ThienNhien.Net – Sự trả giá cho suy nghĩ “lập dị” là nguồn nước trên các dòng sông đều bị chặt khúc, không thể hoà loãng nguồn độc do con người xả ra…
“Người ta ảo tưởng: “Chỉ 2 thập kỷ Việt Nam đã thủy điện hoá toàn quốc mà chưa một quốc gia nào làm được”. Sự trả giá cho suy nghĩ “lập dị” này là nguồn nước trên các dòng sông đều bị chặt khúc, không thể hoà loãng nguồn độc do con người xả ra”, GS.TS Vũ Trọng Hồng (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, bày tỏ quan điểm khi đọc loạt bài “Những dòng sông hấp hối”.
Thật đáng báo động!
Cảm nghĩ của GS thế nào khi đọc loạt bài “Những dòng sông hấp hối” trên Báo NNVN?
Hiện tượng cá chết trên nhiều dòng sông như sông Lô, sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê, sông Ba… thật đáng báo động. Ai là thủ phạm? Từ năm 1995 cho đến những năm 2000 khi tôi là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thủy lợi của Bộ NN-PTNT chưa bao giờ được báo cáo có hiện tượng này.
Rõ ràng đây không thể là cá nhân hay một địa phương cá biệt. Đây là hiện tượng chung của xã hội. Phải chăng việc này có liên quan đến sự “phát triển nóng” của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước?
Ai dám cho phép khai thác khoáng sản rộng rãi trong tất cả các tỉnh bởi đó là tài nguyên do nhà nước quản lý? Ai dám cho phép những khu công nghiệp mọc lên trên tất cả các tỉnh nếu không có chủ trương đầu tư phát triển? Ai dám khuyến khích mọi người dân được phép nuôi trồng thủy sản trên các hồ, đầm, trên các nhánh sông, trên ven biển nếu không phải là chính quyền địa phương, theo Nghị quyết của HĐND các cấp?
Hậu quả của sự ồ ạt xả thải xuống các nguồn nước là nguyên nhân trực tiếp cho việc cá chết như báo nêu trên. Sâu xa hơn hiện tượng này còn là hậu quả của chiến lược phát triển thủy điện một cách ồ ạt. Bất kể là cơ quan nhà nước hay một tổ chức tập thể như một hội nghề nghiệp xã hội thậm chí một chủ cửa hàng bánh kẹo miễn là đăng ký vốn đầu tư đều được phép đầu tư một công trình dù đó chỉ là thủy điện chưa tới 30 MW chỉ đủ đáp ứng cho một trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ.
Người ta ảo tưởng: “Chỉ 2 thập kỷ Việt Nam đã thủy điện hoá toàn quốc mà chưa một quốc gia nào làm được”. Sự trả giá cho suy nghĩ “lập dị” này là nguồn nước trên các dòng sông đều bị chặt khúc, không thể hoà loãng nguồn độc do con người xả ra. Chính vì vậy, những người kỹ sư thủy lợi luôn thiết kế công trình thủy lợi để đảm bảo dòng sông luôn có một lưu lượng ước với tần suất 10% đảm bảo cho dòng nước luôn chảy giống như “mạch máu” con người không bao giờ được tắc nghẽn.
Nước Mỹ đang phải trả giá cho quá trình công nghiệp hoá bằng cách phá bỏ dần những nhà máy thủy điện để trả lại dòng chảy cho sông. Phải chăng đó là việc làm “sám hối” khi nhận ra sự sai lầm của những việc làm vì sự “ham muốn” của con người bất chấp những quy luật của thiên nhiên?
Phải chăng mối lo lớn nhất hiện nay cho những dòng sông là cạn kiệt nguồn nước?
Để giải đáp những câu hỏi trên chúng ta cần đi nghiên cứu quy luật hoạt động của một con sông. Ví dụ như dòng sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), rồi chảy vào lãnh thổ Việt Nam ở xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai). Độ dốc sông Hồng phía Trung Quốc gần 30/00 song từ Lào Cai chảy ra biển độ dốc sông Hồng đã xoải hơn rất nhiều (1,50/000), giảm khoảng 20 lần so với thượng lưu. Đặc biệt đoạn hạ lưu sông Hồng từ Hà Nội trở xuống độ dốc gần như bằng không, dòng chảy uể oải, len qua những đụn cát, sỏi bồi đắp. Đó là dòng sông đang ngoắc ngoải bởi thiếu đi một lưu lượng nhất định mà những nhà khoa học thủy văn gọi là “lưu lượng tạo lòng”.
