ThienNhien.Net – Việt Nam hiện có khoảng 4,5 triệu hộ chăn nuôi, mỗi năm “đẩy” vào môi trường 85 triệu tấn chất thải, ảnh hưởng lớn đến môi trường khu vực nông thôn. Từ năm 2003 đến nay, Dự án “Chương trình khí sinh học (KSH) cho ngành chăn nuôi Việt Nam” đã hỗ trợ xây hầm KSH, xử lý chất thải chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường cho hàng triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả thấy rõ thì chương trình vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
Tối đa hóa lợi ích từ khí sinh học
Theo Chủ tịch UBND xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Dũng, trên địa bàn xã hiện có 69 trang trại nuôi gà quy mô 5.000 con trở lên và 17 trại nuôi lợn quy mô 1.000 con trở lên. Những năm qua, các trại nuôi lợn đã cơ bản đầu tư hầm KSH mang lại hiệu quả chăn nuôi rõ rệt. “Thời gian qua, mô hình KSH này, không những cải thiện môi trường sống của người dân mà còn tạo ra chất đốt và nguồn phân bón cho cây trồng. Hiện đa số các hộ xây dựng hầm KSH đều không sử dụng hết chất đốt” – ông Dũng cho biết.
Không chỉ riêng xã Lam Điền, thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, toàn thành phố hiện có 235.542 hộ có chuồng trại chăn nuôi, trong đó số hộ chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh là 166.653 hộ. Ông Đỗ Quý Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Hà Nội tham gia dự án KSH từ năm 2003 đến hết năm 2015 và đã cho ra đời trên 13 nghìn công trình. Nhiều công trình triển khai từ những năm đầu của dự án nhưng đến nay vẫn đang hoạt động tốt.
Thực tế, sau gần 13 năm triển khai, Dự án “Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam” (viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan) đã góp phần làm trong lành môi trường chăn nuôi, giảm thiểu chi phí sản xuất cho bà con nông dân. Đến nay, trên cả nước, chương trình đã triển khai được 157.000 công trình KSH, cung cấp nguồn năng lượng sạch cho hơn 600.000 người dân. Ngoài ra, dự án còn đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng cho 830 kỹ thuật viên và 1.181 đội thợ xây dựng và thợ lắp đặt công trình; tập huấn về sử dụng công trình KSH cho 134.397 hộ dân và hướng dẫn sử dụng phụ phẩm KSH trong sản xuất nông nghiệp cho 133.272 hộ. Hàng loạt mô hình với các loại ứng dụng KSH và phụ phẩm cho lúa, ngô, cà chua, khổ qua, dứa… được triển khai.
Tháo gỡ khó khăn
Mặc dù hiệu quả mang lại lớn nhưng việc triển khai Chương trình KSH vẫn còn một số hạn chế. Tại Hà Nội, năm 2015, việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng công trình KSH do Ban Quản lý dự án trung ương giao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử, trong số 2.000 công trình được giao chỉ tiêu trên địa bàn thành phố, các đội thợ mới thực hiện được 1.528 công trình. Qua kiểm tra, thành phố và trung ương mới chấp nhận nghiệm thu và chuyển tiền hỗ trợ cho các đội thợ của 1.411 công trình. Nguyên nhân là một số công trình thực hiện không đúng thiết kế, công trình composite được chế tạo sẵn có dung tích nhỏ, không phù hợp với hộ gia đình chăn nuôi nhiều lợn… Không những thế, một số công trình xây dựng, lắp đặt trong nền chuồng chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn nghiệm thu của dự án. Dù đã được tập huấn, hội thảo song vẫn còn có tình trạng thợ xây, thợ lắp đặt đưa những công trình cũ hoặc công trình không đúng quy định của dự án vào nghiệm thu thanh, quyết toán. Mặt khác, công tác tập huấn, truyền thông về lợi ích của việc xây dựng công trình khí sinh học cho các hộ gia đình còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nên còn nhiều hộ chăn nuôi chưa tham gia dự án…
Để khắc phục những hạn chế trên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc yêu cầu các đội thợ làm đúng quy định, Ban Quản lý dự án trung ương nên dành kinh phí cho các tỉnh, thành phố tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm mỗi năm 1-2 lần nhằm nâng cao năng lực cho các đội thợ hoàn thành tốt công việc theo quy định. Ở vùng nông thôn có những nơi đất thổ cư chật hẹp, nhiều gia đình phải xây dựng công trình KSH dưới nền chuồng trại chăn nuôi, trong khi đó dự án hỗ trợ cho hộ dân rất ít nên khó triển khai.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, để ghi nhận những thành công và khắc phục những tồn tại của mô hình này, Cục Chăn nuôi đã xây dựng “Chương trình KSH quốc gia” với mục tiêu tập trung phát triển ngành KSH bền vững định hướng thị trường, với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Dự kiến, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng 100.000 công trình KSH trong nông hộ, đồng thời hỗ trợ chuẩn hóa một số nội dung liên quan đến lĩnh vực KSH trong ngành chăn nuôi.