ThienNhien.Net – Theo Liên hợp quốc, các nước nên coi buôn bán động thực vật hoang dã trái phép là hành vi tội phạm nguy hiểm, hành vi này đã phớt lờ mọi luật pháp quốc gia và quốc tế. Hơn nữa, loại hình này vẫn đang trên đà phát triển.
Đây là cảnh báo của các chuyên gia tại buổi họp báo Ngày Môi trường Thế giới 2016: Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 1-6 do Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức nhân sự kiện Ngày Môi trường Thế giới vào ngày 5-6 hàng năm.
Theo thống kê của UNODC, hàng năm, giá trị buôn bán động thực vật hoang dã trên toàn cầu ước tính từ 7-24 tỷ USD, và đã phát triển trở thành một trong những hoạt động buôn bán lớn nhất trên thế giới cùng buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người.
Đặc biệt, loại tội phạm này thường liên quan đến các hình thức tội phạm nghiêm trọng khác như: tham nhũng, gian lận, rửa tiền và làm hàng giả.
Tại Việt Nam, UNODC ước tính có đến 3.700-4.500 tấn các loài hoang dã được buôn bán và sử dụng cho các mục đích như: thực phẩm, dược phẩm, đồ trang sức, thú nuôi…
Phát biểu tại buổi họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, trong những năm qua, hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã diễn ra phức tạp, phương thức ngày càng tinh vi như: gian lận khai báo hải quan, trà trộn, cất giấu, ngụy trang hàng cấm để đưa vào Việt Nam.
“Vì thế, Việt Nam đang dần trở thành nơi trung chuyển động thực vật hoang dã từ Việt Nam đi các nước trong khu vực và giữa Châu Phi đi các quốc gia khác”, Trung tướng Trần Văn Vệ cho hay.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các cơ quan Nhà nước cùng các đơn vị trong Tổng cục Hải quan mà nòng cốt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hàng loạt các vụ buôn bán, vận chuyển động thực vật hoang dã bị bắt giữ.
Hiện Tổng cục Hải quan đang triển khai thêm nhiều biện pháp để siết chặt quản lý tình trạng này như: hoàn thiện thể chế, tăng cường hệ thống kỹ thuật và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng…
Theo UNODC, trong giai đoạn 2010-2015, Hải quan Việt Nam đã thu giữ khoảng 18.000 kg ngà voi, 55.200 kg tê tê và hơn 235 kg sừng tê giác cùng nhiều loài động thực vật khác từ các lô hàng trái phép ở Việt Nam.
Mặc dù số lượng các vụ bắt giữ không chỉ ở Việt Nam mà thế giới đều gia tăng, nhưng ông Christopher Batt, Quản lý Văn phòng UNODC tại Việt Nam cho rằng, các nỗ lực thực thi pháp luật đối với tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã vẫn thấp hơn so với các hoạt động buôn lậu khác. Hơn nữa, cơ quan điều tra thường bỏ qua các chủ doanh nghiệp là tội phạm cỡ lớn, do đó, mạng lưới của chúng không bị động tới nên vẫn ung dung hưởng những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Do đó, để cải thiện hơn nữa tình trạng trên, ông Christopher Batt đề nghị Việt Nam nên nhìn nhận một cách đầy đủ hơn về loại hình tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã, thực hiện điều tra toàn diện và thành lập các đội điều tra liên ngành chứ không nên chỉ có cơ quan Hải quan và cơ quan thực thi pháp luật như hiện nay.
Đặc biệt, việc điều tra cần sâu rộng hơn đến tận dòng tài chính của lô hàng để biết được người nhận cuối cùng, từ đó sẽ triệt phá được tận gốc mạng lưới buôn bán rộng lớn.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên xem xét việc sử dụng các hình thức tấn công tội phạm khác như: tham nhũng, đút lót, rửa tiền, trốn và gian lận thuế, vi phạm luật hải quan, buôn lậu… đề điều tra, truy tố đến cùng tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã.
Cuối cùng, đại diện của UNODC đề xuất Việt Nam cần tăng cường năng lực cho cán bộ Hải quan, cán bộ kiểm soát biên giới để phát hiện ngay hành vi vi phạm cùng với những biện pháp nâng cao về khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ.
Cũng về vấn đề này, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, buôn bán động thực vật hoang dã trái phép không chỉ đe dọa sự tồn tại của các loài mà còn làm xói mòn sự phát triển và sinh kế của cộng đồng.
Vì thế, việc xử lý hành vi buôn bán động thực vật trái phép rất cần đến những hành động tập thể, sự hợp tác ở cấp khu vực và quốc tế, nhắm tới những điểm nóng chiến lược nhất, chuyển trọng tâm sang ứng phó với những kẻ kiểm soát hành động buôn bán và những kẻ thao túng tham nhũng.