Như vậy, độ dốc đáy sông khi bị giảm dưới mức độ dốc giới hạn, khi mà thiếu bùn cát, thiếu chất di đẩy trên lòng dẫn, kết hợp thiếu lưu lượng tạo lòng, dòng chảy trong sông không thể xuôi thuận với đôi bờ mà trở thành quẩn gây ra xói lở bờ, bồi lắng cửa lấy nước, thậm chí làm tụt mực nước. Đó là lý do dọc sông Hồng mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra hàng chục, thậm chí tới trăm tỉ đồng để gia cố những đoạn đê kè sạt lở, nâng cấp máy bơm, sử dụng bơm dã chiến…
Sông Hồng xưa kia đã từng bị cắt khúc một lần nên để lại dấu vết của nó là Hồ Tây ngày nay. Mùa nước lũ khi dòng sông Hồng với những phù sa đang cuồn cuộn chảy về xuôi, những người quản lý Hồ Tây đã phát hiện có dòng nước mát từ sông Hồng chảy vào. Nói một cách khác, giữa Hồ Tây và đáy sông Hồng có sự liên hệ với nhau. Và chính cửa Tứ Liên thuộc quận Tây Hồ đã từng bị sạt lở nghiêm trọng khiến chúng ta phải huy động mọi vật tư chống lụt bão để gia cố. Dấu hiệu của sông Hồng tìm về cội nguồn cũ.
Những sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Ngũ Huyện Khê…đang chết cũng bắt đầu từ nguyên nhân trên. Bài học này cảnh tỉnh chúng ta cần phải ứng xử như thế nào để sông Hồng-cái nôi của nền văn minh lúa nước, nền văn minh sông Hồng không bị biến đi như nhiều nhà khoa học đã cảnh báo.
Cấp cứu sông Đáy
GS nghĩ sao về dự án sống lại sông Đáy?
Gần đây dư luận lên tiếng về dự án làm sống lại sông Đáy với nhiều tỷ đồng mà dường như không thấy lối ra. Nói một cách khách quan lỗi này từ chủ trương đầu tư thiếu cơ sở khoa học. Họ lấy cao trình mực nước cách đây mấy chục năm để chọn cao trình cửa cống lấy nước. Lỗi này chính là không theo dõi diễn biến mực nước để điều chỉnh cao trình. Con người tác động vào sông Hồng, thiên nhiên tác động vào sông Hồng. Trên thượng nguồn Trung Quốc làm đập dâng, dưới hạ nguồn người Việt đua tranh khai thác cát sỏi.
Đối với những dòng sông tự nhiên việc giảm quá mức độ dốc đáy sông, ngăn chặn lượng bùn cát của dòng chảy và sử dụng quá mức nguồn nước thậm chí không bảo đảm lưu lượng tạo lòng là nguyên nhân bức tử trực tiếp. |
Với sông Hồng, tôi khuyên không nên làm các công trình tự chảy bởi vì nó đang diễn biến nhanh do thượng nguồn xây đập, do các hồ giữ hết bùn cát, đáy sông đã tụt 1 m rồi, tương lai 100 năm sau sẽ còn xuống thêm 1 m nữa. Chúng ta đừng ảo tưởng xây dựng cống tự chảy ở sông Hồng. Đáy sông đã biến đổi rồi. Không còn phương pháp nào dự báo được nữa, bởi chính con người gây ra, không theo một quy luật nào cả. Hiện nay doi cát chắn đường nước vào cửa cống (lấy nước vào sông Đáy) đã phát triển rất xa. Mặt khác, đáy sông Hồng còn biến đổi nên không có nhà thiết kế nào dám khẳng định mực nước ổn định là bao nhiêu để đặt cửa cống.
Trong từ điển Bách khoa viết về sông Hồng, người ta công bố số liệu mới nhất (15/4/2016), sông có lưu lượng trung bình năm 2.640m3/s nhưng lưu lượng mùa kiệt chỉ còn 700m3/s, trừ sông Đà đóng góp trong đó 1/3, trừ sông Lô nữa sông Hồng chỉ còn hơn 300m3/s. Đó gần như là lưu lượng tạo lòng. Lưu lượng đó giúp cho dòng sông chảy ra đến biển với điều kiện không được lấy nước của sông trong mùa đó nữa. Vậy ai dám cho phép tiếp tục lấy nước của sông Hồng để nuôi sông Đáy trong khi nhiều tỉnh hạ lưu như Hưng Yên, Nam Định đang cần lấy nước để phục vụ cho dân sinh và sản xuất? Sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng nữa cho dự án làm sống lại dòng sông Đáy bằng cách lấy nước từ sông Hồng.
Cân bằng nước là sự sống còn
Vấn đề vĩ mô là phải quy hoạch lại các dòng sông?
Đúng, phải quy hoạch lại các sông chính và sông nhánh để biết cần nạo vét, mở rộng cái nào, tích nước cái nào. Chúng ta nên học nước Mỹ, khi họ có hẳn kế hoạch quản lý lượng nước, cân bằng nước đến và nước dùng. Chính phủ ta phải đưa ra chính sách cân bằng nước để từ đó các bộ ngành quản lý các dòng sông. Cái nào chết mà không cứu được thì nạo vét, bịt lại để chứa nước ngọt còn những cái đang chảy được phải tính sao cho cân bằng của sự phát triển. Cân bằng nước là sự sống còn của một đất nước. Như quốc vương Butan đã nói: Nước là hàng đầu.
Xin cảm ơn GS!