ThienNhien.Net – Phát triển kinh tế không thể đồng nghĩa với sự hủy hoại môi trường sống. Nguy hiểm hơn, những hệ lụy khôn lường đang dai dẳng bám theo cuộc sống con người, không chỉ tính ở thời điểm hiện tại mà tương lai thế hệ sau sẽ phải hứng chịu. Loạt bài viết này, chúng tôi đã ghi tại vùng đất sát biên giới Lạng Sơn, nơi khí thải và chất thải độc hại đang “hòa nhập” vào cuộc sống người dân, trước sự làm ngơ của chính quyền sở tại.
Từng đợt khói bốc lên từ khu chế biến, sản xuất da tại thôn Nà Mò, theo hướng gió, tỏa ra khắp vùng. Mùi hôi thối nồng nặc phả vào khu dân cư khiến nhiều nhà phải đóng cửa. Ông Cá bịt mũi bảo, “nó” – ám chỉ những lò đốt bên khu chế biến da, đêm cũng như ngày, đưa tới cái mùi thum thủm, nhiều lúc khét lẹt, thấm vào từng bữa ăn, giấc ngủ.
Thôn Nà Mò, thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, nằm cạnh Quốc lộ 4A, đoạn giữa cửa khẩu Tân Thanh và thị trấn Đồng Đăng, khoảng chục km về hai phía. Tuy nằm cạnh một tuyến quốc lộ nhưng Nà Mò, hay nhiều thôn khác của xã Tân Mỹ lại khá ẩn khuất sau những dãy núi vùng sát biên giới Việt – Trung. Xe tải, xe khách, thậm chí xe máy từ cửa khẩu Tân Thanh xuống, hay từ Lạng Sơn lên, chủ yếu đi quốc lộ bên ngoài, phía cửa khẩu Cốc Nam. Có lẽ, cũng chính từ đặc thù ẩn khuất tại vùng núi quanh co, hiểm trở, ít người qua lại này, khu chế biến da Nguyên Hồng mới tồn tại lâu như vậy giữa lòng các khu dân cư thuộc xã Tân Mỹ, nơi tập trung chủ yếu là người dân tộc Nùng.
Ông Hoàng Viết Cá, thôn Cốc Hón, năm nay gần 60 tuổi. Gần 7,8 năm nay, người đàn ông thấp bé nhẹ cân lẻo khẻo đã hít phải không ít cái mùi hôi thối khó chịu, mặc dù làng ông ở phía đầu trên khu sản xuất, chế biến da. Ông bảo, kể cả khi gió xuôi, vì làng ông được coi là đầu nguồn, thì cái mùi khăm khẳm, khét lẹt từ những ống lò tại khu dưới, vẫn đượm vào không khí, xộc vào dân bản. Bà con không di dời được buộc phải chịu đựng thứ khói độc hại, chứ ngay như đàn bò – ông Cá kể – cứ mỗi lần “khói lên” là chúng chạy túa lên đồi. Lũ bò cũng không chịu nổi cái mùi khắm khét, búa bổ vào ngực, vào đầu này.
Nhắc tới đàn bò của cái thôn Cốc Hón này, tôi nhớ đến lũ bò ăn rác tại Thái Nguyên, hay gà không chịu mổ thóc ở cái tỉnh nào đó những năm trước được đăng tải ầm ĩ trên đài báo. Sức chịu đựng và thích nghi của động vật phải chăng kém xa sức chịu đựng và thích nghi của con người? Sự lựa chọn hoặc thay đổi, phải chăng đã nằm ngoài ý muốn, dù động vật bậc thấp hay cao, cũng vậy? Những giờ phút ở đây, đối với tôi, là một cực hình.
