ThienNhien.Net – Trong những ngày tìm hiểu về hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đã nghe nhiều lãnh đạo cấp cơ sở phàn nàn về việc địa phương phải bỏ ra hàng tỷ đồng để lập chốt bảo vệ các điểm mỏ khoáng sản, thế nhưng đến nay tài sản quốc gia vẫn bị “chảy máu” và Nhà nước thì thất thoát nguồn thu.
Vậy làm sao để có thể quản lý được việc khai thác khoáng sản và đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước… cho đến nay vẫn là câu hỏi khiến chính quyền tỉnh Quảng Nam đau đầu.
Dai dẳng nạn “ăn cắp” khoáng sản ở tỉnh Quảng Nam
Cấp phép mỏ để tận thu, tránh lãng phí
Theo ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 khu vực khoáng sản vàng phân bố rải rác trong các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, do người dân tự tìm kiếm, phát hiện, có trữ lượng nhỏ. Đây cũng là các “điểm nóng” về tình trạng khai thác vàng trái phép trong nhiều năm nay.
Trong thời gian qua, để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo lực lượng liên ngành truy quét, đẩy đuổi quyết liệt và Ủy ban nhân dân các huyện đã chốt giữ tại các điểm nóng. Thế nhưng, do địa hình rừng núi phức tạp nên việc truy quét gặp rất nhiều khó khăn.
“Bên cạnh đó, do điều kiện địa phương lạc hậu, năng lực quản lý không cao nên việc quản lý tại địa bàn còn hạn chế, và cũng không loại từ một số địa phương vì áp lực thu ngân sách nên làm ngơ cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Chính vì thế, sau khi đoàn liên ngành đi kiểm tra theo chiến dịch xong, thì đâu lại vào đấy, không làm dứt điểm được,” ông Viễn nói.
Tại Chỉ thị số 17 về việc triển khai các giải pháp, nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn vừa được ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ký ban hành ngày 18/5, cũng nêu rõ: Tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn vẫn chưa chấm dứt; sản lượng khai thác khoáng sản của doanh nghiệp chưa kiểm soát được.
Đặc biệt là, một số địa phương còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý địa bàn. Nhiều địa phương, đơn vị lợi dụng cơ chế, chính sách lách thủ tục trong cấp phép hoạt động khoáng sản, cấp phép không đúng thẩm quyền… dẫn tới mất đất sản xuất, môi trường bị suy thoái, thất thoát tài nguyên và giảm lòng tin của nhân dân với chính quyền địa phương.
Trước thực trạng nêu trên, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thiết lập đường dây nóng (số điện thoại của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường) tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tiêu cực trong hoạt động khai khoáng, để lực lượng chức năng kịp thời truy quét, xử lý.
Ngoài ra, để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo nguồn thu, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố các khu vực phân tán, nhỏ lẻ để Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, cấp phép, nhằm hạn chế nạn “vàng tặc.” Với một số loại khoáng sản không thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh nhưng trong vùng dự án thì cho phép tỉnh cấp phép để tận thu, tránh lãng phí.
Chia sẻ từ góc độ cơ sở, ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Bắc Trà My cũng cho rằng, để quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản, đẩy đuổi vấn nạn khai thác vàng, thiếc trái phép, giải pháp tốt nhất là cho phép doanh nghiệp có năng lực vào khai thác và giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường.
Khoán trữ lượng thay vì khoán thuế
Không chỉ “chảy máu tài nguyên” do khoáng sản phân bố nhỏ lẻ khó kiểm soát, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp được phép khai thác mỏ cũng tận dụng cơ hội tự khai báo sản lượng để khai thác tận thu khoáng sản rồi tìm chiêu bài “xù nợ” thuế khiến Nhà nước thất thu hàng trăm tỷ đồng.
Nhìn nhận thực tế trên, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam nhấn mạnh: Thời gian qua, Sở thường xuyên cùng các ngành giám sát doanh nghiệp khai thác mỏ, thế nhưng sau khi cấp phép thì quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không mang lại nguồn thu lớn lắm, vì thế tỉnh có chủ trương không cấp phép tiếp những đơn vị không hiệu quả.
Riêng với hai công ty vàng thuộc Tập đoàn Besra (Canada), đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam cho biết, qua theo dõi hoạt động thì thấy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tốt, đầu tư bài bản, tuy nhiên sản lượng họ khai báo và con số sản lượng thực mà họ thu được thì mình không có điều kiện kiểm tra.
Vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam cũng cho biết, để đảm bảo nguồn thu, tránh thất thoát khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh là đưa luôn thuế phí theo trữ lượng và đấu thầu mỏ, không phải là khoán thuế mà khoán trữ lượng.
Trong khi đó, ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho rằng, khoáng sản là tài sản quốc gia, nếu không thu được thuế thì cứ để lại mỏ cho thế hệ sau khai thác. Những năm qua, tài nguyên khoáng sản đã bị doanh nghiệp tận thu, mất quá nhiều, trong khi nguồn thu thuế chẳng được bao nhiêu.
“Trước thực tế trên, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ra nhiều văn bản để xử lý, gần đây nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 17 về tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó, quy định sử dụng nguyên vật liệu phải có nguồn gốc hợp pháp, đến năm 2017, cơ sở nào vi phạm sẽ phải dừng hoạt động,” ông Bốn cho biết thêm.
Trước đó, trao đổi với báo chí về việc có hạn chế cấp phép khai thác cho nhà đầu tư ngoại để hạn chế tình trạng “chảy máu khoáng sản” hay không, một lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài không bị hạn chế.
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính sách của Nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại và thân thiện với môi trường để khai thác triệt để, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả khoáng sản. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp khai khoáng gắn khai thác với chế biến sâu nhằm tăng giá trị khoáng sản.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý, để tránh tình trạng “chảy máu tài nguyên,” lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, cần phải nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước cùng với các công cụ pháp luật đủ mạnh để hạn chế tình trạng nâng khống giá trị đầu tư, chuyển giá và gian lận thương mại.