ThienNhien.Net – Sau khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, nhiều người khấp khởi kỳ vọng đại ngàn Tây Nguyên sẽ ngừng “chảy máu”. Thế nhưng, thực tế cho thấy rừng nhiều nơi vẫn tiếp tục bị tàn phá
Tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyênnhằm ứng phó với biến đổi khí hậu hôm 20-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa tất cả rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Thủ tướng, tình trạng phá rừng vẫn ngang nhiên diễn ra.
Bất chấp chốt liên ngành
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Pảh (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) được giao quản lý, bảo vệ gần 14.000 ha rừng và đất rừng. Thời gian gần đây, khu rừng này bị tàn phá, khai thác rất nghiêm trọng nhưng lực lượng chức năng không có động thái ngăn chặn hiệu quả.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 22-6, chúng tôi đã vào khu vực này và ghi nhận sự dửng dưng của những người liên quan trong việc bảo vệ rừng. Từ đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đi theo lối độc đạo trong lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Pảh và chứng kiến rất nhiều diện tích rừng trước đây giờ đã thành nương rẫy.
Nghiêm trọng hơn, lâm tặc vẫn chuyển gỗ lậu trên đường nhưng không hề bị xử lý. Khoảng 22 giờ cùng ngày, trên trục đường này, chúng tôi đã phát hiện nhiều xe máy “độ”, “chế” chạy ầm ầm từ rừng ra, mỗi xe chở khoảng 0,2-0,3 m3 gỗ.
Tiếp tục đi sâu vào tiểu khu 29 thuộc lâm phần của công ty, chúng tôi bất ngờ phát hiện 4 xe công nông “độ”, “chế” chở gỗ chỉ cách chốt kiểm tra liên ngành khoảng 3 km. Thấy có người lạ ghi hình, nhóm lâm tặc nhanh chóng lánh mặt, để lại 4 xe đầy ắp gỗ lậu.
Số gỗ trên xe được khai thác từ rừng tự nhiên, mỗi cây đường kính 20-30 cm, dài khoảng 1,3 m. Số gỗ này vừa được đốn hạ, nhựa vẫn rơm rớm.
Vì sao đoàn công tác liên ngành của huyện Ea H’leo đã lập chốt trên tuyến độc đạo nhưng 4 xe công nông vẫn không ngán ngại? Vì sao những chiếc xe máy chở gỗ lậu vẫn có thể vượt chốt liên ngành ra ngoài một cách dễ dàng? Sau khi ghi nhận thông tin, hình ảnh, chúng tôi thông báo cho đoàn liên ngành thì họ mới rục rịch đi làm việc!
Trao đổi với phóng viên về việc lâm tặc vẫn lộng hành trên lâm phần của mình, ông Trương Thanh Chương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Pảh, lý giải: “Từ năm 2010 trở lại đây, giá hồ tiêu tăng cao nên tình trạng khai thác rừng để làm trụ tiêu cũng diễn ra gay gắt. Lâm tặc rất hung hãn và manh động, trong khi lực lượng bảo vệ rừng lại quá mỏng, công cụ hỗ trợ thô sơ nên rất khó khăn trong việc ngăn chặn”.
Theo ông Chương, lực lượng bảo vệ rừng đã nhiều lần báo cáo, nhờ sự phối hợp của công an và kiểm lâm huyện để ngăn chặn nhưng không hiệu quả. “Tôi cũng nghi trong nội bộ có nội gián vì mỗi lần tôi trực tiếp cùng các lực lượng mật phục thì không thấy bóng dáng lâm tặc. Có khả năng trong nội bộ có người đã thông tin cho lâm tặc biết trước để họ tránh né, lẩn trốn mỗi khi đoàn đi làm việc” – ông Chương phân bua.
Để làm rõ hơn trách nhiệm của những lực lượng liên quan, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Huy Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Ea H’leo. Ông Tuấn đã gọi điện thoại cho ông Vũ Xuân Khu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea H’leo, đề nghị làm việc với phóng viên. Thế nhưng, ông Tuấn cho biết ông Khu đã từ chối.
“Đã xin rồi, không phải sợ ai”!
Tình trạng bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng như đã nêu trên còn diễn ra ở nhiều nơi tại các cánh rừng Tây Nguyên. Ngay trong ngày 21-6, tức chỉ sau hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên 1 ngày, chúng tôi đến Lâm trường Đắk Ba thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Glei, tỉnh Kon Tum và chứng kiến nhiều xe máy “độ”, “chế” chở gỗ lậu từ tiểu khu 107 và 120 vẫn rầm rộ qua trạm kiểm soát.
Con đường nối liền xã Đắk Long với xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum lâu nay vốn được lâm tặc sử dụng để chở gỗ từ rừng ra thị trấn Đắk Glei. Những tưởng sau chỉ đạo của Thủ tướng, con đường này sẽ vắng bóng lâm tặc nhưng có mặt ở đây, chúng tôi không khỏi thất vọng. Để vào được trong rừng, phải đi qua một chốt kiểm soát của Lâm trường Đắk Ba. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến đây, chốt kiểm soát này khóa cửa ngoài, không có ai.
Theo hướng một nhóm lâm tặc vừa chở gỗ ra, chúng tôi tiến sâu vào rừng. Chưa tới cửa rừng, chúng tôi đã nghe tiếng cưa máy xẻ gỗ gầm rú đinh tai nhức óc. Ngay bìa rừng, 4 người đang chất khoảng 10 khúc gỗ đã được xẻ, mỗi khúc có đường kính khoảng 30-40 cm, dài khoảng 2 m lên các xe máy “độ”, “chế” chuẩn bị đưa ra khỏi rừng. “Trước khi vào rừng, tôi đã gọi điện xin rồi nên cứ đi ra thôi, không phải sợ ai bắt cả” – một người thản nhiên nói khi chúng tôi thắc mắc. Anh ta còn khoe bí quyết để chở được gỗ trên những lối mòn trơn trợt vì mưa, bánh xe phải quấn xích tạo ma sát. “Trước đây, khu rừng này có rất nhiều loại gỗ quý nhưng giờ chủ yếu chỉ là gỗ tạp” – anh ta cho biết.
Khi chúng tôi phản ánh những thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Hữu Thành – Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Glei – đã phủ nhận và cho rằng không có chuyện lâm tặc vào rừng khai thác gỗ giữa thanh thiên bạch nhật. “Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, kiểm soát, túc trực tại các trạm quản lý bảo vệ rừng. Trong lâm phần công ty, thời gian qua không có tình trạng khai thác gỗ” – ông khẳng định.
Chúng tôi thắc mắc nếu “thường xuyên túc trực tại các trạm” thì tại sao chốt kiểm soát của Lâm trường Đắk Ba trên con đường nối liền xã Đắk Long với xã Đắk Nhoong lại vắng tanh? Ông Thành giải thích do các cán bộ, nhân viên “đang đi học nghị quyết”!.
Đình chỉ trưởng trạm bảo vệ rừng
Mới đây, ngày 26-6, sau khi được cung cấp thông tin, UBND huyện Đắk Glei đã xác định được 5 đối tượng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trong các khu rừng thuộc Lâm trường Đắk Ba. Cả 5 lâm tặc này đều cư trú ở làng Đắk Vức, xã Đắk Kroong. Cơ quan chức năng đã thu giữ các phương tiện thai thác, vận chuyển gỗ như xe máy, cưa máy… Liên quan đến vụ việc, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Glei đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng đối với ông A Tim để điều tra làm rõ trách nhiệm. |
Kỳ tới: Nhăm nhe “miếng mồi ngon”