ThienNhien.Net – Lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, một trong những lý do giá bán than của tập đoàn vẫn ở mức cao là vì bị áp nhiều loại thuế, phí. Theo tổng hợp của TKV, tổng các loại thuế phí tính vào giá thành than trong nước khoảng 15%, ở mức cao so với thế giới và khu vực.
Doanh thu lớn, lợi nhuận “lèo tèo”
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 25/6, lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 47.450 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ đạt 150 tỷ đồng.
Năm 2016, TKV đặt ra mục tiêu đạt tổng doanh thu đạt 104.891 tỷ đồng, lợi nhuận phấn đấu đạt 500 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, doanh thu TKV đạt 76,4 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 473 tỷ đồng.
Với đặc thù là doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý và khai thác tài nguyên của quốc gia nên không có gì lạ khi TKV có doanh thu lớn như vậy. Năm 2015, theo bảng xếp hàng của Vietnam Report, TKV đứng thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Mặc dù doanh thu rất lớn, song nhìn vào mức lợi nhuận của TKV trong năm 2015 cho thấy “ông lớn” này còn thua kém so với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước có doanh thu nhỏ hơn.
Bán đắt nhưng lãi “lèo tèo”, TKV nói do gáng nặng thuế phí, cạnh tranh
Theo tìm hiểu của BizLIVE, giá than của TKV giao đến Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 hiện là hơn 1,8 triệu đồng/tấn, trong khi giá than nhập khẩu các doanh nghiệp khác chào chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tấn.
Như vậy, chỉ riêng tại nhà máy Vũng Áng 1, nếu chỉ tập trung mua than TKV, so với giá than nhập khẩu hiện nay, người tiêu dùng sẽ phải “bù” cho TKV hơn 300 tỷ mỗi năm.
Liên quan đến vấn đề giá than, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 25/6, lãnh đạo TKV cho biết, một trong những lý do giá bán than của tập đoàn vẫn ở mức cao là vị bị áp nhiều loại thuế, phí. Theo tổng hợp của TKV, tổng các loại thuế phí tính vào giá thành than trong nước khoảng 15%, ở mức cao so với thế giới và khu vực.
Một khó khăn khác theo TKV, đó là do sự thay đổi của nhu cầu sử dụng than trong nước, cùng với đó là việc Nhà nước đã cho phép một số ngành khác cũng được nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu sử dụng.
Theo phản ánh của TKV, việc Nhà nước đã cho phép một số ngành khác cũng được nhập khẩu than là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản phẩm than của TKV bị tồn đọng, không tiêu thụ được. Tuy nhiên, trên thực tế, TKV là doanh nghiệp được nhiều ưu ái trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Nhìn vào báo cáo 6 tháng năm 2016 của TKV cũng có thể thấy lượng than tồn lại chỉ vào khoảng hơn 1 triệu tấn, đây không phải là con số lớn (sản xuất được 19,27 triệu tấn than, tiêu thụ than đạt 18 triệu tấn).
Trong khi đó, hôm 20/4, Tổng cục Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương) đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Dầu khí (PVN) chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 “tập trung mua than của TKV sản xuất”. Đồng thời, “chủ động làm việc với TKV để ký hợp đồng mua bán than năm 2016”, “đàm phán để ký kết hợp đồng mua bán than dài hạn cho nhà máy trước ngày 15/7/2016”.
Trả lời BizLIVE về vấn đề ưu tiên than TKV, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: “Không phải bất cứ một đơn vị nào cũng có thể cung cấp than để sản xuất điện mà chủ yếu tập trung vào 2 đơn vị lớn (TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc -PV). Vì hai đơn vị này có nguồn than ổn định, đủ để bảo đảm cho sản xuất điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.
Như vậy để thấy TKV có nhiều ưu thế, có thị trường tiêu thụ… không hoàn toàn “khó khăn” như lời lãnh đạo tập đoàn này nói. Trong khi đó, với mức doanh thu lớn song lợi nhuận thu về lại khá bèo bọt, đó cũng là một vấn đề đáng bàn hiện nay của TKV.