ThienNhien.Net – Hiệu quả cụ thể của dự án này ở tỉnh Phú Yên chưa biết ra sao nhưng có nguy cơ 870 ha rừng sẽ bị chặt phá, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên.
Đó là những gì thể hiện bước đầu của dự án “Chăn nuôi bò thịt và bò sữa” do Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên làm chủ đầu tư, đang được tỉnh Phú Yên và nhà đầu tư khẩn trương thực hiện.
“Giữ khư khư cũng không được”
Theo quyết định chủ trương đầu tư do UBND tỉnh Phú Yên ban hành ngày 30-12-2015 thì diện tích sử dụng của dự án này lên trên 4.600 ha, trải dài ở 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Tây Hòa. Diện tích đất giao cho nhà đầu tư là 2.155 ha để chăn nuôi đàn bò 90.000 con. Tổng vốn đầu tư của dự án là trên 1.500 tỉ đồng. Trong đó, sẽ xây dựng 3 trại chăn nuôi, khu giết mổ và nhà máy chế biến thịt. Trước mắt, tỉnh Phú Yên đang xúc tiến để giao gần 1.000 ha đất ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh cho nhà đầu tư.
Thế nhưng, mới chừng ấy diện tích đã có nhiều cánh rừng nguy cơ bị chuyển đổi. Theo báo cáo thẩm định hiện trạng đất lâm nghiệp chuyển đổi sang thực hiện dự án này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên đo đạc, đánh giá thì trong tổng diện tích hơn 939 ha ở xã Sông Hinh định giao cho nhà đầu tư, có đến hơn 870 ha là đất có rừng, trong đó hơn 628 ha là rừng tự nhiên. Diện tích này nằm ở 2 tiểu khu 310 và 311 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, xác nhận một diện tích lớn rừng đang được lập thủ tục để chuyển đổi sang dự án này. Tuy nhiên, theo ông Minh, không dễ để lấy một diện tích rừng như vậy. “Chưa thể đụng dao, đụng kéo vào diện tích rừng ấy được vì còn phải qua nhiều công đoạn” – ông Minh nói. Ông Minh thừa nhận việc chuyển đổi mục đích đối với diện tích rừng này rõ ràng có tác động đến môi trường rừng nhưng tác động thế nào thì còn phải chờ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về ý kiến của đại diện chủ rừng, ông Minh lại ví von: “Con gái trong nhà mà cứ giữ khư khư, không cho lấy chồng thì cũng không được”.
Theo ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, địa phương phải thực hiện chủ trương của cấp trên và chưa lấy ý kiến người dân về việc triển khai dự án. Về lý do để nhà đầu tư chọn khu vực có nhiều rừng tự nhiên để triển khai dự án, ông Hải cho rằng có thể vì chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng thấp.
Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết huyện đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng để giao cho nhà đầu tư. “Tỉnh chỉ đạo thực hiện trước ngày 30-4 nhưng chúng tôi làm không kịp” – ông Toại nói. Theo ông Toại, việc cân nhắc khi mất đi một diện tích lớn rừng tự nhiên đã có nhiều cuộc họp ở tỉnh bàn đến. Tuy nhiên, đây là dự án trọng điểm nên tỉnh thấy được thì huyện cũng đồng tình. Về diện tích rừng tự nhiên mà tỉnh và huyện đang làm thủ tục để giao cho dự án này, theo ông Toại, đấy là diện tích rừng tái sinh rất tốt.
Trả lời báo chí về việc một diện tích lớn rừng có nguy cơ bị mất khi triển khai dự án nuôi bò, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nói: “Tỉnh bảo làm gì thì sở làm. Phải chấp hành chủ trương của tỉnh chứ”.
Không thể tìm được nơi nào khác
Trong khi huyện Sông Hinh đã ra bao nhiêu văn bản, kế hoạch về việc thu hồi đất, rừng để kịp bàn giao cho chủ đầu tư thì ngay cả chủ rừng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng vẫn chưa rõ số phận của diện tích rừng này sẽ đi về đâu, có bị phát trắng hay không?
Ông Ngô Quang Phú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Phú Yên cho biết chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập ĐTM, còn thẩm định là của Bộ TN-MT. “Đúng ra, phải có ĐTM trước rồi mới tiến hành các bước kia, tuy nhiên để kịp tiến độ nên mới cho thực hiện các bước song song. Nếu ảnh hưởng lớn đến môi trường, Bộ TN-MT sẽ có ý kiến, lúc đó UBND tỉnh xem xét, quyết định” – ông Phú thông tin.
Theo ông Nguyễn Danh Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên, việc chọn địa điểm để giao cho dự án là của cơ quan chức năng. Nhà đầu tư chỉ xin làm ở 3 huyện, chứ không đề xuất địa điểm. Trong khi đó, tại văn bản số 11 gửi UBND tỉnh ngày 4-3, chính ông Nam đã đề nghị: “… HĐND tỉnh có văn bản chấp thuận về việc thu hồi đất khu vực tiểu khu 310, 311 để thuận lợi cho việc bồi thường”. Cũng trong văn bản này, ông Nam đề nghị UBND tỉnh Phú Yên “cho phép cơ chế đặc thù để công ty hoàn thiện, bổ sung sau về mặt hồ sơ, thủ tục…”. Đề nghị này được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận và dự án nuôi bò trở thành dự án kinh tế đầu tiên của tỉnh có cơ chế đặc thù. Theo đó, dự án chỉ mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, các thủ tục còn lại (từ việc lập dự án, ĐTM đến bồi thường, giải phóng mặt bằng) sẽ cùng một lúc được triển khai mà không theo trình tự thủ tục thường thấy. Hiện tại, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Sông Hinh được yêu cầu phải thu hoạch mì non trước ngày 10-7 để giao đất cho dự án.
Sẽ như thế nào khi đã giải phóng mặt bằng nhưng dự án không thể triển khai vì ĐTM không được phê duyệt? Trả lời về băn khoăn này, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói: “Vì đây là dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phải đồng hành cùng họ, phục vụ họ”. Tuy nhiên, theo ông Trà, dù đặc thù nhưng khi triển khai dự án, mọi thủ tục buộc phải được hoàn tất vì đây không phải là dự án cấp bách. Riêng về lý do chọn vùng dự án ảnh hưởng quá nhiều đến diện tích rừng tự nhiên, ông Trà lý giải vì tỉnh đã không thể tìm được nơi nào khác.
Khó trồng rừng thay thế
Khi đề cập đến nguy cơ một diện tích lớn rừng bị mất do phải chuyển đổi cho dự án nuôi bò, ông Nguyễn Lý Nguyên bày tỏ sự yên tâm vì đã có quy định về trồng rừng thay thế. “Lấy đi bao nhiêu rừng thì phải trồng bấy nhiêu để thay thế. Không có quỹ đất thì nộp tiền vô quỹ bảo vệ phát triển rừng, nếu tỉnh cấp đất thì dùng quỹ đó để trồng rừng” – ông Nguyên nói. Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế là rất khó khi không còn quỹ đất để bố trí. Hiện tỉnh Phú Yên có hơn 40 dự án cần trồng rừng thay thế với tổng diện tích trên 750 ha. Thế nhưng, sau nhiều năm, diện tích rừng thay thế được trồng chỉ chiếm 1/3. Mặt khác, để rừng trồng thay thế có độ che phủ như rừng vốn có sẽ mất rất nhiều thời gian. |