuẩn: Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Trên thực tế Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép, ở mức chỉ kiểm soát 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn một chút, một số thông số như sắt… là chưa kiểm soát.
“Như vậy có thể nói, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, trong lượng nước thải ra, bao gồm cả nước thải từ cảng, dầu mỡ… thì Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng.
Ở đây có một mặt hạn chế về Quy chuẩn 52, mặt khác là cách áp dụng có thể nói là chưa sát với tình hình và ta chưa tiên lượng được các nguồn thải của Formosa, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh: Đây là một vấn đề.
Vấn đề thứ hai, về việc giám sát, trên thực tế giai đoạn vận hành, nguồn ta giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hóa từ sản xuất cốc. Nguồn đó bao gồm: cyanua, phenol và các kim loại nặng và nguồn này cần có hệ thống giám sát đạt tiêu chuẩn của Quy chuẩn 52 trước khi thải vào hệ thống chung. Nhưng theo ông Hà, trên thực tế mới trên giai đoạn thử nên ở khâu vận hành, chưa có cơ quan nào vào giám sát khi hệ thống vận hành. Khi họ nói hệ thống đã vận hành ổn định thì cơ quan Nhà nước mới đến.
“Đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành nên ta đã không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm. Nguồn từ các trạm xử lý nước thải sinh hóa phải đáp ứng Quy chuẩn 52 thì mới được đưa vào nguồn nước thải chung”, ông Hà nhấn mạnh.
Về hệ thống giám sát tự động, theo ông Hà, trên thực tế cũng chưa có cơ quan nào đến để thẩm định, đánh giá và hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, cyanua và sắt không quan trắc được.
“Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không có sự giám sát của Trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá trình thử nghiệm”, ông Hà cho biết.
Trách nhiệm của Hà Tĩnh ra sao khi xảy ra sự cố cá chết?
Sau khi sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, câu hỏi được đặt ra, trách nhiệm của Hà Tĩnh như thế nào trong việc doanh nghiệp xả thải ô nhiễm ra sao?
Trả lời những vấn đề này tại buổi họp báo tối 30/6, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dự án Formosa là dự án lớn, được tất cả các bộ, ngành tham gia và nhiều việc vượt ra ngoài khả năng của Hà Tĩnh.
Theo vị này, khi sự cố nghiêm trọng xảy ra, trong điều kiện khó khăn như vậy, vì truyền thống văn hóa, nhân văn, lòng yêu nước, nhân dân các tỉnh miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã kiên trì chờ đợi câu trả lời nguyên nhân tại đâu và rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, tin tưởng vào các nhà khoa học sẽ tìm ra nguyên nhân. “Hôm nay, tôi thấy Chính phủ tổ chức cuộc họp báo công bố nguyên nhân, lãnh đạo Tập đoàn Formosa công khai xin lỗi, phần nào đã giải tỏa được sự chờ đợi của nhân dân”, ông này nói.
Theo lãnh đạo Hà Tĩnh, trên thực tế Ban quản lý dự án kinh tế, Sở Tài nguyên và môi trường cùng các sở đã có nhiều cuộc kiểm tra và đã có xử lý. Đặc biệt, khi có sự cố cá chết xảy ra, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các nhà khoa học, với các bộ, ngành Trung ương cung cấp các thông tin và yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo ông này, vì khả năng có hạn, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Thông qua sự việc này, lãnh đạo Hà Tĩnh cho biết sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục xử lý những cá nhân giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành…