ThienNhien.Net – Thật khó để chấp nhận một thực tế, dòng sông được xem như “báu vật quốc gia” này đang bị con người tàn phá vô cùng khủng khiếp.
Sông Hồng – dòng sông mà dân gian vẫn gọi là sông Cái hay sông Mẹ như một sự mặc nhiên thừa nhận những đóng góp vô giá của nó với nhân dân Bắc bộ.
Không một ngày yên ả
Từ nhiều năm trước, số phận sông Hồng đã được đặt lên bàn làm việc của nhiều bộ, ngành và cả Chính phủ. Đặc biệt là mối hiểm họa đối với ngành nông nghiệp. Cá chết hàng loạt ở một số nơi báo động nguồn nước bị ô nhiễm. Rất nhiều trạm bơm phục vụ thủy lợi treo chơ, trơ đáy báo động mực nước sông Hồng sụt giảm ở mức nghiêm trọng. Đất đai sạt lở ở khắp mọi nơi.
Báo động đến mức Chính phủ giao cho các bộ, ngành lập ngay các đề tài nghiên cứu khoa học “bắt bệnh” cứu sông Hồng.
Giáo sư Trần Đình Hòa, PGĐ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, cho biết, khi được giao nghiên cứu đề tài, sau một thời gian phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước, cơ quan này đã bắt đúng bệnh dòng sông Mẹ đang gánh chịu.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu, một trong những nguyên nhân chính khiến sông Hồng biến đổi theo chiều hướng xấu là do thực trạng khai thác cát thiếu quy hoạch và vượt quá ngưỡng cho phép.
Cho dù chưa có thống kê đầy đủ về thực trạng khai thác cát trên sông Hồng suốt chiều dài hơn 510km từ “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” ở Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai) đến cửa biển Đông, nhưng chỉ cần đi trên dòng sông qua một số tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội thôi cũng là quá đủ để hiểu vì sao dòng sông đang chết dần chết mòn trong đau đớn.
Trên chuyến tàu hàng, anh Phạm Hữu Đông, một lái tàu nhiều năm chạy tuyến đường thủy Việt Trì – Hà Nội vừa phải căng mắt quan sát các tàu khai thác cát vừa ngán ngẩm than: Có khi phải bỏ nghề vận tải đường sông này thôi chú ạ. Bởi vì đâu đâu cũng thấy người ta chia chác và băm nát dòng sông để khai thác khoáng sản hết cả rồi. Tỉnh nào cũng cấp mỏ, trên sông Hồng bây giờ số điểm khai thác cát lên đến hàng nghìn chứ chẳng ít.
Càng đi càng thấy lời anh Đông là đúng. Từ ngã ba sông Bạch Hạc, nơi con sông Hồng hợp lưu với sông Đà và sông Lô để xuôi về miền đồng bằng, những làng chài nổi tiếng trên sông xưa giờ đây đã được thay thế bằng phường khai thác cát sỏi. Tàu bè chi chít, khổng lồ, rầm rập nổ máy suốt ngày đêm.
Thống kê từ các cơ quan chức năng đã chỉ ra rằng, chỉ tính riêng đoạn sông Hồng chảy qua hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã có tới 14 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi. Tất nhiên, đấy chỉ là những thống kê trên giấy, bởi ngoài các điểm mỏ được cấp cho các doanh nghiệp còn hàng chục, hàng trăm điểm khai thác trái phép đang ngày đêm móc ruột, tra tấn sông Mẹ.
Ví như khúc sông Hồng, bên này là huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), bên kia là huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội), đã mấy năm nay không có lấy một ngày yên ả.
Tôi đi dọc bến bãi bờ sông Hồng phía ngoài đê qua các xã An Tường, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh của vùng chăn nuôi bò sữa Vĩnh Tường. Trên bờ là những thảm cỏ voi, những cánh đồng chuối, đồng ngô, ruộng lúa xanh ngút mắt. Dân địa phương bảo, đó là ân huệ lớn lao mà sông Mẹ đã mang phù sa ban tặng cho các ngôi làng. Không chỉ vậy, dòng sông sau cuộc hành trình mệt nhọc, gào thét qua các thác ghềnh trung du miền núi dường như thay đổi tính nết khi đến vùng giáp ranh giữa Vĩnh Phúc và Hà Nội. Sông hiền hòa lắng phù sa thành bãi, thành vỉa mênh mông cát. Một “miếng bánh” quá béo bở mà dân khai thác khoáng sản không thể bỏ qua. Không còn là ân huệ với nhân dân nữa mà là tai họa.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Tường, hiện trên địa bàn có 7 đơn vị được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép khai thác cát, sỏi thuộc địa bàn quản lý của 4 xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, An Tường và Cao Đại. Chỉ có 4 xã triền sông với nhõn vài cây số thôi nhưng có tới 7 doanh nghiệp được cấp phép nhảy vào khai thác cát.
