ThienNhien.Net – Xin đào ao, làm trang trại là cách mà các đối tượng khai thác quặng lậu ở Lào Cai che mắt cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại đây bùng phát có dấu hiệu làm ngơ của chính quyền cấp xã ở địa bàn.
Đào ao, đào nghìn mét khối đất đá
Tại huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), tình trạng khai thác, thăm dò quặng trái phép có chiều hướng gia tăng trên địa bàn kể từ đầu năm nay. Các đối tượng quặng tặc đã lấy đi hàng trăm tấn quặng Apatit để bán kiếm lời. Số quặng này chủ yếu được khai thác lộ thiên. Quặng tặc chỉ việc bóc lớp đất đá bề mặt đã có thể khai thác ngay.
Tại thôn Hải Khê (xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), khu vực mà các đối tượng đã khai thác quặng lậu chỉ cách đường cái lớn vài trăm mét. Các đối tượng khai thác đã đào bới hàng nghìn mét khối đất đá, tạo ra những hố sâu và dài hàng chục mét. Quan sát tại hiện trường, các đối tượng quặng lậu đã mở đường mòn vào vị trí khai thác để xe cơ giới có thể ra vào vận chuyển.
Tại đây còn có cột bơm dầu được nguỵ trang, che đậy bằng bạt, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho các phương tiện cơ giới. Sau khi sự việc bị phát lộ, ngoài số quặng đã bị lấy cắp, các đối tượng quặng tặc còn chưa kịp tẩu tán hàng trăm tấn quặng đã khai thác ngay tại khai trường lậu này.
Ông Lý Khánh Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua – cho biết, trước đây một đơn vị xin cải tạo lòng ao để chăn nuôi thuỷ sản, lý do lòng ao bùn sâu và lâu rồi canh tác không hiệu quả. Sau thời gian nửa tháng, xã thấy có dấu hiệu đào bới san tạo ngoài phạm vi mặt bằng ao. Xã đã kiểm tra lập biên bản và báo cáo các cấp chính quyền và xử lý theo quy định.
Song lạ một điều là vì sao, điểm được cho là san gạt trái phép vẫn tồn tại nhiều tháng trước khi dừng hẳn trong khi chính quyền xã chỉ xử lý từ biên bản này tới biên bản khác. Hơn nữa, số tiền xử phạt chỉ vài triệu đồng, ai sẽ hoàn nguyên hàng nghìn mét vuông mặt bằng khi các đối tượng đã “chạy làng”?
Ai chịu trách nhiệm để mất quặng?
Trước việc khai thác quặng lậu tràn lan trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong trong cuộc họp UBND thường kỳ hồi tháng 5 đã rất bức xúc việc khai thác quặng lậu tồn tại trên một số địa bàn huyện, ông Phong cho rằng, một xe quặng như vậy thu trên 40 triệu đồng, cứ múc vài gầu lên là được hàng chục triệu đồng, vậy tài sản của Nhà nước đang được quản lý như thế nào? “Tôi đề nghị có thể thực hiện chuyên án việc này, sau đó sàng lọc các đối tượng, đối tượng nào truy tố được ta phải làm kiên quyết cho dù đối tượng là ai. Các địa phương cần xem xét trách nhiệm quản lý khoảng sản như thế nào?” – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng cơ quan trung ương chuyên ngành đã làm việc về vấn đề quặng lậu tại Lào Cai. Phải chăng, khi các ngành trung ương và địa phương vào cuộc quyết liệt thì việc quản lý khai thác tài nguyên trái phép ở chính quyền cấp cơ sở mới được siết chặt?
Vụ việc tại xã Bản Qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh vừa qua đã có khảo sát vào mốc để quản lý khoáng sản, trong đó một số điểm thuộc lòng ao thôn Hải Khê (xã Bản Qua, huyện Bát Xát). Ông Nguyễn Thành Sinh – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – thừa nhận, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở cấp cơ sở còn nhiều yếu kém, thiếu lực lượng, chế tài chưa đủ răn đe dẫn tới “quặng tặc” hoành hành như hiện nay.
Tuy nhiên, các cơ quan của các ngành ở trung ương và địa phương xử lý xong ở huyện này, việc khai thác quặng trái phép bùng phát ở huyện khác.
Tại huyện Bảo Thắng, lợi dụng sự buông lỏng của chính quyền xã, một số điểm mỏ dừng khai thác của Công ty Apatit, thuộc Tập đoàn Hóa chất, quặng tặc đã núp bóng dạng tận thu hoặc thuê đất làm trang trại… Khi nói về trách nhiệm quản lý địa bàn, ông Chủ tịch xã Gia Phú Lương Văn Thuận bàng quan rằng, do thiếu lực lượng nên không thể kiểm soát hết địa bàn. Việc xử lý san gạt mặt bằng trái phép tại xã này cũng diễn ra tình trạng tương tự là lập biên bản xử phạt cho có!?