ThienNhien.Net – Thiếu đất sản xuất, đối mặt với đói nghèo, bất đắc dĩ người dân phải phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất của các lâm trường. Thực trạng đáng báo động đã và đang xảy ra tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhiều năm qua. Tìm lời giải cho bài toán, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, cần một sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ nhiều cấp bộ, ngành, địa phương…
Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho hay, trong chuyến công tác đến Tây Nguyên trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng rất trăn trở về chuyện đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thiếu đất sản xuất. Đồng chí nhấn mạnh rằng: Thực trạng người Tây Nguyên thiếu đất sản xuất là nghe không được, khó có thể chấp nhận được, nhất là nhân dân bản địa đã gắn bó với Tây Nguyên bao đời nay.
Đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu các ngành, các địa phương phải kiểm kê lại đất đai, tìm mọi cách, tính mọi cách để bà con vốn là hộ làm nông phải có đủ đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần vận động bà con không bán đất, phải giữ đất, tránh tình trạng nhiều người lợi dụng lúc bà con khó khăn, bỏ tiền ra gom mua đất của bà con, đồng thời cần phải tạo điều kiện để bà con được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho việc thâm canh, phát triển sản xuất. |
Thiếu đất vì… thủy điện!
Hơn 10 năm nhường đất để xây dựng thủy điện An Khê – Ka Nak thượng nguồn sông Ba, cũng là ngần ấy thời gian gần 100 hộ dân làng Groi, thị trấn Kbang, tỉnh Gia Lai nói riêng, hàng trăm hộ dân khác vùng hạ du sông Ba nói chung đang “khát” đất sản xuất. Đời sống nhân dân đối mặt chồng chất khó khăn. Hơn 3ha rẫy sản xuất ổn định bao đời nay của gia đình ông Grươm, dân tộc Ba Na ngày ấy nay đã ngập trong lòng hồ Ka Nak. Đổi lại, BQL thủy điện 7 – Tập đoàn điện lực Việt Nam cam kết sẽ đền bù thỏa đáng, đồng thời cùng chính quyền tính toán bố trí đất sản xuất cho gia đình ông, song đến nay ông vẫn chưa nhận được đúng những gì như cam kết.
Thiếu đất, đời sống gia đình ông quanh năm đối mặt với cảnh đói nghèo, chạy ăn từng bữa. “Bà con mình nhận được một phần tiền đền bù hoa màu của thủy điện đã tiêu hết rồi. Giờ đất rẫy không còn, đời sống khó khăn lắm. Tranh thủ mùa nước rút, bà con phải trở về rẫy cũ trồng ít ngô, đậu nhưng vẫn không đủ ăn. Bà con chỉ mong chính quyền các cấp tạo điều kiện chuyển dân đi chỗ khác có đất sản xuất để ổn định, chứ sống tạm bợ thế này, cái đói cứ bu bám hoài” – ông Grươm bộc bạch. Không chỉ ông Grươm, hàng trăm hộ dân làng Groi và các bản làng khác của huyện Kbang, Iapa, Phú Thiện nhiều năm qua ai cũng mong mỏi có một ngày điều đó sẽ được thực hiện, nhưng chưa đâu vào đâu.
Ông Hồ Trung Hưng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân H. Kbang, tỉnh Gia Lai tỏ ra bức xúc không kém người dân. Ông Hưng cho rằng, đây là hậu quả của việc thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định canh, định cư chưa đảm bảo quyền và lợi ích cho người bị thu hồi đất. Rất nhiều nơi của H. Kbang và những huyện lân cận nhường đất sản xuất cho thủy điện, rồi người dân phải đối mặt với thực trạng thiếu đất sản xuất nhiều năm qua. “Từ khi dự án thủy điện An Khê – Ka Nak nút cống hồ chứa từ tháng 9-2010, hiện nay đã phát điện nhưng có khoảng 140ha đất sản xuất phải bố trí cho nhân dân vùng hạ du sông Ba chưa tìm ra nguồn để giải quyết, trong đó có hơn 90 hộ dân làng Groi. Bà con bức xúc, huyện cũng vậy, xong chưa thể tìm ra giải pháp gì hữu hiệu” – ông Hưng nói.
