ThienNhien.Net – Hạn hán đã thực sự là thiên tai không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, của các loài động, thực vật trong tự nhiên; mà còn đe dọa đến môi trường sống của Tây Nguyên.
Những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống miền đất đỏ khô khát Tây Nguyên. Người dân gọi là những trận mưa vàng, theo đúng nghĩa, nếu tính ra tiền để so sánh với khối lượng nước mà người trồng cà phê, hồ tiêu đã phải mua để cứu hạn cho các loại cây trồng trong thiên tai hạn hán vẫn đang còn đeo bám vùng đất này.
Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây hạn hán ở Tây Nguyên dường như đã thành chuyện “đến hẹn lại lên”. Cứ sau Tết Nguyên đán là cả Tây Nguyên lại bước vào mùa khô hạn, trên truyền hình người dân cả nước đã khá quen thuộc với hình ảnh cây cà phê chết khô, những hồ nước trơ đáy, những dòng sông trơ lòng; nhưng năm nay cũng cảnh khô hạn đó lại thêm hình ảnh người dân đi mua từng can nước, là cảnh bộ đội mang xe ô tô chở nước sinh hoạt cấp cho dân.
Trong sự hiểu biết của người dân nước Việt, Tây Nguyên là vùng đất đại ngàn hùng vĩ, có những dòng sông và ngọn thác như thả xuống từ trời, có những đàn voi từng chở gạo, chở đạn ra tiền tuyến đánh giặc. Tây Nguyên với bóng cây Kơnia và những nhà rông “dài như tiếng chim ngân”. Tây Nguyên của vùng đất đỏ bazan trù phú, là thủ phủ của cà phê và cao su…Tây Nguyên là vùng đất anh hùng, vùng đất của văn hóa độc đáo và giàu có bậc nhất của Tổ quốc ta.
Nhưng những hình ảnh về thiên tai hạn hán năm nay đang diễn ra, Tây Nguyên đã không còn là vùng đất đại ngàn. Những cánh rừng đã mất, những ngọn thác, dòng sông đã thực sự không còn là sông, là thác khi cạn nước trơ lòng. Cả một vùng đất trù phú đã xác xơ trong nắng hạn; cỏ cây đã khô khát đến kiệt cùng. Một khi rừng đã mất thì nguồn nước cũng không còn, đất đai không nuôi sống nổi con người; hay nói cách khác, môi trường sống của Tây Nguyên đã biến đổi khi không còn rừng. Muốn Tây Nguyên phát triển bền vững, thì cần phải có chiến lược bảo vệ và phục hồi rừng.
Vấn đề cốt lõi của môi trường sống Tây Nguyên là rừng và nước. Nhiều người đã đặt cả niềm băn khoăn và lo lắng cho rừng và nước của Tây Nguyên hàng chục năm nay; rằng vì sao rừng Tây Nguyên đã mất và đang bị mất từng ngày và có cách gì để giữ rừng?
Nhớ lại những năm sau giải phóng miền Nam, rừng Tây Nguyên mở toang và phô trương sự giàu có. Để khai thác rừng đã có hàng trăm các nhà máy, xí nghiệp, công ty lâm nghiệp khai thác, chế biến và xuất khẩu gỗ được thành lập. Theo đó, mỗi ngày các đoàn xe nối đuôi nhau chở gỗ rừng Tây Nguyên về Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, các nhà máy, các bến cảng để chế biến và xuất khẩu. Những cây gỗ quí có tuổi hàng trăm năm, có chiều dài vài chục mét, có đường kính lên đến vài ba mét đã được chế thành sản phẩm gỗ. Với tốc độ khai thác như vậy, những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên đã nhanh chóng biến thành rừng nghèo, thậm chí có nơi đất rừng biến thành đất trống.
Đến đầu những năm 1990 Nhà nước có lệnh đóng cửa rừng khi nhiều vùng rừng “đã cơ bản bị phá xong”. Đây có thể là đợt khai/phá rừng có qui mô lớn nhất với thời gian kéo dài nhất ở Tây Nguyên. Từ đó tới nay đã mấy chục năm, rừng Tây Nguyên vẫn bị phá dưới nhiều các chủ trương và hình thức khác nhau: Dân tự phá rừng lấy đất làm nương rẫy, làm lúa nước. Nhiều địa phương, đơn vị triển khai dự án trồng cao su, trồng cà phê; lâm tặc và người dân phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu, làm nhà, buôn bán gỗ. Đặc biệt phá rừng làm các dự án thủy điện đã như một cú giáng “thôi sơn” làm rừng Tây Nguyên tan hoang. Hậu quả của các hình thức phá rừng đó đã làm thay đổi hẳn môi trường sống của con người với thiên nhiên.
Tây Nguyên đang đứng trước môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng. Các cánh rừng đại ngàn mất đi đã mang theo cả văn hóa vật thể và phi vật thể đi cùng; cuộc mưu sinh truyền thống dựa vào rừng từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã chuyển đổi phương thức. Được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, dù đời sống đồng bào được bảo đảm, nhưng nét đặc thù của Tây Nguyên không còn nguyên vẹn khi môi trường không còn rừng và bị khô hạn.
Vì vậy, bảo vệ và phục hồi rừng cho Tây Nguyên – cũng là giữ nước cho môi trường sống – là chiến lược phát triển bền vững; dù khó khăn, tốn kém đến mấy cũng phải làm vì một Tây Nguyên trù phú và giàu bản sắc.