Giữa trưa, những guồng máy tại khu chế xuất da vẫn ầm ầm chạy. Khói bốc lên. Tôi xuống thôn Nà Loòng, gần phía đầu ngã ba vào xã Hoàng Văn Thụ. Một tốp các chị các mợ ngồi bàn tán và bức xúc với cái nhà máy chế biến gây hôi thối ngày một phình ra do kiếm được lợi nhuận. Một chị ngoài 40, nghe đâu là vợ ông trưởng thôn kể, 7, 8 năm trước đây nhà máy sản xuất da chỉ là một tổ hợp sản xuất, chế biến nhỏ. Tuy nhiên, mấy năm nay trở lại đây do có lợi nhuận lớn, khu chế biến cứ ngày một phình ra, đã trở thành một “đại nhà máy” chiếm cứ hàng chục nghìn mét vuông dọc theo đường 4A. Khói thối theo cấp số nhân cứ thế bành trướng. Mấy năm nay, hoa màu vùng này bị giảm mạnh về số lượng. Dù không dám chắc có phải nguyên nhân từ khói, mùi thối hay không nhưng ngày ngày hứng chịu mùi này, chưa kể chất thải từ khu chế biến đỗ xả xuống sông suối (sẽ nói rõ ở kỳ sau), hoa màu cây cối cằn cỗi cũng phải lấy gì đó để đổ lỗi.
“Quả hồng teo dần, cây mận thiếu quả, cứ tiếp tục hứng chịu mùi hôi thối này không chỉ hoa màu dần dà con người cũng đổ bệnh, ung thư, còm cõi mà chết. Dân cầu cứu chính quyền mãi chẳng thấy thay đổi. Đoàn nọ, đoàn kia xuống kiểm tra bảo không sao nên nhà xưởng cứ tiếp tục nhả khói. Thối, khắm sờ sờ mà bảo không sao, mà đây là sự hiện hữu hàng ngày, hàng giờ” – người dân bức xúc cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thứ mùi hôi thối từ các ống lò của khu chế xuất da xuất phát từ một hệ thống pha dung dịch theo công thức của Trung Quốc, biến những bì lợn, hoặc bì trâu bò nào đó thành một loại sản phẩm để chế tạo da. Hỗn hợp trên được đốt trong các lò phản ứng và tạo ra khói thối theo ống khí ra môi trường. Hợp chất khí thối này liệu có nguy hiểm? Khởi, một người đàn ông ở thôn Nà Loòng cho biết, chỉ lấy ví dụ đeo lắc bạc, vòng bạc là thấy, qua một đêm, dù bạc nguyên chất cũng sẽ đen xỉn. Sang vùng khác lại trắng tinh. Rõ ràng, môi trường sống quanh “các lò phản ứng” quá nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Chúng tôi cũng đặt câu hỏi này với Chủ tịch xã Tân Mỹ Hoàng Minh Hạnh, người mới nhậm chức 7 tháng nay, thay thế nguyên Chủ tịch xã Hoàng Văn Cao, thì nhận được sự ậm ừ lắc đầu không biết. Theo ông, do mới tiếp quản công việc nên cũng chưa tới khu chế xuất da có hay không gây ô nhiễm lần nào. Còn với các “mùi đặc trưng” của vùng, nhiệm vụ của ông là báo cáo lãnh đạo huyện dù biết rằng một khu chế xuất như vậy ở gần khu dân cư là sai luật.
Nhiều năm hứng chịu “khói độc”, nhiều năm kêu cứu của bà con dân tộc nhưng mọi đơn thư đều không có hồi âm. Chúng tôi có lật lại các ý kiến cử tri của 6 năm trở về đây. Năm nào bà con Tân Mỹ cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm vì khói thối trong vùng. Nhưng mọi chuyện đều vẫn y nguyên đến tận bây giờ. “Ông Hạnh, ông Cao, đều hứa và chỉ hứa. Dân khổ chẳng biết kêu ai”- một chị thôn Nà Mò cho biết.
Chiều xuống, khói thối tiếp tục nhả theo hướng gió tỏa vào các khu dân cư ở Tân Mỹ. Ông Khởi bảo đóng cửa để đỡ mùi. Bữa cơm rau dưa, những cái và vội vã như thể cho qua nhanh. Nhiều nhà ở cái “thôn mùi” này cũng vậy…
(Còn nữa)