ThienNhien.Net – Những bể chứa chất thải của khu chế xuất da Nguyên Hồng nằm sát Quốc lộ 4A đang chờ những cơn mưa để xả thải xuống dòng sông Khởi Luông. Anh bạn thổ dân chỉ những đoạn nước đọng, đen kịt cho biết, trước đây dòng sông này nhiều cá và ốc lắm. Đến nay thì tiệt chẳng còn giống nào. Bà con cũng không dám ra giặt giũ vì nước “ăn” hết chân tay. Những chất tố độc hại đang khiến đoạn sông này trở thành dòng sông chết…
Đột nhập khu chế xuất
Câu chuyện ô nhiễm tại thôn “mùi”, cái thôn Nà Mò tại xã Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn, càng khiến tôi hiếu kỳ về cái “công nghệ” sản xuất da đã khiến cả vùng quanh năm chịu cái mùi hôi thối, nồng nặc này. Theo người dân trong vùng, chúng tôi chỉ có thể quan sát mô hình sản xuất của khu chế xuất từ phía bên ngoài vì ở đây “ngoại bất nhập” đối với người lạ. Công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc và chỉ ông chủ mới biết công thức pha chế cho dây chuyền hoạt động.
Trong vai thăm người nhà tại Nà Loòng, tôi và anh bạn thổ dân (là người làng đã từng làm cho khu chế xuất da muốn giấu tên) đi vòng qua vài ngọn núi để sang đối diện với mặt trong khu chế xuất da Nguyên Hồng, mặt ngoài sát với quốc lộ 4A. Tại đây, nhãn tiền là hàng trăm thùng phi xanh đỏ, nằm dọc theo hàng chục bể tròn, xây dựng trực tiếp xuống lòng suối Khởi Luông.
Những bể tròn có đường kính vài mét, nằm nhô cao gần bằng khu nhà xưởng. Anh bạn dẫn đường bảo, những thùng phi đã và chưa sử dụng kia là hóa chất để đổ xuống các bể chứa bì lợn được nhập từ nhiều nguồn. Hóa chất cùng với nguồn nước được bơm thẳng từ suối lên, sẽ tẩy rửa cho những lớp bì hôi thối đang sộc thẳng vào mũi.
Sau này, bì đã qua tẩy sạch sẽ được vớt lên, đưa vào nhà máy đốt để ép, rồi qua các công đoạn nữa để thành da công nghiệp. Loại da này sẽ được xuất đi Trung Quốc, nghe đâu sẽ chế biến thành dày, dép, túi, thậm chí quần áo…, rồi nhập ngược lại Việt Nam khi đã là thành phẩm.
Chuyện về dòng sông không có cá
Nhìn hệ thống nhà xưởng kéo dài gần 1 km dọc theo con suối Khởi Luông, mới thấy quy mô của Công ty cổ phần Thương mại sản xuất da Nguyên Hồng. Anh bạn thổ dân bảo, khoảng hơn 10 năm trước đây, ông chủ có xưởng bên Trung Quốc. Tuy nhiên, do quá ô nhiễm nên bên ấy cấm, nên ông chủ mang về sản xuất tại quê mình, tức thôn Nà Mò này.
Khởi điểm cách đây 7, 8 năm, đây mới chỉ là khu nhà xưởng thủ công. Sau này làm ăn phát đạt, ông chủ mở rộng mô hình, thuê chuyên gia Trung Quốc về giám sát. Ông chủ “nuôi” cả vùng, người dân có việc, chính quyền có “chuyện”. Cả dải đất sát với quốc lộ 4A, ông chủ thuê hết. Vừa làm nhà xưởng, vừa làm bến bãi, vừa làm nơi tập kết hóa chất. Ông chủ bây giờ có nhà bên Đồng Đăng, bên TP Lạng Sơn nên không ở đây nữa.
