Nước ngầm Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ bị nhiễm thạch tín

ThienNhien.Net – Đó là cảnh báo của GS.TS Stefan Norra (chuyên gia về nước ngầm CHLB Đức) khi nói về thực trạng nguồn nước ngầm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại hội thảo “Các giải pháp công nghệ phù hợp cho quản lý tổng hợp tài nguyên nước, năng lượng và sử dụng đất đai vùng ĐBSCL”.

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Hội thảo do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Liên bang Nghiên cứu và Giáo dục CHLB Đức (BMMF), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Học viện Công nghệ Karlsruhe-CHLB Đức tổ chức tại TP Cần Thơ hôm qua (14/6) với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia đến từ CHLB Đức, Pháp, Phần Lan, Úc, Phần Lan, Ý và Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ,  ĐBSCL được đánh giá là một trong 3 vùng đồng bằng dễ bị tổn thương nhất khi nước biển dâng. Đến cuối thế kỷ 21 có 39% diện bị bị ngập, nếu nước biển dâng lên một mét sẽ có 70% diện tích lúa bị nhiễm mặn và nhiều địa phương bị chìm trong nước biển. Nên ĐBSCL phải khai thác, sử dụng hiệu quả những tiềm năng lợi thế, quản lý phát triển bền vững với thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

GS.TS Trịnh Công Vấn, Viện Đổi mới thủy lợi MeKong cho biết, ĐBSCL có 85% dân số sống ở nông thôn, đó là nhóm người có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn và dễ bị tổn thương trước những thiên tai. Do chiến lược phát triển kinh tế thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL còn khá mơ hồ nên dù sản xuất lúa rất nhiều nhưng càng sản xuất lúa người dân ĐBSCL càng gặp khó khăn.

Ông Vấn lưu ý, ngoài việc xây dựng công trình để giảm những tác động của BĐKH cần tăng cường sức chống chịu của người dân trước BĐKH. “Việc phát triển trong tương lai cần phải có sự cân nhắc, phải chấp nhận đầu vào của BĐKH chứ không nên cưỡng lại thiên nhiên” – GS.TS Trịnh Công Vấn nói.

Chuyên gia CHLB Đức nghiên cứu sử dụng bền vững nguồn nước ngầm ở khu vực Đông Nam Á – GS.TS Stefan Norra cho biết, nguồn nước ngầm ở Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi ô nhiễm thạch tín (Asen) trong địa chất, nồng độ thạch tín trong nước nhiều nơi đã vượt mức an toàn (trên 10µg/l).

Thạch tín tác động rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng nước bị nhiễm, dẫn đến tác động tâm lý và sức khỏe người dân. “Nguồn nước ngầm ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ nhiễm thạch tín, cần phát hiện nồng độ thạch tín trong nguồn nước ngầm càng sớm càng tốt bởi về lâu dài, thạch tín có nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe” – GS.TS Stefan Norra cảnh báo.

Đề xuất về phương pháp quản lý nguồn nước ở ĐBBSCL, ông Stefan Norra cho rằng cần có lộ trình và tính đến trường hợp xấu nhất. Phải có nhiều giải pháp; có sự phối hợp toàn diện về nhiều mặt, những giải pháp kỹ thuật, kế hoạch, quản lý, quản lý nước ngầm mang tính tổng thể. Cần quản lý, quan trắc bảo vệ chất lượng nước, có cơ chế quản lý cho toàn bộ vùng ĐBSCL để giúp mọi người có thể sử dụng nước sạch.

Cùng với đó, GS.TS Franz Nestmann cho biết, việc đưa nước ngọt trở lại mạch nước ngầm là một giải pháp khả thi để ngăn chặn việc xâm ngập mặn, phục vụ cho việc sản xuất ở vựa lúa này. Đồng thời, ĐBSCL cần sử dụng các nguồn năng lượng nhiệt, gió và mặt trời.

Nguồn: