ThienNhien.Net – Phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) về việc nghiên cứu chọn tạo giống lúa chống chịu với biến đổi khí hậu thời gian tới.
Xin GS cho biết việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống lúa thích hợp với biến đổi khí hậu hiện nay như thế nào?
Vừa qua, chúng tôi đã áp dụng phương pháp chọn giống bằng chỉ thị phân tử kết hợp với lai trở lại (MABC) nhằm chuyển các gen mới, cụ thể là các gen chống hạn, chống mặn vào các giống lúa ưu tú. Đây là phương pháp mới trong công nghệ chọn tạo giống hiện nay do các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) vừa chuyển giao cho Việt Nam. Phương pháp này đã rút ngắn được thời gian lai chuyển khoảng 4 – 5 năm, so với phương pháp lai truyền thống phải mất từ 6 – 10 năm mới hoàn thành.
Áp dụng phương pháp mới này, Viện đã chọn tạo được 4 dòng ưu tú có khả năng chịu ngập được từ 10 – 16 ngày là: AS996 – Sult1, OM6976 – Sult1, BacThom 7 – sult1, KhangDanDB – sult1; đặc biệt là 3 dòng ưu tú có khả năng chịu mặn tới 4 – 6‰ như: AS996 – Saltol, OM6976 – Saltol, BacThom 7 – Saltol. Các giống này đã được trồng thử nghiệm thành công tại Nam Định, Bạc Liêu cho năng suất ngang với giống ban đầu và sẽ đưa vào sản xuất diện rộng nhằm thích ứng với điều kiện chống chịu với hạn, mặn nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Làm thế nào để đưa các nghiên cứu về giống lúa mới có khả năng đáp ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất diện rộng, thưa ông?
Hiện nay việc lựa chọn loại giống nào để đưa vào sản xuất thường phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp phân phối và thu mua sản phẩm. Các nhà khoa học chỉ là những người nghiên cứu chứ không trực tiếp thu mua sản phẩm của người dân nên đôi khi dù khuyến cáo nhưng người dân thường chạy theo lợi nhuận từ phía doanh nghiệp. Vì thế cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học với các đơn vị quản lý và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng dự báo để có thể khuyến khích người dân đưa các giống lúa mới có sức chống chịu tốt vào canh tác ở những khu vực đang phải hứng chịu nhiều thiên tai, để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc nghiên cứu chọn, tạo giống trong thời gian tới nên có định hướng như thế nào, thưa ông?
Việc nghiên cứu chọn tạo giống không nên quá chú trọng vào việc tạo ra các giống lúa mới, mà nên tập trung vào việc đẩy mạnh khả năng chống chịu với thời tiết của các loại giống trên cơ sở các giống lúa đã sẵn có. Nên chọn các giống lúa ưu tú, có chất lượng tốt và áp dụng các phương pháp lai tạo để đưa các nguồn gen chống chịu tốt với hạn, mặn, sâu bệnh… vào nhưng vẫn giữ nguyên các đặc điểm của giống ban đầu cả về năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng. Đây là biện pháp vừa tiết kiệm chi phí, nhân lực thời gian và dễ được người dân chấp nhận đưa vào sản xuất. Hiện nay Việt Nam đã nghiên cứu được rất nhiều giống lúa mới có chất lượng tốt, tuy nhiên sự liên tục ra đời của các giống mới không chỉ tốn kém về chi phí nghiên cứu mà còn là một vấn đề khó trong xây dựng thương hiệu gạo của nước ta.
Xin cảm ơn ông!