ThienNhien.Net – Ngày 27/6, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bà Victoria Kwakwa Phó Chủ tịch vùng Đông Á và Thái Bình Dương ngân hàng thế giới, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát… cùng đại sứ quán các nước cũng như lãnh đạo các tỉnh thành tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã tham gia diễn đàn thường niên “Diễn đàn đồng bằng Sông Cửu Long 2016”.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đồng bằng Sông Cửu Long đang là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam nhưng chính phủ lại kỳ vọng nơi đây phải là một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á và Châu Á trong tương lai. Nếu phát triển được tầm nhìn này coi như chúng ta hoàn thành được một trong những sứ mệnh khó khăn nhất trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp của Việt Nam.
Đặc biệt đồng bằng Sông Cửu Long đang là vựa lúa lớn nhất cả nước hiện nay, chiếm 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu trong cả nước do vậy sự sụt giảm nông nghiệp trong vùng này vì biến đổi khí hậu sẽ không chỉ có tác động kinh tế Việt Nam mà còn tác động vào suy yếu an ninh lương thực cho cả thế giới. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn Ngân hàng thế giới và đại sứ quán các nước giúp Việt Nam vượt qua được việc biến đối khí hậu gây khó khăn trong việc phát triển đồng bằng Sông Cửu Long.
Do tình hình biến đổi khí hậu tại đồng bằng Sông Cửu Long đang cấp bách, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành địa phương thuộc đồng bằng Sông Cửu Long cần tích cực phát triển nông thôn mới vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các tiêu chí mới trong việc phát triển nông thôn mới cho các địa phương tại đồng bằng sông cửu long. “Đây là việc cần làm ngay, và phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ chậm nhất quý III năm 2016”, Thủ tướng chỉ đạo.
Tại diễn đàn, Thủ tướng cũng cho rẳng mục tiêu của nông thôn mới là phát triển đời sống của người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu, tôi yêu cầu cầu nhanh chóng tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện cải tạo thực hiện các phương án phòng vệ trên các công trình công nghệ cao trước việc biến đổi khí hậu để phát triển nông nghiệp.
Vấn đề hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và ngân hàng thế giới cũng như các nước để phát triển bảo vệ đồng bằng Sông Cửu Long cũng được Thủ tướng đặt ra. Trong đó Thủ tướng mong muốn Ngân hàng thế giới cần mở rộng cảnh bảo, đánh giá khả năng sụp lún, biến đổi khí hậu… cho các địa phương tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rẳng việc thiếu sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng và thiếu chỉ đạo liên kết vùng để cùng nhau phát triển là một điểm yếu. “Tôi đề nghị ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cần tăng cường phối hợp với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long cần liên kết chặt chẽ với nhau, đưa ra những chính sách mới, sáng tạo, nhân rộng mô hình mới để phát triển vùng”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra thủ tướng cũng cho rằng tư duy thị trường manh mún, sản lượng thủy sản còn thấp đã giảm đi sự phát triển của vùng này. Đặc biệt việc hoa quả tại đồng bằng Sông Cửu Long là một thế mạnh nhưng vẫn chưa được chú trọng phát triển mà để các công ty nước khác nhập rồi đóng nhãn mác vào để hưởng lợi các đặc sản Việt Nam. Đây là thiệt thòi lớn nhất mà Việt Nam đang gặp phải. Trước tình trạng trên thì Thủ tướng đã đưa ra những nhiệm vụ để phát triển khu vực đồng bằng Sông Cửu Long trong đó Thủ tướng nói rằng phải cứu mình trước khi trời cứu.
Từ đó Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan cần nhìn rõ vấn đề và cùng cứu nhau thoát khỏi biến đổi khí hậu tại các nước trong đó có cả đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Đồng thời Thủ tướng chỉ đạo thêm Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và chính phủ thực hiện liên kết vùng, xây dựng chiến lực phát triển từng địa phương tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ. Phân công tỉnh nào phát triển lương thực, tỉnh nào phát triển trái cây, thủy sản cho phù hợp và tạo ra chuỗi liên kết để có sự phát triển tốt hơn.
Cần Thơ là trung tâm của miền tây thì giao cho tỉnh này là trung tâm kết nối giao dịch, thúc đẩy dòng chảy kinh tế, hội nhập của miền tây với các nước trên quốc tế. Đồng thời đầu tư khoa học, áp dụng khoa học mới đặc biệt là sinh học vào nuôi trồng thủy sản. Các trường đại học tại miền tây cần được chú trọng và liên kết với các trường đại học lớn trong nước và quốc tế cũng như trung tâm nghiên cứu, xây dựng liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng đề án nghiên cứu mang tính áp dụng với thực tiễn cao.
Cần chú trọng vào chất lượng sản phẩn làm cốt lõi thay vì lấy số lượng như hiện nay, tránh tình trạng như ở Mỹ mua thương hiệu nước mắm Phú Quốc nhưng bên trong lại là nước mắm của Thái Lan, mua giống mít Thái Lan về trồng bán đại trà nhưng giống mít Việt Nam lại ngon hơn mít Thái rất nhiều… Ngoài ra thủ tướng cũng chỉ đạo cần phải đưa những công trình lớn vào ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhờ các nước trong khu vực và thế giới giúp phát triển những công trình này.
“Việt Nam sẽ hợp tác với Ngân hàng thế giới, các nước để ứng phó với việc biến đổi khí hậu trên thế giới hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Đồng thời Thủ tứng Nguyễn Xuân Phúc cũng cảm ơn Ngân hàng thế giới cùng các nước đã giúp Việt Nam trong vấn đề phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.