Thiên đường đã mất!

ThienNhien.Net – Trong cuộc làm việc với các tỉnh Tây Nguyên mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng cửa rừng. Điều này làm người dân cảm kích trong ngậm ngùi.

Cảm kích bởi còn hy vọng cứu những mảnh rừng ít ỏi còn lại. Ngậm ngùi bởi quá muộn màng trước những cánh rừng bạt ngàn đã bị tận diệt trong bao năm qua.

Rừng đã mất. Câu chuyện tưởng chừng xưa cũ nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn luôn được các dự án thủy điện nhắc đi nhắc lại. Những dãy đồi trọc cũng không quên minh chứng bao cỏ cây đã mất và chẳng thể tìm lại được bao giờ. Nó như vết thương bị những kẻ nhẫn tâm đào xới cho lở lói, xốn xang. Đau lòng hơn, câu chuyện trên diễn ra trước mắt, từng ngày với bao nhiêu cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng, chính quyền địa phương… nhưng chẳng có cách gì dừng lại.

La liệt lóng gỗ vụ lâm tặc đốn hạ rừng trái phép
La liệt lóng gỗ vụ lâm tặc đốn hạ rừng trái phép

Những người có trách nhiệm luôn đổ thừa rừng mất là do người dân di cư. Nhưng bất cứ ai sống gần rừng đều hiểu chẳng có người dân nào có thể phá rừng mà không bị phạt. Lâm tặc là ai? Chỉ có những người giả vờ ngây thơ mới cho rằng đó là người dân thấp cổ bé họng vào rừng kiếm sống. Lâm tặc bây giờ là những ông chủ lắm tiền, nhiều của luôn nhăm nhe lấy rừng xây thủy điện hoành tráng; là những cán bộ có trong tay hàng trăm hécta trang trại mọc lên giữa rừng; là những doanh nghiệp trồng cây công nghiệp trá hình trên đất rừng màu mỡ; là những xưởng cưa ngày đêm xẻ gỗ của chính những người khoác áo bảo vệ rừng… Đó cũng là lý do giải thích tại sao số liệu rừng trong báo cáo từ những địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên luôn xa rời thực tế, lấp liếm cho những vùng đất bị tàn phá nặng nề.

Trong sách Thánh Thư cũng như các câu chuyện cổ tích, thiên đường là nơi cây trái đâm chồi nảy lộc, hoa cỏ khoe sắc nở hoa, thú rừng vui đùa bên suối. Hình ảnh đó không xa lạ với chúng ta mà luôn hiện hữu trong rừng núi bạt ngàn ở thời quá vãng. Tiếc thay, thiên đường đó đã bị tận diệt bởi những kẻ ích kỷ bất chấp lợi ích của cộng đồng để tạo dựng thiên đường của riêng mình là những đồng tiền nhẫn tâm, biệt thự vô cảm và sự huênh hoang dối trá. Rừng đối với họ là tiền, không hơn không kém.

Trong những đoạn phim khoa học, chúng ta vẫn luôn nhớ cô bé Tippi Degré, con của đôi vợ chồng nhà khoa học người Pháp. Từ nhỏ cô đã sống giữa rừng châu Phi, giữa đàn voi, ngựa vằn và bao con thú hiền hòa khác. Khi lớn lên, cô phải trở về Pháp để học. Ở giữa những khối bê-tông của đô thị mà chân trời luôn bị chắn bởi những tòa nhà cao ốc, cô sầu muộn hoảng hốt và lạc lõng từng ngày.

Hình ảnh ấy nào có xa lạ! Đó chính là tâm trạng của con cái chúng ta khi được sinh ra và tách rời khỏi thiên nhiên trù phú, bao dung. Chúng thích thú dưới những bóng cây nhưng e dè hoảng sợ khi chạm vào nó. Thú vật không còn được nhìn như những loài cộng sinh mà thay vào đó là ánh mắt cảnh giác đến tội nghiệp, trong giấc mơ không có nổi một ngọn gió hiền hòa.

Mọi việc chưa đến nỗi quá muộn để không còn có thể cứu vãn nếu ngay từ bây giờ mạnh tay trừng trị những kẻ phá rừng.

Nguồn: