ThienNhien.Net – Việc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần rà soát công nghệ xử lý nước thải và công tác giám sát môi trường Nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang) lại đang làm “nóng” lên chuyện “đánh đổi” trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Một văn bản của VASEP gửi lên Quốc hội và Chính phủ cuối tuần qua đã thu hút sự chú ý rất lớn của công luận. Lý do là, VASEP đã chính thức kiến nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của Dự án xây dựng Nhà máy Giấy của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam (Hồng Kông), đồng thời chỉ đạo yêu cầu thực hiện đầy đủ và đồng bộ hoạt động giám sát xả thải của Nhà máy Lee&Man, bao gồm cả đầu tư thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi.
Lý do được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đưa ra có liên quan tới vụ việc cá chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4 vừa qua. Theo VASEP, vụ cá chết này đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất thủy sản của ngư dân, đồng thời tạo sức ép ngày càng lớn từ các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, người dân và các doanh nghiệp thủy sản hội viên VASEP tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang hoang mang và lo ngại trước thông tin Nhà máy Lee&Man sắp đi vào hoạt động ở bờ sông Hậu (hạ nguồn Mekong), bởi dự án này có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dễ hiểu vì sao VASEP lo ngại, bởi Đồng bằng sông Cửu Long chính là vùng trọng điểm sản xuất, xuất khẩu thủy sản, chiếm 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu thủy sản của cả nước. Trong khi đó, theo thông tin được VASEP cung cấp, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH), có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nuôi trồng thủy sản.
Thực tế, từ năm 2007, sau khi biết thông tin Lee&Man sẽ xây dựng nhà máy giấy và bột giấy tại Hậu Giang, với tổng vốn đầu tư của cả hai dự án là gần 630 triệu USD, công suất 420.000 tấn giấy bao bì và 330.000 tấn bột giấy/năm, VASEP đã từng có văn bản với nội dung tương tự.
Thực tế, chưa có gì đảm bảo việc Lee&Man đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng tới môi trường sông Hậu, song lời cảnh báo sớm của VASEP là không thừa. Nếu kiểm soát tốt vấn đề xả thải của nhà máy này ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, thì sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Điều này càng cần thiết hơn bao giờ hết khi mà hiện tại, chuyện cá chết hàng loạt ở miền Trung vẫn chưa có lời giải đáp chính thức và mọi nghi án vẫn đang hướng vào Formosa – dự án FDI có quy mô lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Liên quan dự án này, thông tin mới đây cho biết, Formosa đã quyết định tạm hoãn khánh thành và đưa nhà máy đi vào hoạt động trong cuối tháng 6 này. Lý do chính thức không được Formosa công bố, song nhiều nguồn tin cho rằng, nó liên quan tới việc cá chết, cũng như khoản nợ thuế 70 triệu USD.
Câu chuyện đặc biệt ở chỗ, không chỉ dư luận Việt Nam đòi hỏi việc điều tra và công bố minh bạch nguyên nhân gây cá chết ở ven biển miền Trung, mà ngay cả giới chức Đài Loan cũng yêu cầu Chính phủ của họ tiến hành điều tra về vai trò của Tập đoàn Formosa trong vụ việc này. Theo các nhà lập pháp Đài Loan, nếu quả thực Formosa là nguyên nhân đứng sau thảm họa môi trường này, nó có thể đe dọa chính sách thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á của Đài Loan, một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của vùng lãnh thổ này vào Trung Quốc.
Trên thực tế, câu chuyện thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường đã được dư luận và các chính khách, chuyên gia kinh tế nhắc rất nhiều trong thời gian gần đây. Vấn đề là lựa chọn như thế nào để đạt được hiệu quả lớn nhất.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà sẽ chọn lọc, khuyến khích các dự án có tác động tới phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy.