U Minh Hạ: Lá rừng thì xanh, còn người héo hon, khắc khoải

ThienNhien.Net – Chẳng có chính quyền nào muốn người dân nghèo khó cả. Nhất là những cư dân lưu lạc về mảnh đất U Minh này. Nhiều chủ trương, chính sách để vùng đất này vực dậy, nhưng khi xuống tới địa phương chưa thực hiện được. Vì vậy người dân sống dưới tán rừng nhìn lên thấy cả một màu xanh bao la, nhưng lòng dạ họ lại héo hon vì miếng cơm manh áo không lành, có khi cơm lưng bụng để sống qua ngày.

280616_uminha1
Chính sách chưa thật sự tới dân

Có người ví von rằng, tại mảnh đất này có rất nhiều ưu đãi để người dân sống được với rừng. Nhiều đến mức như những cành cây, ngọn cỏ trên đất rừng này. Tuy vậy, để đến tay người dân nó đã rơi rớt dọc đường đâu đó mà chưa khơi dậy tiềm năng của vùng đất này.

Đó là chính sách giao khoán đất rừng cho các tổ chức, cá nhân. Có giai đoạn rừng U Minh Hạ được chia năm xẻ bảy để giao khoán cho các tổ chức, cá nhân gọi là đất tự túc. Thông báo số 01 của Tỉnh ủy Cà Mau năm 2014 về việc rà soát các đơn vị tổ chức nhận khoán đất rừng trên địa bàn cho thấy hầu hết các tổ chức đều có đất rừng gọi là: Tự túc. Các hội, đoàn thể của huyện U Minh, Trần Văn Thời, các cơ quan cấp tỉnh, hội, đoàn thể của tỉnh Minh Hải (cũ) đều có đất tự túc. Có đơn vị tự sản xuất, nhưng hầu hết đều cho thuê lại để lấy tiền.

Ngoài chính sách giao khoán, có chính sách liên danh liên kết gọi là rừng liên danh liên kết. Nghĩa là người dân có diện tích lớn liên kết với các lâm ngư trường để sản xuất theo phương thức ăn chia như bài trước đã phản ảnh. Rồi chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình phủ xanh đồi trọc, chương trình trồng rừng phục hồi sau cháy, chương trình hỗ trợ trồng rừng từ các tổ chức phi chính phủ…

Phương thức ăn chia giữa chủ rừng, chủ đất sau một thời gian dài bất cập dẫn đến người dân không sống được bằng nghề rừng. Ông Nguyễn Thành Nam rời quê hương Năm Căn về U Minh nhận 8 ha đất trồng rừng, 30% diện tích trồng lúa để rồi mấy năm nay không khá lên được. Nguyên nhân được minh chứng là do thiếu vốn, không đủ sức để chống chọi lại thiên nhiên hà khắc tại vùng đất này.

Cũng cần phải nói thêm rằng, U Minh Hạ một thời gian dài chỉ biết có tràm. Tràm nhiều đến mức người ta tưởng rằng không còn tràm là không còn U Minh Hạ vậy. Dẫu rằng có thời gian tràm bán chẳng ai mua, phải băm ra thành “dăm” để bán. Cây tràm sau một thời gian trồng theo kiểu tập quán cũ, trên 10 năm mới thu hoạch, lại bán không được bao nhiêu tiền nên đã đẩy người dân vào cảnh ghét tràm. Ở rừng mà chẳng ưa cây nên hàng loạt rừng tràm bị đốn hạ để lấy đất trồng lúa, nuôi tôm. Chính sách giữ rừng, nhưng con người làm trực tiếp với cây rừng không muốn giữ nên rừng cây ngày một thưa dần.

Khu dân cư, tái định cư Khánh An đầu tư trên 120 tỉ đồng rồi bỏ hoang.
Khu dân cư, tái định cư Khánh An đầu tư trên 120 tỉ đồng rồi bỏ hoang.