Nhắc tới những bể xả thải, anh bạn dẫn đường nói tiếp, do người dân phản ứng khi trước đây xả thải thẳng xuống suối nên ông chủ cho xây những bể này gọi là nơi xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc xây dựng bể rất thủ công, đặc biệt nước nhiễm hóa chất có rất nhiều độc tố độc hại. Chuyên gia Trung Quốc đã từng nói để xử lý triệt để số nước độc hại này phải mất 20, 30 tỷ đồng, mới ra được nước đạt yêu cầu. Tuy nhiên, có lẽ tiếc tiền hoặc vì có “khả năng đổ xả xuống suối mà không bị việc gì” nên ông chủ không thực hiện.
Kết quả là cá và ốc, vốn là hai đặc sản của dòng suối Khởi Luông này cứ ngày một “tiệt chủng”. Bà con cũng không dám ra suối để giặt giũ vì nước ăn chân ăn tay, về nhà lở loét. Điều nguy hiểm hơn, dòng suối Khởi Luông này chảy xuôi về Nà Sầm, nhập một phần với sông Kỳ Cùng, một phần chảy sang đất Cao Bằng. Liệu bao nhiêu chất độc hại đã tới những vùng đất khác?
Lời kể của người dẫn đường hoàn toàn trùng khớp với câu chuyện của các chị, các mợ đã nhắc đến ở kỳ trước. Để có chứng cứ cụ thể hơn, vẫn trong vai người đi thăm họ hàng, chúng tôi lần mò xuống dòng suối, đi ngược lên phía bể chứa nước thải. Do mấy ngày không có mưa, nên dòng suối khá cạn. Tại những đoạn nước đọng, mùi thối nồng nặc, bề mặt nước đen kịt, phủ rêu.
Tiến sát đến bề chứa, nhãn tiền là một đường ống cắm thẳng xuống dòng suối. Người dẫn đường bảo, do trời không mưa nước cạn nên các van của đường ống đóng lại. Trời mưa to, là nước trên bể kia theo đường ống xả thẳng xuống suối, theo dòng nước chảy xuôi về phía cuối nguồn. Anh bạn thổ dân không ít lần chứng kiến cảnh này, đặc biệt khi lũ về, việc xả thải còn diễn ra nhiều hơn.
Dân đã kiến nghị, nhưng…
Liệu có bao nhiêu độc tố trong số hóa chất này sẽ nguy hại tới sức khỏe con người? Vai trò của các cấp chính quyền sở tại như thế nào? Anh bạn cười bảo, dân trong vùng có ý kiến lên huyện, lên tỉnh. Đoàn nọ về, đoàn kia đến đều bảo không sao. Không sao bởi vì họ có lấy mẫu ở dưới bể chứa hay những đoạn suối đọng đâu.
“Họ lấy mẫu ở giếng khoan làng bên cạnh, lấy mẫu ở con suối phía bên đường, lấy mẫu từ phía bề mặt bể chứa. Nước ở phía trên bể chứa cứ trôi như vậy, làm sao thử ra độc tố. Hỏi dân là biết ngay chỗ nào ô nhiễm, ô nhiễm như thế nào nhưng có lẽ đầu việc của các đoàn kiểm tra chỉ dừng ở vậy”- anh bạn dẫn đường chua chát kể.
Chúng tôi vào trong thôn Nà Mò, tới cái giếng người dân mới khoan nhưng không dùng được. Nước đục ngầu, vẩn trong đó là những ánh kim chắc do hóa chất tạo thành. Ở đây, đào giếng như đi đánh trận, chỗ được chỗ không. Không biết có phải do hóa chất từ khu chế xuất da nhiễm vào nguồn nước hay không? Song với người dân, khi không có sự trả lời từ phía cơ quan chức năng, bà con cứ đổ lỗi do vậy. Như họ vẫn cho rằng trên trời thì khí độc, dưới nước thì chất thải độc, trẻ con người già cứ còm cõi, ốm yếu.
Rời khỏi vùng đất giáp biên, nơi cũng không phải quá xa xôi và lạc hậu, chúng tôi tự hỏi, liệu vài năm nữa, những làng này thế nào? Nguy hại hiển thị hay theo năm tháng chưa kể những vùng đất nơi con suối Khởi Luông nhập vào liệu có chịu ảnh hưởng bởi những độc tố “chưa có lời giải”?
Ám ảnh Khởi Luông – Bài 1: Chuyện ở thôn… ‘mùi’