ThienNhien.Net – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cung cấp thông tin với báo chí về quá trình xác định nguyên nhân cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung trong buổi họp báo Chính phủ chuyên đề chiều 30/6.
Tôi cho rằng, qua clip vừa rồi (clip lãnh đạo Tập đoàn Formosa xin lỗi Nhà nước và nhân dân Việt Nam – PV), chúng ta biết việc xác định nguyên nhân đòi hỏi phải có chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản. Như Thủ tướng chỉ đạo, đây là sự cố xảy ra trên diện rộng rất nghiêm trọng, phức tạp, bởi vậy cần tiến hành một cách cẩn trọng, khoa học, khách quan, bài bản, chính xác.
Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trước yêu cầu chính đáng của người dân cần phải biết thông tin, với sức ép rất lớn nhưng chúng tôi đã xác định cần phải tiến hành công việc này một cách có kế hoạch, có tính toán đầy đủ, đảm bảo chứng cứ sau này, không chỉ để nói nguyên nhân vì sao, còn phải xác định ai là thủ phạm và phải đấu tranh như thế nào để đạt kết quả như hôm nay. Công việc ấy chúng tôi chia làm 3 nhóm để tiến hành.
Nhóm thứ nhất phải xác định nguyên nhân, hình dung, giải thích được hiện tượng gì đang diễn ra trên biển 4 tỉnh miền Trung, cái gì đang diễn ra đi từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế và cơ chế gì gây ra để hải sản, sinh vật chết hàng loạt.
Nhóm thứ hai xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu. Thực sự, hai nhóm này độc lập nhưng có mối quan hệ rất biện chứng với nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau.
Nhóm thứ nhất chúng tôi đã tập trung trên 100 các nhà khoa học trong và ngoài nước trên các lĩnh vực sinh học, hóa học, khí tượng học, vũ trụ học, hải dương học và đã tiến hành rất nhiều công việc liên quan đến việc lấy mẫu cá, nước, trầm tích đáy và mẫu các sinh vật phù du. Đồng thời thực hiện rất nhiều các hoạt động khác nhau trong việc xác định từ vệ tinh, bắt đầu từ diễn biến sự việc và hồi tố lại sự việc bởi nguyên nhân này xảy ra trước khi chúng tôi hồi tố sự việc. Nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển để tìm theo dấu vết của vệ tinh chỉ ra và xác định bản chất đó là gì.
Qua lao động rất vất vả, rất nguy hiểm, thận trọng, những kết quả phân tích của hàng nghìn phân tích thí nghiệm khác nhau, có những phân tích thí nghiệm tìm ra độc tố phải tiến hành vài tuần mới tìm ra kết quả, nhưng như thế là chưa đủ mà chúng tôi cần phải lấy ý kiến của các nhà khoa học khác, các phòng thí nghiệm quốc tế khác để đối chứng vì hiện nay các phòng thí nghiệm Việt Nam cũng rất hiện đại nhưng còn nhiều thông số phải kiểm chứng để đảm bảo tính pháp lý khi đưa ra để xem xét giải quyết.
Đồng thời, khi đã có kết quả, Thủ tướng chỉ đạo đã làm khoa học là phải theo trình tự khoa học, khi có kết quả chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học nhà nước để đánh giá, chúng tôi đã lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học thế giới một cách độc lập. Khi đã có kết luận đầy đủ và khẳng định chính xác thì chúng tôi mới công bố.
Nghiên cứu này giải thích một hiện tượng, quá trình di chuyển đó của một hợp chất gọi là misel được tạo từ hydroxit sắt, phenol, xyanua được hấp thụ và theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên Huế.
Hợp chất này như một tấm đệm, hay một ổ độc hấp thụ những chất kim loại trực tiếp nếu có trong biển, và đặc biệt là chứa phenol, xyanua và hydroxit sắt. Bản thân nó có nhu cầu oxi, đi đến đâu nó lấy oxi đến đó và đi đến đâu gây ra độc tố và trực tiếp là gây chết cá. Toàn bộ quá trình này từ vệ tinh đến đáy biển đến nay vẫn còn dấu vết.
Nguyên nhân thứ hai chúng tôi xác định là nguồn ở đâu ra, chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải ra khu vực biển miền Trung, tập trung vào 3 đối tượng là Formosa Hà Tĩnh (FHS), nhà máy điện Vũng Áng và khu công nghiệp của Hà Tĩnh.
Một đoàn kiểm tra với các nhà khoa học các lĩnh vực về luyện thép hợp kim, điện, các nhà khoa học về công nghệ, môi trường và các nhà quản lý, lập pháp. Quá trình kiểm tra đã hồi tố, dùng các phương pháp về kiểm toán chất thải, năng lượng, qua đó phát hiện ra sai sót, và những dấu hiệu xảy ra sự cố. Trong 5 ngày kiểm toán năng lượng thì năng lượng chỉ có 15%.
Hàng loạt các vấn đề trong quản lý, vận hành còn lỏng lẻo, liên quan từ thiết kế,đầu tư xây dựng cho đến việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, kiểm soát chất thải… không đảm bảo yêu cầu.
Từ đó, chúng tôi xác định trong vùng đó chỉ có lò luyện cốc phát thải ra phenol và xyanua trong 3 đơn vị chúng tôi kiểm soát. Như vậy đối tượng tiếp tục thu gọn lại và chúng tôi tiếp tục làm việc, và đến bây giờ có thể nói chúng tôi có đầy đủ chứng cứ, bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư thừa nhận với những hồi tố, suy luận và căn cứ của chúng tôi. Từ đấy chúng tôi xác định nguồn thải từ Formosa, từ lò luyện cốc do sự cố môi trường đã tạo thành hỗn hợp gọi là misel.
Đấy chính là công việc mà Bộ Khoa học công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học biển Việt Nam đã lý giải quá trình hình thành và quá trình đi.
Rất nhiều báo chí hỏi tại sao chúng tôi không cung cấp, thực tế, Bộ Khoa học công nghệ lúc đó cũng chỉ một nhóm khoảng 4-5 lĩnh vực khoa học đã nói sự cố loại trừ các nguyên nhân xuất phát từ chất thải từ con người sinh ra các vô cơ, hai là sinh học, tức có nói thủy triều đỏ.
Tại thời điểm đó, các nhà khoa học đã ghi nhận hiện tượng đó và thông qua nghiên cứu của các nhà khoa học bên Bộ Khoa học công nghệ, phải hơn 2 tháng thì mới xác định được rằng cái gì xảy ra và cái gì là nguyên nhân chính. Như vậy, báo cáo hôm nay đã phục vụ cho quá trình đấu tranh pháp lý, chứng cứ và có thể nói là chúng ta đã làm đầy đủ, bảo đảm tính khoa học, pháp lý. Chính vì vậy, Formosa Hà Tĩnh, các nhà khoa học, luật sư của Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận.
Chúng tôi đã thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện một cách cẩn trọng, bài bản, chính xác, có tính thuyết phục.