Nâng cao chất lượng vật nuôi, cây trồng trong điều kiện BĐKH

ThienNhien.Net – Sử dụng giống mới có sức kháng bệnh và chịu mặn, nuôi sò huyết xen cua và tôm, đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển sản xuất rau an toàn… là các giải pháp mà nhiều tỉnh đang áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạc Liêu: Sử dụng giống mới có sức kháng bệnh và chịu mặn  

Nhằm chủ động ứng phó với BĐKH, mới đây ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra một loạt giải pháp dài hơi tập trung vào việc cơ cấu mùa vụ, sử dụng các giống mới có sức kháng bệnh và chịu mặn để có thể chống đỡ với tình trạng khắc nghiệt của thời tiết.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân nên thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để chủ động sản xuất và tuân thủ lịch thời vụ; quản lý rầy nâu, quản lý dinh dưỡng, sử dụng giống cấp xác nhận, sử dụng nước tiết kiệm và tích cực tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn; trồng rừng phòng hộ suốt tuyến đê biển; các địa phương ven biển gia cố hệ thống cống, đập ngăn nước biển dâng…

Đặc biệt, năm nay tỉnh đã xây dựng thêm 2 cánh đồng tại huyện Vĩnh Lợi và Giá Rai với diện tích 1.000 ha; tập trung mở rộng cánh đồng mẫu trong vụ Đông Xuân 2016-2017 tại 3 huyện còn lại là Hòa Bình, Phước Long và Hồng Dân với diện tích 600 ha, đưa tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên hơn 6.000 ha.

Hiện tại, tỉnh tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng vùng lúa nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thương thảo với nông dân để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong cánh đồng mẫu lớn.

Kiên Giang nuôi sò huyết xen cua, tôm  

Để thích nghi với BĐKH, bà con nông dân ở tỉnh Kiên Giang đã ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trong đó, mô hình nuôi sò huyết xen cua, tôm với vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, hiệu quả mang lại cao tại vùng ven biển huyện An Minh đang là một điển hình.

Năm 2005, tỉnh Kiên Giang đã giao khoán đất rừng phòng hộ ven biển cho người dân. Hầu hết bà con ở huyện An Minh đều sử dụng 30% diện tích giao nhận khoán, cải tạo thành ao nuôi hải sản.

Thời gian đầu, do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật trong canh tác, lại nuôi theo kiểu tự phát, nên hiệu quả nuôi trồng thấp. Mấy năm gần đây với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh nên bài toán nuôi trồng của bà con đã tìm được đáp án.

Cụ thể từ năm 2013, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư đã hỗ trợ con giống, dụng cụ thay đổi môi trường nước, có kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật nuôi sò huyết xen tôm cua cho bà con. Nhờ áp dụng hiệu quả từ mô hình này, sản lượng sò huyết được nâng cao, nhiều hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Đặc biệt, mô hình nuôi sò huyết cùng với cua, tôm dưới tán rừng còn góp phần hạn chế việc khai thác, xâm hại rừng, làm mất cân bằng sinh thái, giúp nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu thích ứng điều kiện BĐKH đang ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tỉnh Gia Lai chủ động nguồn nước tưới cho hai kinh tế mũi nhọn cà phê và hồ tiêu
Tỉnh Gia Lai chủ động nguồn nước tưới cho hai kinh tế mũi nhọn cà phê và hồ tiêu

Gia Lai khôi phục sản xuất sau hạn hán

Tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo quyết liệt các địa phương tập trung khôi phục lại sản xuất sau khi bị ảnh hưởng hạn hán kéo dài trong thời gian qua, nhất là hai loại cây trồng kinh tế mũi nhọn cà phê và hồ tiêu.

Tùy theo mức thiệt hại sau khô hạn của từng vườn cây, các đơn vị chức năng đã hướng dẫn nông dân có cách chăm sóc phù hợp, nhất là về tăng cường nguồn phân bón, ủ gốc giữ độ ẩm và phòng ngừa sâu bệnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tiếp tục kiểm tra và chủ động nguồn nước tưới cho hai loại cây trồng này bởi hiện nay ở vùng Tây Nguyên đã có mưa, nhưng cũng chỉ là mưa đầu mùa và mang tính cục bộ.

Tỉnh cũng đã xây dựng chính sách và chiến lược sản xuất dài hạn nhằm bảo vệ và phát triển bền vững cho các loại cây trồng trên địa bàn nói chung và hai loại cây trồng kinh tế mũi nhọn cà phê và hồ tiêu nói riêng thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Tây Nguyên về lâu dài.

Đó là, chuyển hoá mạnh tập quán canh tác dựa vào thiên nhiên là chính, sang nền canh tác chủ động, tiến bộ trước tự nhiên; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ canh tác tiên tiến để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các yếu tố về thiên nhiên.

Cùng với đó, địa phương cũng đẩy mạnh công tác trồng rừng tại các vùng đầu nguồn của lưu vực để điều tiết, giữ nguồn nước cho các sông suối và các hồ chứa thuỷ lợi.

Hơn 23 tỷ đồng phát triển sản xuất rau an toàn ở Bình Định

Tỉnh Bình Định đang triển khai dự án phát triển sản xuất rau an toàn tại 4 huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh với tổng diện tích gần 4.000 ha.

Thời gian thực hiện từ năm 2016-2021 với tổng số vốn do Chính phủ New Zealand tài trợ trên 1,611 triệu NZD (tương đương 23 tỷ đồng), trong đó, vốn đối ứng của tỉnh Bình Định là gần 6 tỷ USD.

Về phân kỳ của dự án, từ năm thứ 5-6 có 7.400 nông dân được chứng nhận sản xuất rau an toàn với diện tích 740 ha và sản lượng 13.000 tấn/năm. Từ năm thứ 7-8 có 17.000 nông dân được chứng nhận sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 1.740 ha và sản lượng đạt 30.000 tấn/năm. Đến năm thứ 10 có 39.000 nông dân được chứng nhận sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 3.990 ha và sản lượng đạt 69.000 tấn/năm.

Mục tiêu chính của dự án là cải thiện sự an toàn và tính bền vững về kinh tế và môi trường cho nông dân trồng rau, cũng như sự an toàn cho người tiêu dùng của tỉnh như một mô hình mẫu của Việt Nam.

Dự án cũng tập huấn cho người tham gia chuỗi giá trị về thực hiện sản xuất rau an toàn và hệ thống sau thu hoạch. Đồng thời, sử dụng thuốc trừ sâu có trách nhiệm và thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để sản xuất rau tuân thủ với các quy định quốc gia về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép và quy trình xử lý sau thu hoạch.