ThienNhien.Net – Với việc đưa những người không đủ điều kiện nhận tiền bồi thường khi triển khai Dự án thủy điện (DATĐ) Đăkđrinh, Hà Văn Tiên cùng nhiều cán bộ khác của H. Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Chủ trương “quy về chủ cũ”
DATĐ Đăkđrinh có tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng hơn 710 tỷ đồng. Khi nghe thông tin về dự án, nhiều người đã đến mua đất của người dân các xã chịu ảnh hưởng để được nhận đền bù khi giải tỏa. Từ năm 2004 đến 2010, tại xã Sơn Liên có 54 cá nhân, hộ gia đình đã bán 336 thửa đất cho 36 người khác; tại xã Sơn Dung có 97 hộ dân bán 523 thửa đất cho 72 người khác; xã Sơn Long có 40 hộ dân đã bán 109 thửa đất cho 34 người khác. Năm 2011, UBND H. Sơn Tây đã thành lập Hội đồng bồi thường (HĐBT), hỗ trợ DATĐ Đăkđrinh do ông Tô Cước – Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch hội đồng, các ông Hà Văn Tiên – Trưởng phòng TN-MT, Nguyễn Anh Dũng – Trưởng phòng NN&PTNT làm Phó Chủ tịch hội đồng…
Theo quy định của Nhà nước, việc bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chỉ thực hiện cho người trực tiếp canh tác, sản xuất trên đất bị thu hồi. Trong lúc kiểm tra, HĐBT H. Sơn Tây phát hiện khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy trình của pháp luật nên đã đề ra chủ trương “quy về chủ cũ” để lập phương án bồi thường. Phương án này là không đưa tên người mua đất vào trong phương án đền bù, hỗ trợ mà đưa tên người đã bán đất vào phương án đền bù, mặc dù ông Cước và các thành viên HĐBT biết rõ những người chủ cũ không còn sử dụng đất, không sản xuất canh tác trên thửa đất đã bán nên không thuộc diện hỗ trợ theo quy định.
Sau đó, HĐBT triển khai chủ trương “quy về chủ cũ” về các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long để thực hiện. Lúc này, Hà Văn Tiên được giao phụ trách 2 xã Sơn Liên, Sơn Long, còn Nguyễn Anh Dũng giao phụ trách xã Sơn Dung để xác minh lại nguồn gốc đất, kiểm kê diện tích các thửa đất và nhà cửa. Trong lúc thực hiện chủ trương “quy về chủ cũ”, một số người mua đất tại xã Sơn Liên biết thông tin nên “ngỏ lời” với Tiên nhờ giúp đỡ. Với những “thủ thuật”, Tiên và những cán bộ xã Sơn Liên đã đưa một số người thân quen của chủ đất mới đứng tên vào danh sách bồi thường thay cho chủ cũ. Tại xã Sơn Long và Sơn Dung, cũng có nhiều trường hợp không đủ điều kiện được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề thuộc phạm vi thu hồi đất tại lòng hồ thủy điện Đăkđrinh nhưng vẫn được kê khống để nhận tiền đền bù. Tại xã Sơn Dung, sau khi HĐBT niêm yết danh sách các hộ dân nhận tiền đền bù thì giữa người mua đất và người bán đất xảy ra tranh chấp về số tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, sau đó họ tự thỏa thuận tỷ lệ chia đôi tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.
Thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Trong quá trình điều tra, CQĐT CA tỉnh Quảng Ngãi xác định việc triển khai đền bù, hỗ trợ trong DATĐ Đăkđrinh đã gây hậu quả nghiêm trọng. Với trách nhiệm là Chủ tịch HĐBT, chỉ đạo thực hiện chủ trương “quy về chủ cũ”, ông Tô Cước đã làm trái quy định của Nhà nước về công tác bồi thường, gây thiệt hại hơn 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ông Cước bị đột quỵ và chết nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với Hà Văn Tiên, CQĐT xác định Tiên có nhiều sai phạm.
Mặc dù biết rõ những người bán đất và những người đứng tên hộ không còn trực tiếp sản xuất trên các thửa đất đã bán, không thuộc diện được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng Tiên vẫn đưa họ vào danh sách nhận tiền bồi thường. Tiên đã trực tiếp ký xác nhận hồ sơ của những người không đủ điều kiện, trực tiếp chỉ đạo công tác thẩm định và ký các báo cáo thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để trình UBND huyện ký phê duyệt, chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề tại 3 xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung gây thiệt hại hơn 25 tỷ đồng. Hành vi của Tiên đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ việc này, ngoài ông Cước thì Hà Văn Tiên là người phải chịu trách nhiệm chính.
Đối với Nguyễn Anh Dũng, CQĐT xác định đã trực tiếp triển khai, chỉ đạo thực hiện chủ trương “quy về chủ cũ” tại xã Sơn Dung, đưa những người không còn trực tiếp sản xuất trên các thửa đất đã bán vào phương án bồi thường, hỗ trợ. Dũng ký tờ trình xin thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, trong đó có 49 người không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tại xã Sơn Liên, gây thiệt hại 9,6 tỷ đồng. Trong vụ này, Nguyễn Anh Dũng tham gia bàn bạc, thống nhất thực hiện chủ trương sai trái ngay từ đầu và tích cực thực hiện nên phải liên đới chịu trách nhiệm toàn bộ hậu quả thiệt hại. Ngoài ra, CQĐT CA tỉnh Quảng Ngãi xác định sai phạm của Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh, Trần Minh Việt – cán bộ địa chính các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long.
Mới đây, CA tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển toàn bộ hồ sơ và bản kết luận điều tra vụ án sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố các bị can Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.