Bên cạnh câu chuyện thủy điện, việc chuyển đổi rừng nghèo cũng dẫn đến thực trạng người dân thiếu đất sản xuất. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các địa phương thì, lâu nay đất và rừng giao cho tư nhân, cho thuê 50-70-90 năm thì… mua như lấy, bán như cho! Trong khi đó, người dân tại chỗ cần đất thì không có đất sản xuất. Cứ có ai ở đâu đó tới xin đất thì được thuê, trở thành ông chủ, còn người dân thì đi làm thuê, nhưng doanh nghiệp cũng chỉ nhận nhỏ giọt những người có kinh nghiệm…
Hệ lụy khôn lường
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng hiện còn khoảng hơn 30.000 hộ dân, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với tổng diện tích trên dưới 20.000ha, trong đó nóng nhất là Gia Lai với gần 10.000 hộ… Từ câu chuyện “khát” đất sản xuất, những hệ lụy tất yếu đã xảy ra. Trong thời gian chờ được giải quyết đất sản xuất hợp pháp, bà con nhiều nơi đã có hành động bất đắc dĩ phá rừng phòng hộ, rừng thuộc các đơn vị nhà nước quản lý để lấy đất canh tác. Như huyện Iapa, Kbang, An Khê (Gia Lai), nhiều người đã vào rừng phòng hộ Chư Mố phát rừng làm rẫy.
Ông Ksor Ban, xã Chư Mố cho biết, vì đói nghèo, thiếu đất sản xuất, bà con không còn cách nào khác là vào rừng phòng hộ phát rừng làm rẫy. Biết là vi phạm, nhưng bà con trong khi chờ Nhà nước cấp đất sản xuất ổn định không thể ngồi yên nhịn đói. Khi có đất rồi, bà con sẽ tự nguyện trả lại đất rừng đã lấn chiếm ngay lập tức. Trong khi đó, tại H. Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc, thực trạng người dân đua nhau đi phá rừng làm rẫy cũng đang rất phức tạp. Anh Y Phối, dân tộc Ê Đê, buôn Hàng Năm, xã Yang Mao, H. Krông Bông cho rằng, do cơ chế hưởng lợi cho cộng đồng không cụ thể, nên không khuyến khích được người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm. Nhiều hộ tham gia quản lý bảo vệ rừng, nhưng vì đói nghèo, thiếu đất sản xuất, họ đã tham gia lấn đất rừng của một số lâm trường để phát rừng làm rẫy, trồng lúa…
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang thiếu đất sản xuất, thì việc đã chuyển đổi hàng chục ngàn héc-ta rừng nghèo trong vùng cũng chưa giải quyết được cho người dân, vì phần lớn diện tích đã chuyển đổi bằng nhiều cách nào đó đều thuộc về doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân cũng chưa được quan tâm. Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị UBND tỉnh Gia Lai rà soát lại để giải quyết những tồn tại, đảm bảo chủ trương chuyển đổi rừng nghèo của Chính phủ đạt các mục tiêu đề ra là phục vụ tạo sinh kế, phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Theo ông Hùng, việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai chưa đi đúng hướng. Vì theo chủ trương của Chính Phủ, mục tiêu chính của chuyển đổi rừng nghèo là để phục vụ tạo sinh kế và tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là người dân bản địa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung hiện nay mới chủ yếu phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp.
Để tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, thuận tiện trong quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều năm qua, một số địa phương đã đề xuất các giải pháp hợp thức hóa đất bà con đã khai phá, lấn chiếm từ đất rừng hoặc chuyển đổi đất rừng cho bà con. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều vướng mắc do phải có sự phối hợp của nhiều bộ ngành. Theo chúng tôi, trong khi hàng chục ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang chờ được cấp đất sản xuất, cần thiết có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và chính quyền các cấp.