ThienNhien.Net – Những kênh rạch đi qua huyện Hóc Môn (TP.HCM) vẫn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Khắp nơi rác ngập, nghẹn cả dòng chảy, nước đen ngòm và xộc lên những mùi hôi thối kinh khủng khiến nhiều người nhăn mặt, bịt mũi khi đi qua. Nhưng với những công nhân (CN) thoát nước đô thị, những sự ghê gớm đó quá quen thuộc. Hàng ngày họ vẫn phải xông vào, thậm chí trầm mình trong những dòng nước “hủy diệt” đó để góp phần làm sạch môi trường. Ước mong lớn nhất của họ là… mong người dân đừng xả rác bừa bãi xuống kênh rạch nữa. Còn chúng tôi thì mong chính quyền có những chế tài mạnh, cụ thể để phạt nặng những người dân, doanh nghiệp (DN) thải rác, nước gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí phạt công ích, bắt họ phải trầm mình xuống kênh nước đen để dọn rác…
Trầm mình dưới dòng nước “chết” vớt rác
Trưa 2.6, chúng tôi đến con kênh Rạch Dừa đoạn qua xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM. Lòng kênh bây giờ bị thu hẹp nhiều chỗ chỉ còn khoảng 2m do bị bùn, đất bồi lấp, dòng nước đen như dầu nhớt thải lừ đừ chảy. Dưới cái nắng như đổ lửa của buổi trưa, một nhóm bốn CN thuộc Cty Cấp thoát nước đô thị TPHCM đang người xúc, kẻ bê từng tảng đất lẫn rác đưa lên bờ để khơi thông dòng chảy cho cho con kênh Da dẻ họ, ai cũng đen nhẻm như thợ mỏ than. CN Nguyễn Văn Nho, người có thâm niên làm nghề này lâu nhất trong nhóm, giọng xót xa: “Tôi làm việc ở Cty thoát nước đô thị đã 18 năm và chứng kiến biết bao đổi thay của những con kênh trên địa bàn thành phố (TP). Trước kia, kênh rạch của TP có ô nhiễm như thế này đâu. Do nhiều người dân cứ vô tư vứt tất cả những gì không dùng được nữa xuống kênh, thêm vào đó, nhiều nhà máy sản xuất thoải mái xả thải nước nhiễm hóa chất chưa qua xử lý ra thẳng kênh, thế là những con kênh cứ chết dần. Hôm nay đã hết rác, chứ trước kia khỏi thấy lòng kênh luôn”.
Vui chuyện, anh Nho kể, sau khi Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng về đây kiểm tra và chỉ đạo quyết liệt cải tạo con kênh theo kiến nghị của cử tri Hóc Môn, các CN của Cty thoát nước đô thị TPHCM được điều đấy đây để vớt rác, làm sạch bề mặt dòng kênh. “Hôm nay con kênh này đã được chúng tôi đã vớt sạch rác rồi đấy. Những ngày trước thì người ta có thể đi từ bên này qua bên kia, bước trên bèo, trên rác mà chân không bị ướt do đáy kênh đã bị bồi lắng và rác ngập chặt, bện vào nhau cả kênh”, anh Nho chia sẻ.
Anh Nho chỉ tay xuống dòng nước đen: “Nhìn kênh thì thấy hết rác rồi đấy, nhưng nếu lội xuống nước vẫn bị phỏng chân ngay do nước bị nhiễm hóa chất, tương tự như bị phỏng nước nóng. Những cái mụn nước to nhỏ nổi lên không khác bị bỏng, khi vỡ ra thì còn đau hơn mụn phỏng nước vỡ. Tuy đã quen với nghề nhưng từ khi tới vớt rác ở con kênh này nhiều anh em chúng tôi bị phỏng nước lắm”.
Cũng trên dòng kênh này, ở ngay chân Cầu Dừa 1, giáp ranh giữa P. Thới An, Q.12 và xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, chúng tôi chứng kiến một nhóm 4 CN khác của Cty Thoát nước Đô thị (Chi nhánh Bắc Thành phố) cũng đang trầm mình ngang ngực giữa đám rác khổng lồ toàn những miếng xốp trắng xóa, kèm theo là bọc nylon, các chai đựng nước tinh khiết, nước ngọt… trong dòng nước đen sì để vớt rác lên bờ, sau đó chuyển lên xe chở đi đổ. Anh Huỳnh Văn Minh, tổ trưởng CĐ tổ 5, một CN, vẻ mặt rầu rĩ, giọng đầy tiếc rẻ, chia sẻ: “Mấy hôm rồi chúng tôi đã dọn sạch, rác, nhưng cơn mưa lớn hôm qua đã dồn rác ở đâu về, anh em phải vất vả dọn lại, khổ quá”.
Dường như biết chúng tôi có vẻ ái ngại khi thấy các anh trầm mình dưới dòng nước “chết” để vớt rác, một CN chia sẻ: “Cty cũng có trang bị quần lội nước bằng cao su liền ủng kéo cao được tới ngực, nhưng khi mặc vào lội xuống nước chân không di chuyển được vì bị bùn đất ép chặt nên không thể làm việc được. Hơn nữa, những bộ quần áo bảo hộ lao động này hình như họ sản xuất ra để trang bị cho xứ lạnh, còn trời Sài Gòn lúc nào cũng nóng hơn 30 độ C, mặc vào người nóng lắm, chịu không nổi, anh em toàn sử dụng ủng không hoặc giầy để lội nước. Còn máy xúc, Cty cũng có nhưng hành lang kênh bị lấn chiếm hết, xe không có lối đi vào. Thêm vào đó, bùn, rác lưu cữu dưới kênh, rạch lâu năm, bện chặt với nhau thành từng khối lớn, nếu ngồi trên xuồng vớt không nổi, anh em phải lội trực tiếp xuống cắt miếng rồi mới đưa lên bờ được. Mỗi tháng, Cty cũng cấp cho anh em mấy chục hộp sữa và dầu ăn theo chế độ bồi dưỡng độc hại”.
