ThienNhien.Net – 20 năm trước, rừng vẫn phủ khắp khu vực xã Đắk Ha, huyện Dak Glong, tỉnh Đắk nông, ông Nguyễn Văn Thọ là một trong những người đầu tiên vào khai phá đất rừng để trồng cà phê. Để có nước tưới, ông ngăn suối dưới thung lũng thành con đập rộng chừng 3ha, đây là một con đập có lượng nước lớn và ổn định nhất vùng do nước thượng nguồn chảy về.
20 năm sau, trên địa bàn xã Đắk Ha phải có đến vài chục con đập to nhỏ tương tự phục vụ các vườn tiêu mọc lên nhan nhản… Vài năm trở lại đây, giá tiêu lên cao khiến cho nhà nhà đổ xô trồng tiêu, xã Đắk Ha không nằm ngoài cơn sốt đó, đặc biệt đây lại là địa bàn mới khai phá có nền đất rừng màu mỡ nên việc phá cà phê trồng tiêu diễn ra rầm rộ, ngay tại thôn 8 của xã này, đầu mùa mưa năm nay đã xuất hiện thêm 5 vườn tiêu mới.
Là 2 hộ mới đến vùng này trồng tiêu cạnh nhau, trong câu chuyện của ông Thành và ông Văn luôn thường trực xoay quanh vấn đề nước tưới. Họ lo lắng về lượng mưa giảm bất thường gần đây khiến cho tiêu con không bén được, và có một mối lo còn lớn hơn là con đập họ dùng chung đang ngày càng cạn dần, đã gần 3 tháng mưa mà đập nước vẫn còn vơi, mùa khô sang năm sợ rằng đập sẽ cạn khô do quá nhiều hộ đặt máy tưới.
Ngay giữa mùa mưa Tây nguyên, người nông dân vẫn canh cánh nỗi lo thiếu nước thì câu chuyện nước vào mùa khô mới thực sự ám ảnh.
Ông Thọ cho biết, mấy mùa khô vừa qua hàng chục hộ mang máy bơm sắp hàng ở bờ đập của ông, chưa đến giữa mùa khô mà đập trơ đáy, dấu vết dòng suối cũ không còn vì rừng đầu nguồn cũng đã bị “thanh lý” thành những đồi tiêu.
Gắn bó với đất Tây nguyên đủ lâu để thấu hiểu hơn ai hết cơn sốt cà phê, tiêu, cao su và những điệp khúc “được mùa mất giá” khiến cho bao nhiêu hộ nông dân lao đao trong cảnh trồng rồi chặt. Ông Thọ mạnh dạn thay đổi phương pháp canh tác cũ độc canh, chuyên canh sang đa canh, luân canh hứa hẹn mở ra hướng đi bền vững hơn cho cả sinh kế lẫn môi trường.
Theo tìm hiểu của ông Thọ, địa thế đất dốc nếu chỉ độc canh cao su, cà phê, tiêu, điều, khoai lang hay chanh dây đang phổ biến hiện nay, dù đất có màu mỡ đến đâu cũng sẽ khiến cho đất nhanh chóng khô cằn sau vài vụ mùa, người nông dân do đó càng vắt kiệt nguồn nước cho những lợi ích kinh tế trước mắt.
Không khó để bắt gặp những ngọn đồi trống cằn cỗi nằm gối lên nhau do thiếu nước canh tác, đất bị bỏ hoang nhiều nơi là thực tế nhãn tiền ở Tây nguyên có nguyên nhân chính là do suy giảm tài nguyên nước.
Ông Thọ được sự tư vấn của một số chuyên gia hữu cơ, phá bỏ hơn 10ha cà phê và vườn điều độc canh lâu năm đã già cỗi, năng suất thấp, cất công cải tạo đất để trồng xen đa dạng, trong đó cây ăn quả là chủ lực và theo hướng chuyển đổi dần sang hữu cơ, nói không với hoá chất.
