ThienNhien.Net – Một số mặt hàng Việt Nam sống chết bảo hộ trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như dầu thô, than đá, quặng…
Mặt hàng “nhạy cảm” cần có lộ trình bảo hộ dài hơn
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới diễn ra sáng 23/6, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, hiện Việt Nam đã ký kết 11 FTA, có những hiệp định thương mại tự do được thực hiện từ năm 1999, có những hiệp định vừa mới ký kết như FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu được ký kết ngày 29/5/2015.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nước thành viên vừa được ký kết ngày 4/2, các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục nội bộ để thông qua Hiệp định. Dự kiến, TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2018. “Nếu tất cả các Hiệp định này được thực hiện thì 80% tổng kim nghạch xuất khẩu của nước ta sẽ đi theo con đường thương mại tự do này”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, trong ASEAN cam kết 99% mặt hàng phải đưa thuế nhập khẩu về 0%. Đến thời điểm năm 2015 nước ta đã đưa được 92 – 93% và dự kiến đến năm 2018 sẽ về 0%. Cụ thể, đúng theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến cuối năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống 0%. Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA.
Như vậy, chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018 gồm các mặt hàng “nhạy cảm” cần có lộ trình bảo hộ dài hơn, chủ yếu như sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất…
Và 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan bao gồm các mặt hàng nông nghiệp “nhạy cảm” được phép duy trì thuế suất ở mức 5% như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường
Ông Tùng cũng cho biết, Hoa Kỳ là đối tác có thương mại tương đối lớn nên trong đàm phán TPP, Hoa Kỳ là đối tác chủ yếu của Việt Nam. Khi yêu cầu Hoa Kỳ xóa bỏ thuế có lợi thế cho chúng ta và sẵn sàng cam kết bỏ thuế trong các nước TPP nhằm tạo sức ép để chúng ta đàm phán.
Về mức độ cam kết, theo ông Tùng, trước đây chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà không hề có cam kết nào có yêu cầu ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ đưa thuế về 0%. Thậm chí có những mặt hàng thuế rất thấp, chỉ từ 3-5% nhưng lại duy trì đến 5-10 năm.
Trong ASEAN trước đây, những cam kết nằm trong một khuôn mẫu mà các nước cứ theo, còn theo TPP thì không hề có khuôn mẫu nhất định, người ta xác định theo từng mặt hàng, để xác định và tối đa hóa lợi ích. Khi đàm phán như vậy, họ đàm phán theo biểu thuế, theo dừng dòng thuế, kéo dài khoảng hơn 5 năm.
“Như vậy, khi đàm phán bảo vệ thị trường, chúng ta phải giải thích tại sao mặt hàng này lại cần lộ trình đến thời gian 5 năm hay 10 năm như vậy. Ngược lại, bên họ cũng cần chứng minh lộ trình họ cần cho những mặt hàng như dệt may, đồ gỗ và da giày… của họ là bao nhiêu năm”, ông Tùng cho hay.
Sống chết bảo hộ một số mặt hàng khoáng sản
Cũng theo ông Tùng, nếu như thuế suất bình quân của Việt Nam, khoảng 13% thì ở các nước phát triển chỉ từ 4-5%, vì vậy khi họ đưa về 0% rất dễ dàng, nhưng chúng ta sẽ cần một quãng đường dài hơn để thực hiện.
Về biểu mẫu thuế, ông Tùng cho biết, các nước họ có mức độ bảo hộ không dàn trải như Việt Nam, họ bảo hộ tương đối tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp mặc dù là nước công nghiệp phát triển. Đồng thời, trong công nghiệp họ bảo vệ tập trung có chọn lọc các mặt hàng, chứ không dàn trải như Việt Nam.
Cũng theo ông Tùng, có một số mặt hàng Việt Nam sống chết bảo hộ trong quá trình đàm phán các FTA có thể kể đến như dầu thô, than đá, quặng.
Tại diễn đàn, ông Hoàng Mạnh Phương, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, Việt Nam đã có những bước tiến khá xa, rất đáng kể như trong những ngành, lĩnh vực cam kết trước đây như phân phối.
“Chúng ta cũng đã duy trì bảo lưu 5 năm với yêu cầu về bảo lưu thị trường của Bộ Công Thương. Những ngành nghề nhạy cảm như thuốc, xăng dầu được Việt Nam bảo lưu rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, một số những lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, đất đai, khai thác khoáng sản, hỗ trợ… cũng có những cam kết nhất định để bảo lưu chặt chẽ, đảm bảo quyền để chính phủ quản lý thương mại và đảm bảo thông tin truyền thông”, ông Phương nói.