Phá sản dự án tách dân ra khỏi rừng

Để ổn định sản xuất, quản lý rừng một cách hợp lý, năm 2008 Cà Mau chính thức thông qua đề án sắp xếp đổi mới dân cư dưới tán rừng. Người dân quen gọi là đề án tách dân ra khỏi rừng. Đề án có vốn đầu tư rất lớn, tuy nhiên đến đầu năm 2016 chính thức kết thúc mà không đem lại hiệu quả gì. Cụ thể, Nghị quyết số 05/2008/NQ-HĐND ngày 25.7.2008 của HĐND tỉnh Cà Mau về chấp thuận đề án này hướng đến các mục tiêu: Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch các tuyến dân cư tập trung ở những nơi có điều kiện phát triển sản xuất, gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ việc sắp xếp định canh, định cư cho các hộ dân sống phân tán trong lâm phần rừng tràm; tạo quỹ đất tập trung để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và thực hiện chính sách đất đai cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước ổn định và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án và giao Giám đốc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện đề án đến năm 2015, tổng kinh phí thực hiện 1.408,087 tỉ đồng (trong đó bố trí lại sản xuất 705,256 tỉ đồng, đầu tư xây dựng tuyến dân cư 702,831 tỉ đồng), cơ cấu vốn bao gồm: Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương, vốn dân và vốn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, chủ đầu tư gặp không ít khó khăn dẫn đến tiến độ thực hiện đề án chậm, nguyên nhân là do số hộ dân phải sắp xếp, bố trí tái định cư lớn (3.976 hộ). Việc chuyển đổi diện tích đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, theo quy hoạch, diện tích đất rừng phải chuyển đổi là 2.804 ha, trong khi tỉnh không có nguồn đất để trồng rừng thay thế khi chuyển đổi theo quy định. Do diện tích thu hồi đất lớn (đất ở và đất nông nghiệp bị thu hồi 1.790 ha, đất rừng thu hồi 7.919 ha) nên khó thực hiện việc đền bù, di dời theo tiến độ quy hoạch vì nhiều hộ gắn bó với nơi đây trên 20 năm.

Mặt khác, hiện nay, trong vùng quy hoạch có một số khu vực đã giao đất cho dân theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 19.10.2004 của Chính phủ và các xã trên địa bàn huyện U Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được đầu tư điện, đường, lộ giao thông, nước sạch… nhiều hộ chuyển sang trồng keo lai có giá trị kinh tế cao, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã hình thành và phát triển, người dân đã ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, còn một số khó khăn khác: Số đối tượng được giao đất tăng lên do tách hộ, trong quy định mỗi hộ gốc được bố trí 2 ha, phần đất dư ra chuyển cho hộ khác, trong khi con cháu họ là những người khai hoang nhưng không được bố trí nên sự đồng thuận không cao; chính sách đền bù khi thu hồi đất và hỗ trợ tái định cư không còn phù hợp; nguồn vốn đầu tư lớn cũng là nguyên nhân làm cho đề án khó thực hiện.

Từ những bất cập và khó khăn trong quá trình thực hiện đề án nói trên, UBND tỉnh đã trình Thường trực HĐND tỉnh xin dừng thực hiện và được Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và huy động các nguồn vốn hợp pháp để tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng quy hoạch, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

280616_uminha3Dân chưa đồng tình

Trao đổi với chúng tôi về việc vì sao đề án phá sản, ông Trần Thanh Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nhìn nhận: Đây là đề án có từ rất lâu (2008) có nguồn vốn rất lớn trong khi khả năng cân đối của địa phương có hạn.

Theo ông Sử, quá trình thực hiện đề án đã thí điểm di dân ra các khu tái định cư T19, T27, Khánh An… nhưng người dân vẫn không sống được bằng rừng và sản xuất. Lúc thực hiện đề án các chính sách về rừng của Chính phủ và Bộ NN&PTNT chưa ra đời, quá trình thực hiện chính sách có thay đổi nên đề án đã lạc hậu.

Tuy nhiên, có một thực tế là người dân chưa đồng thuận về đề án, bởi mảnh đất dù chẳng phải của họ, nhưng đã gắn bó gần như cả cuộc đời cơ cực của họ. Có rất nhiều hộ, mồ mả ông bà đã chôn trên đất U Minh Hạ này rồi nay phải di dời, biết đi đâu, về đâu?

Đối với các dự án do nhà nước thực hiện, có nơi hoành tráng đến mức khó có thể tưởng tượng được. Đó là dự án tái định cư Khánh An do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ. Dự án nằm lọt thỏm giữa rừng U Minh Hạ nhưng có đầy đủ điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa… được đầu tư trên 120 tỉ đồng. Để vào đây ở, nhà nước chỉ lấy tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất mỗi nền 5m x 20m với giá 85 triệu đồng! Một khoản tiền đối với người nghèo U Minh Hạ là quá sức đối với họ. Chính vì vậy dự án đã bỏ hoang gần 10 năm nay. Người dân thấy đất nền bỏ hoang uổng nên trồng ngô, trồng mía, thậm chí trồng rừng trên nền đất thổ cư. Ông Nguyễn Văn Thậm, một trong những hộ dân hiếm hoi ở khu dân cư tái định cư Khánh An chua chát: “Tôi vào đây theo diện giải tỏa. Mang tiếng ở rừng mà không có đất đai gì cả. Hàng ngày nhìn vô rừng thấy cây lá xanh um tùm mà lòng dạ héo hon không chịu được”.

Hiện trạng U Minh Hạ là vậy. Những người tâm huyết với mảnh đất này không phải bây giờ mà từ cách đây hơn 10 năm họ đã tìm cách cởi trói cho người dân U Minh Hạ. Họ trăn trở, khắc khoải cùng dân nghèo và đón nhận những điều chưa tốt đối với bản thân.