Đối với những hộ nông dân quen với lối độc canh, việc trồng đủ thứ cây trên một mảnh đất, thậm chí để cho hoa cỏ dại mọc um tùm khiến họ cảm thấy khó hiểu và nghi ngại, nhưng trải qua 2 mùa khô, chức năng giữ nước của phương pháp canh tác này đã bắt đầu phát huy hiệu quả, vườn cây ăn quả xen canh của ông Thọ phát triển vượt trội hơn hẳn so với những vườn độc canh khác mặc dù lượng nước tưới đều rất cầm chừng. Một vài người bắt đầu học theo xen canh cây thuốc nam vào giữa vườn bơ, vườn bưởi của mình.
Ông Thọ cũng tự mày mò hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, đồng thời đảm bảo lượng nước đủ liên tục trong mùa khô vì cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi không thể chịu hạn lâu như các loại cây công nghiệp. Thấy mô hình tưới nhỏ giọt này hiệu quả, vài người lại bắt chước làm theo. Ông Thọ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, vì theo ông bảo vệ được nguồn nước chung thì ai cũng được lợi.
Gần đây có một chuyên gia hữu cơ người Nhật đến tham quan mô hình vườn cây của ông có góp ý rằng, giá như nguồn nước được bảo vệ ngay từ đầu nguồn mạch của nó thì nông dân Tây nguyên đã không phải khổ vì nước như hiện nay. Nguồn mạch đó chính là rừng.
Tưới nhỏ giọt là công nghệ cao thật đấy, nhưng không thể cứu được cây trồng nếu tình hình hạn hán diễn ra theo chiều hướng xấu. Ví dụ với cây bưởi da xanh ông Thọ đang trồng, vì ra trái quanh năm và hút nước rất ghê nên cũng sẽ cần nước tưới quanh năm, dễ thấy ngay những nguy cơ xảy đến nếu không có nước tưới vào mùa khô.
Thay vì xây bể chứa nước trên đỉnh đồi để tưới nhỏ giọt, người ta nên gây dựng lại những khu rừng tạp thượng nguồn để tạo ra nguồn nước, giữ mạch nước chảy mãi xuống con sông dòng suối. Nghe đến đó, ông Thọ nhìn lên những đỉnh đồi và tiếc hùi hụi vì đã không biết đến ý tưởng này sớm hơn.
Dưới tán rừng thả các loại dược liệu, rìa trồng xen cây gỗ quý để khai thác và xung quanh rừng chính là mảnh đất lý tưởng để canh tác tự nhiên. Bền vững là ở đấy chứ không ở đâu khác. Tuy nhiên đã đổ tiền trăm bạc tỉ vào mô hình tưới tiêu hiện đại này, không thể nói thay đổi là làm ngay được, vì để tạo ra một khu rừng, phải mất hàng thập kỷ, có khi hàng trăm năm!
Hay tin một người em vừa mua 5ha đất trong đó có 2ha rừng, ông Thọ tức tốc thuyết phục việc giữ lại rừng nhưng bất thành, vì theo lý lẽ của người em, “thời buổi làm ăn kinh tế, nhà nhà trồng tiêu kiếm tiền tỉ, mình giữ rừng lại họa có điên, đó là chưa kể bị thu hồi bất cứ lúc nào, thà cứ san phẳng trồng tiêu, chạy giấy tờ dần dần để hợp pháp hoá cho chắc ăn”.
Ông Thọ lại nhớ đến lời vị chuyên gia nọ chia sẻ, rằng “để thuyết phục nông dân trồng đa canh có khi khó hơn lên giời”, vì người nông dân giữ định kiến trong đầu về việc chỉ trồng một thứ cây mang lại lợi nhuận trước mắt. Thì việc thuyết phục nông dân trồng rừng hoặc giữ rừng có lẽ còn khó hơn lên sao Hoả, ngay cả với người có nhận thức và quyết tâm như ông.
Khắp Tây nguyên, người ta sục sạo đi tìm nơi có mạch nước để trồng trọt, bên cạnh các con đập là những hồ nước sâu hoắm múc thêm, giếng khoan đã phải sử dụng đến công nghệ khoan dầu mỏ nhưng có nhà đào đến chục lần vẫn chưa dò ra mạch nước. Ấy là vì người ta đã cắt đứt tài nguyên nước với nguồn mạch của nó. Nông dân Tây nguyên khát nước, còn Tây nguyên đang rất khát… rừng!