ThienNhien.Net – Chính phủ đã chỉ đạo và báo chí liên tục phản ánh hệ lụy của thủy điện An Khê – Ka Nak nhưng đến nay những bất cập vẫn chưa được khắc phục.
Thủy điện An Khê – Ka Nak được xây dựng trên dòng sông Ba, thuộc địa phận huyện Kbang và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai. Thời gian qua, VOV cùng nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã liên tục phản ánh những sai lầm và hệ lụy của công trình này, Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo xử lý nhưng đến nay chưa được khắc phục. Nỗi bức xúc trong nhân dân không biết đến bao giờ được giải quyết.
Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa được gần 1 tháng, một số trận mưa lớn cũng đã đổ xuống thượng nguồn sông Ba, nhưng đoạn sông chảy qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai vẫn chưa thể cải thiện được tình hình khô cạn và ô nhiễm.Trong khi ở phía thượng nguồn, đập Ka Nak (huyện Kbang) và đập An Khê (thị xã An Khê) được bổ sung nguồn nước quý giá, kênh dẫn nước đầy ăm ắp, thì ở vùng hạ nguồn sông Ba, hình ảnh “dòng sông chết” đã quá quen thuộc.
Không chỉ thủy điện ở thượng nguồn tích nước gây cạn kiệt mà còn có các nhà máy đường, nhà máy sắn… xả nước thải ô nhiễm ra sông nhưng dòng chảy quá yếu, không thể rửa trôi. Ngày qua ngày người dân sống chung với ô nhiễm. Cả một vùng hạ nguồn rộng lớn giống như cơ thể người nhỏ bé mắc căn bệnh ung thư quái ác, ngắc ngoải trong nỗi thống khổ chưa biết đến bao giờ chấm dứt!
Ông Lê Văn Cư, ở tổ dân phố 16, phường An Phú, thị xã An Khê cho biết: “Toàn bộ nhân dân trong vùng rất bức xúc vì việc ô nhiễm của dòng sông Ba. Nhưng thực tế, việc điều hành quản lý của các ngành, các cấp đối với việc ô nhiễm còn rất hạn chế. Do đó, đã bao nhiêu năm nay ô nhiễm càng ngày càng tăng nặng”.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, vấn đề hệ lụy của Thủy điện An Khê- Ka Nak được nhắc đến dày đặc, từ diễn đàn Quốc hội đến các buổi làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Gia Lai. Hai năm liên tiếp, Gia Lai bị hạn hán kỷ lục. Giữa đỉnh điểm của hạn, việc tích nước chuyển dòng sang sông Kôn đã cho thấy rõ nhất sai lầm của thủy điện An Khê – Ka Nak.
Ở hạ nguồn sông Ba, cả thiên tai và nhân tai cùng giáng xuống khiến đời sống của hơn 450.000 người dân thuộc 7 huyện, thị xã chồng chất khó khăn. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai liên tục cầu cứu Chính phủ, còn các đơn vị chủ quản thì cho rằng không có gì sai về quy trình.
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Quy trình thì không có gì sai nhưng đời sống người dân rất là khổ nên cần xem lại quy trình này vì một số bất cập cần phải tính toán. Điều tiết mức thấp nhất 4m3/s và 4-6-8m3/s trong thời điểm mùa khô là vẫn rất thấp và so với bình thường trước khi công trình thủy điện này vận hành. Nên xem lại quy trình để nâng lên mức xả, giảm bớt đi công suất phát điện để đời sống người dân tốt hơn”.
Lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, trong tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành Hồ chứa thủy điện An Khê – Kanak. Từ đó, đề xuất giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân vùng hạ lưu sông Ba.
Để cụ thể hơn chỉ đạo của Thủ tướng, mới đây Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp đi thị sát, sau đó chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các bộ ngành trung ương để giải quyết bất cập và hệ lụy của công trình này. Trong các chỉ đạo của Phó thủ tướng, nội dung trọng tâm và xuyên suốt là vận hành thủy điện không được gây thiệt hại đến người dân.
“Phải gặp những người dân, những tổ chức chính trị – xã hội, những nhà khoa học, những người có trách nhiệm để đối thoại, để cùng một nhận thức. Chỉ cùng một nhận thức khi không vi phạm lợi ích của nhau, đặc biệt là lợi ích của người dân. Vì mục tiêu chúng ta làm thủy điện là để đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, mọi người dân đều được hưởng, đất nước phát triển nhưng nó không thể làm thiệt hại đến một bộ phận người dân. Nếu thiệt hại chúng ta phải có trách nhiệm, phải xem xét thật nghiêm túc, kỹ lưỡng lại”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Đã nhiều năm, Thủy điện An Khê – Ka Nak thờ ơ với nỗi thống khổ của nhân dân phía hạ nguồn sông Ba. Mong rằng, với những lời kêu cứu thống thiết của chính quyền và nhân dân địa phương, Chính phủ sẽ có những chỉ đạo và giám sát việc thực hiện chỉ đạo, giải quyết những bất cập và hệ lụy dai dẳng của công trình được đánh giá “sai lầm thế kỷ” – An Khê- Ka Nak.