Những “cái tát” cứa bờ bãi
Như một nhẽ tất yếu, sông Mẹ vốn thương yêu những bản làng nó chảy qua như con cuối cùng cũng phải nổi trận lôi đình trước tội lỗi do con người gây ra.
Các bậc cao niên sống gần trọn một đời bên bờ bãi những ngôi làng ven sông miền Vĩnh Phúc, Phú Thọ nói với tôi, sông Hồng giờ đây không còn hung dữ vào mùa mưa lũ như thuở trước, cũng chẳng còn cảnh sông cuộn nước đỏ au cuốn trôi nhà cửa, trâu bò, lợn gà trong những mùa mưa lũ thét gào. Nhưng hiểm họa từ sông bây giờ đến cả trong những mùa nước cạn. Đớn đau, tàn khốc chẳng kém gì thiên tai.
Ông lão tên Lê Đắc Tất làm nghề chài lưới khúc sông thôn Kim Xa (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường) ví von thế này: Thuở trước mỗi khi dòng sông lên cơn giận giữ, nhân dân ngửa mặt than trời, còn bây giờ, người dân ném ánh mắt căm hờn ra giữa lòng sông, bởi họ biết rằng, nguyên do chẳng phải tại thiên tai nữa.
Những màn tra tấn bằng tàu hút, tàu cuốc chi chít trên các khúc sông đã biến đổi tính tình sông Mẹ trở nên ác độc theo cách âm thầm. Rồi đến vườn tược, nhà cửa, cả mồ mả cha ông sông cũng chẳng tha.
Từ khi Công ty Sáng Sơn được cấp phép mang tàu bè đổ bộ khúc sông ở làng Kim Xa, nơi này liên tục sạt lở. Có những nơi sông ngoạm sâu vào làng từ 50 đến gần cả trăm mét đất, chỉ cách kè vở bờ sông tầm khoảng chục mét nữa là nuốt trọn. Theo giấy phép của doanh nghiệp này, họ được khai thác mỗi ngày tầm 1.000m3 trong vòng 10 năm. Chỉ tính qua đã thấy nỗi đau sông phải gánh chịu lớn đến mức nào.
Có lẽ vì thế mà những “cái tát” của sông vào bờ bãi ngày một lớn. Trong một thống kê mới đây, xã Vĩnh Ninh đã có 44 hộ gia đình bị sông tấn công, 3 công trình sụt lún. Tất nhiên là phải kêu gào. Hàng loạt đơn thư, ý kiến tăng theo cấp số nhân nhưng tai họa từ sông vẫn không hề thuyên giảm.
Cho đến khi, sự giận giữ của sông Mẹ bao trùm lên cả đình chùa trong làng, cuốn trôi cả mồ mả ông cha thì nhân dân xác định không thể ngồi yên được nữa. Những tiếng trống từ các ngôi làng ven sông đồng loạt nổi lên. Già trẻ, gái trai kéo nhau ra bờ bãi giữ đất.
Biên bản được phát đi đồng loạt nhiều cơ quan chức năng từ thôn, xã lên tận UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn ghi rõ: “Trong hai ngày 4 – 5/12/2015, khoảng hơn 300 người dân thôn Kim Xa đã tập trung đánh trống tại khu vực khai thác cát trên sông Hồng và yêu cầu Công ty Sáng Sơn phải dừng ngay việc khai thác cát, đồng thời di chuyển tàu cuốc ra ngoài khu vực khai thác do doanh nghiệp này có những vi phạm nghiêm trọng.
Từ ngày 28/11/2015 đến ngày 3/12/2015, khoảng 200 người dân ở 4 thôn trong xã Vĩnh Thịnh là Khách Nhi Ngược, Khách Nhi Xuôi, An Lão Ngược, An Lão Xuôi đã tập trung tại trụ sở UBND xã và khu vực khai thác cát của Công ty Cổ phần Phong Châu, Công ty TNHH Cát Vàng để phản đối việc khai thác khoáng sản cát với độ sâu quá giới hạn cho phép, khai thác cát gần kè đê bối, gần khu dân cư gây sạt lở bờ kè…”.
Tôi cùng mấy người dân xã An Tường đứng từ Trạm bơm Liễu Trì nhìn ra sông. Tàu bè vẫn rầm rập như thể không hề có sự bức xúc của nhân dân phía trên bờ. Dân đã cố hết sức để bảo vệ sông cũng như bảo vệ chính mình. Nhưng có vẻ như chỉ có họ thôi thì không đủ.
Trên triền dọc sông Hồng có bao nhiêu ngôi làng như ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh? Thật khó mà đếm xuể. Chỉ biết là ngày một nhiều và nỗi đau dòng sông Mẹ ngày một lớn.