ThienNhien.Net – Nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đèo Ngang (Hạt Kiểm lâm Quảng Trạch, Quảng Bình) tuy đã bị kết án về tội “Nhận hối lộ” nhưng không bị cho thôi việc theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Khi được xóa án tích chưa đầy 1 năm, ông này lại được giao chức vụ Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng khiến dư luận hoài nghi về những ưu ái này.
Ngày 28/8/2008, TAND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Việt (nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đèo Ngang, thuộc Hạt Kiểm lâm Quảng Trạch) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 60 tháng) về tội “Nhận hối lộ”. Trước đó, ngày 10/7/2007, ông Việt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Trạm trưởng tiến hành chặn giữ xe ô tô 73L-4507 chở lâm sản trái phép (gỗ huê) đi qua địa phận huyện Quảng Trạch. Sau đó, ông này không xử lý theo quy định mà đã nhận hối lộ của chủ xe 9.000 USD để cho xe ô tô và lâm sản trái phép đi qua.
Theo bản án sơ thẩm và theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự thì phải đến ngày 28/8/2013, ông Việt mới hết thời hạn thử thách và 1 năm sau (tức là ngày 28/8/2014) thì ông này mới được đương nhiên xóa án tích. Nhưng không hiểu sao trước đó 15 tháng, ngày 28/5/2013, ông Việt đã được TAND huyện Quảng Trạch cấp Giấy chứng nhận xóa án tích số 07/2013. Đến ngày 28/4/2015 thì ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định điều động ông Việt giữ chức vụ Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (KLCĐ&PCCR) số 1.
Trước việc bổ nhiệm lãnh đạo như trên, một số luật sư đã có quan điểm, theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) thì hành vi nhận hối lộ bị coi là hành vi tham nhũng. Lẽ ra ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ông Việt phải bị xử lý theo quy định tại Điều 69 Luật PCTN là “trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc”. Thậm chí, nếu sau đó, ông này có đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước thì cũng không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trong thời gian có hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, không hiểu sao, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã không áp dụng hình thức kỷ luật “cho thôi việc” với ông Việt mà chỉ áp dụng hình thức “cách chức” trạm trưởng đối với ông này. Sau đó, ông Việt còn được bổ nhiệm, điều động giữ chức Tổ trưởng, KLCĐ& PCCCR Hạt Kiểm lâm TX Ba Đồn, rồi Phó Đội trưởng Đội KLCĐ& PCCCR số 1.
Quyết định điều động nêu “xét phẩm chất đạo đức và năng lực của công chức” càng khiến dư luận hoài nghi về những ưu ái của ông Phạm Hồng Thái đối với ông Việt như trên.
Được biết, ông Thái từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình. Nhưng vào đầu năm 2016, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Quảng Bình đã xác minh và kết luận về việc vợ chồng ông Phạm Hồng Thái (sinh sống tại Tổ dân phố số 7, phường Đồng Phú, TP Đồng Hới) đã sinh con thứ 3 vào tháng 10/2015.
Tuy nhiên, phải đến ngày 31/12/2015 thì vợ ông Thái mới thực hiện đăng ký khai sinh cho con và đến tháng 3/2016 thì ông Thái đã có đơn xin thôi chức Giám đốc Sở NN&PTNN vì “sinh con thứ 3”.
Trong khi nhiều người đánh giá động thái “thôi chức” của ông Thái nêu trên là “dũng cảm” thì một số người lại cho rằng việc thôi chức này là tất yếu vì đến thời điểm đó, đã đến lúc ông Thái không thể kiêm nhiệm 2 chức danh Phó Giám đốc Sở và Chi cục trưởng. Sở dĩ có điều này là do Thông tư liên tịch số 14/2015 của Bộ NN&PTNT- Bộ Nội vụ (hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức về NN&PTNT thuộc UBND cấp tỉnh, huyện) quy định “số lượng Phó Giám đốc Sở NN&PTNT không quá 03 người. Giám đốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT không kiêm nhiệm Chi cục trưởng. Trường hợp phải kiêm nhiệm thì thời gian kiêm nhiệm không quá 12 tháng”.