Anh Nguyễn Văn Nghiệp, tổ Trưởng tổ 3, chi nhánh thoát nước số 6, Cty Cấp thoát nước TP, phụ trách chính ở khu vực quận Gò Vấp và một phần quận Bình Thạnh cho biết: “mặc dù làm việc cực nhọc, trong môi trường độc hại, nhưng lương, thưởng cộng lại mỗi tháng bình quân mỗi người được khoảng 8, 9 triệu đồng. Do phải tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm thường xuyên, tôi và nhiều anh em khác phần lớn mắc phải căn bệnh ngoài da và hô hấp”.
Hãy chung tay vì cuộc sống của chính chúng ta!
Ông Diệp Nguyên Thịnh, Phó Giám đốc Cty thoát nước đô thị TPHCM, cho biết, Riêng Cty đang được giao quản lý, vận hành thoát nước 1.400 km cống và trên 770 km kênh, rạch trên đại bàn TP. Hầu hết các hệ thống cống của TP trước đây được thiết kế để sử dụng cho 2 – 3 triệu dân nên khẩu độ nhỏ; nay cả TPHCM đã có khoảng 10 triệu dân, nên chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước. Với lượng rác, bùn thải Cty phải nạo vét, thu gom trung bình 200 tấn/ngày, tính ra bình quân cả năm Cty phải nạo vét, thu gom khoảng 73.000 tấn, chia đều cho 700 CN trực tiếp thực hiện công việc, mỗi người một năm phải nạo vét, thu gom trên 100 tấn bùn, rác. Hàng năm, do kinh phí hạn hẹp, Cty chỉ được cấp khoảng 320 tỉ đồng để duy tu, nạo vét tương ứng 50 – 60% số lượng cống và 2 – 4% số lượng kênh. Khó khăn lớn nhất là nhiều người dân vẫn xả rác bừa bãi xuống cống hay kênh mương.
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước mưa, chia sẻ thêm: Cty có 22 xe chuyên dụng (4 tỉ đồng/chiếc) để hút bùn thải trong cống. Ở những nơi cống gần những địa điểm rửa xe thải nhiều dầu nhớt, hay những cơ sở sản xuất thải nhiều dầu mỡ, hóa chất Cty hạn chế tối đa việc anh em tiếp xúc trực tiếp với nước và dùng xe chuyên dụng để hút. Nhưng nhiều khi đưa ống hút xuống, rác thải ni lông bịt kín đầu ống thế là anh em lại phải xuống xử lý. Còn hiện tại, phần lớn anh em vẫn phải sử dụng phương pháp bán cơ giới bằng cách dùng động cơ xe máy quay các gầu múc rác, bùn thải trong lòng cống. Còn về kênh rạch, ngoài rác thải, tình trạng người dân lấn chiếm kênh, rạch để xây nhà, truồng trại chăn nuôi thì nhiều lắm, nhưng việc xử lý vô cùng khó khăn, vì hiện công việc thanh tra này vẫn đang do ngành Giao thông – Vận tải phụ trách, chứ chưa có thanh tra chuyên ngành về thoát nước.
Chủ tịch CĐ Cty Thoát nước đô thị TPHCM Nguyễn Thiện, người có thâm niên gắn bó với ngành thoát nước đô thị gần như lâu nhất Cty, tâm sự: “Nhiều khi thấy anh em làm việc cực khổ, thương chảy nước mắt. Thu nhập bình quân từ 8 – 8,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi làm việc; bệnh nghề nghiệp nhiều nhất của anh em là về da và hô hấp. May mắn, kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm chưa phát hiện nhiều những vấn đề nghiêm trọng. Thấu hiểu vất vả của anh em, ngoài các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, Cty còn mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm nhân thọ cho tất cả CN, phòng khi rủi ro bớt khổ. Mới đây, đã có hai trường hợp trong Cty chẳng may qua đời, được nhận bảo hiểm nhân thọ 175 và 200 triệu đồng.
Chúng tôi cứ ám ảnh mãi thông tin, số lượng CN làm việc cho Cty theo kiểu cha truyền con nối vẫn còn chiếm tỉ lệ cao. Nhiều người vẫn chưa thoát được khổ, bởi công việc nặng nhọc, độc hại, thậm chí nguy hiểm. Thế nhưng ước nguyện lớn của họ chỉ mong “mọi người đừng xả rác bừa bãi nữa, nhất là đừng vứt xuống cống hay kênh ,mương. Chúng tôi chỉ có 700 người nạo vét, vớt rác cho kênh, cho cống, mà TP có cả chục triệu dân đều có xả rác mỗi ngày. Nếu cứ xả bừa bãi, không ai dọn dẹp nổi. Mỗi người hãy chung tay để cuộc sống ngày mai của chúng ta sạch, đẹp hơn”. Còn chúng tôi, những người viết báo thì mong chính quyền có những chế tài mạnh, cụ thể để phạt nặng những người dân, DN thải rác, nước thải gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí phạt công ích, bắt họ phải trầm mình xuống kênh nước đen để dọn rác như những công nhân.