ThienNhien.Net – Cả một vùng nuôi trải rộng hàng chục hécta, cá mú nuôi chết nổi trắng mặt nước. Tôm hùm bị chết liên tục được vớt lên.
Khoảng 5 ngày nay, người nuôi tôm hùm và cá mú ở khu vực Bãi Đồng, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng nề khi tôm hùm và cá mú nuôi bị chết hàng loạt. Cho đến sáng ngày 12/6 tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều người nuôi tôm hùm và cá mú có nguy cơ trắng tay.
Vùng nuôi tôm hùm và cá mú Bãi Đồng nằm tiếp giáp Vũng Mắm thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu trong ngày 12/6, rất đông người dân ra bè kiểm tra tôm cá nuôi trong các lồng. Tất cả đều chung tâm trạng lo lắng tột độ. Cả một vùng nuôi trải rộng hàng chục hécta, cá mú nuôi chết nổi trắng mặt nước. Những con tôm hùm bị chết liên tục được vớt lên từ các lồng nuôi.
Ông Lê Thanh Kẻng, thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu cho biết, hiện tượng tôm, cá chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại: “Bữa nay ai mà cảo lên, canh lên nửa mặt nước thì nó không có chết. Còn bỏ sát đáy thì nó vẫn chết bình thường như hôm qua. Lặn xuống thì nó có một làn nước đỏ, nước ở dưới nó lạnh”.
Gia đình bà Võ Thị Tâm là một trong những hộ nuôi bị thiệt hại nặng nhất ở Xuân Phương. Vụ tôm này gia đình bà thả khoảng 1000 tôm giống nhưng chỉ riêng ngày 11/6 đã thiệt hại trên 3 tạ. Bà Tâm buồn rầu: “Chết ngày hôm kia ngày hôm qua tôi hốt vô đống đống. Đến nay đã 3 tạ rồi. 3 tạ nếu bán thì 450 triệu nhưng giờ bán có 100 triệu tôm chết”.
Theo chính quyền xã Xuân Phương, tính đến sáng nay đã có ít nhất 2 tấn tôm hùm, loại từ 4 lạng đến khoảng 1kg/con bị chết. Riêng cá mú thì chưa thể thống kê. Thiệt hại về tài sản là khá lớn bởi một kilogram tôm hùm thương phẩm hiện nay có giá 1,5 triệu đồng/kg.
Theo UBND thị xã Sông Cầu và các cơ quan chức năng, qua kiểm tra thực tế rất có thể tôm, cá chết tại đây là do hiện tượng ô nhiễm môi trường nước tầng đáy, kết hợp nắng nóng gay gắt dẫn đến tảo độc phát triển và nở hoa, gây ra hiện tượng thiếu ô xy trong nước.
Ông Nguyễn Hữu Đài, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y, thị xã Sông Cầu cho biết: “Tình hình tôm bị thiếu ô xy là chính, do môi trường nước bị dư dinh dưỡng, cộng với mấy ngày vừa rồi ánh sáng quá mạnh làm cho tảo phát triển. Mà tảo này đặc điểm là khi nó đi đến đâu thì cướp ô xy và giải phóng độc tố”.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương vận động người dân dùng can nhựa và các vật dụng hiện có nâng lồng nuôi lên khỏi tầng. Di dời các lồng nuôi ở khu vực tôm chết để tránh hiện tượng thiếu ô xy.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên khuyến cáo: “Đây là do tình hình thời tiết nên cũng khuyến cáo bà con phải cố gắng di dời lồng bè, phân bổ mật độ tương đối thưa, đến khu vực có mức nước sâu, giao lưu nước thường xuyên trong ngày thì có thể giải quyết được phần nào thiệt hại của bà con”.
Đáng lo ngại hiện nay, trong khi hiện tượng tôm hùm và cá mú nuôi chết hàng loạt vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thì người dân lại vứt cá chết nổi trắng mặt nước khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại vịnh Xuân Đài ngày một gia tăng.