Động lực kinh tế mới và những dự báo tác động tới môi trường

ThienNhien.Net – Bên cạnh những thách thức về kinh tế, việc gia tăng hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do cũng tiềm ẩn những nguy cơ về môi trường.

Hội nhập kinh tế đi kèm cơ hội và thách thức

Với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp hơn 1,5 lần GDP trong những năm gần đây, Việt Nam được xem là quốc gia có nền kinh tế với “độ mở” khá cao. Tới nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là nước có nền kinh tế hướng ngoại mạnh mẽ nhất ASEAN. Với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hưởng lợi từ sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể từ FDI, đóng góp quan trọng vào GDP và kim ngạch xuất khẩu (65%).

Ảnh minh họa: Nguyễn Việt Dũng/PanNature
Ảnh minh họa: Nguyễn Việt Dũng/PanNature

Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, đánh dấu một bước dài trên con đường hội nhập, từ hội nhập khu vực nâng lên mức độ toàn cầu. Đến cuối năm 2013, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA khu vực (ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Úc – New Zealand, ASEAN – Ấn Độ) và 2 FTA song phương (VJEPA với Nhật Bản và FTA Việt Nam – Chile) với phạm vi và mức độ tự do hóa khác nhau. Mức độ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đã chuyển dần từ thấp lên cao, từ hẹp sang rộng, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế khu vực và thế giới. Cùng với 8 hiệp định thương mại tự do truyền thống, ngoài FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-ÂU (EAEU), FTA thế hệ mới với Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh việc chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12/2015.

FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, nội dung đều vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, đề cập nhiều đến thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ… và cả những quy định “ngoài kinh tế” hay “kinh tế chính trị“. Các FTA này khi có hiệu lực sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới thể chế của các bên liên quan. Tham gia các FTA sẽ giúp chúng ta có cơ hội cơ cấu lại xuất nhập khẩu lành mạnh hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Theo dự báo, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác sẽ tăng cao sau khi có FTA. Tuy nhiên, khía cạnh này được thể hiện rõ hơn trong quan hệ thương mại tự do với những đối tác có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc. Với các đối tác còn lại (ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ) tính bổ sung thấp, nếu như không nói là cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc.

Trong số các FTA, TPP hiện được coi là “hiệp định của thế kỷ 21”, hướng tới một sân chơi mới nhằm tạo ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế nên tiêu chuẩn và mục tiêu đặt ra rất cao. Đây cũng là một hiệp định có vị trí và tầm chiến lược quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay trên thế giới. TPP sẽ tạo điều kiện cân bằng lại quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các khu vực thị trường trọng điểm, tạo đột phá cho xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt từ các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại. Với các cam kết sâu và rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Do hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình này, TPP sẽ có tác dụng rất tốt để hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như tăng cường cải cách hành chính.

Mặc dù tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam là rất tích cực, song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp. Bài học sau 7 năm gia nhập WTO của Việt Nam cho thấy, cơ hội rất có thể trở thành thách thức nếu thiếu chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách nội tại cần thiết. TPP cũng có thể gây ra một số hệ quả về mặt xã hội, môi trường và thậm chí cả kinh tế đối với một số ngành. Những ngành vốn được bảo hộ nhiều và doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất, thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản. Còn đối với những ngành hàng được xem là có lợi thế khi tham gia TPP cũng có thể vấp phải không ít rào cản. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp khi mà sản xuất còn manh mún, năng suất sản xuất thấp, chất lượng chưa đảm bảo, đặc biệt khi thương hiệu ngành nông nghiệp quốc gia của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, tự vệ, chống bán phá giá tại các thị trường Việt Nam sắp tham gia FTA khi các hàng rào kỹ thuật thương mại và các yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường gia tăng.

Thách thức về tác động môi trường

Bên cạnh những thách thức về kinh tế, việc gia tăng hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do cũng tiềm ẩn những nguy cơ về môi trường.

Thứ nhất, việc nhập khẩu hàng hoá, vật tư, công nghệ… nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ dẫn Việt Nam đến nguy cơ trở thành bãi chứa các thiết bị, dây chuyền lạc hậu, nơi tiêu thụ những hàng hoá kém chất lượng. Thực tế hiện nay cho thấy tình trạng nhập khẩu các loại phế liệu sắt, thép, ắc quy, tàu cũ… để làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất vẫn đang tồn tại những bất cập, thậm chí cả những bất đồng không nhỏ giữa các cơ quan có thẩm quyền, nhà chức trách với thương nhân, doanh nghiệp. Với việc mở rộng xuất nhập khẩu thông qua các FTA, gia tăng ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia là một nguy cơ có thực nếu những thay đổi về chính sách, pháp luật và thực thi không theo kịp quá trình hội nhập.

Thứ hai, xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI đã từng được nhiều chuyên gia cảnh báo rằng sẽ ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao bởi các tiêu chuẩn về môi trường còn thấp. Hiện nhiều dự án FDI có điểm giống nhau là hướng đến khai thác tài nguyên (đất, nước, môi trường, năng lượng…) giá rẻ của Việt Nam. Một khi các địa phương vẫn chú trọng chạy theo thành tích tăng trưởng, không vì mục tiêu phát triển bền vững, bị động với ý đồ của nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng thì các dự án tận dụng và thậm chí tận diệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sẽ còn tiếp tục xuất hiện.

Thứ ba, trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu tiếp tục là định hướng để phát triển kinh tế của Việt Nam. Để gia tăng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 12-14% năm, chúng ta phải khai thác triệt để mọi nguồn lực tự nhiên như các loại tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên không tái tạo. Do vậy, nếu không chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu xuất khẩu sẽ dẫn đến việc khai thác quá mức, rừng bị tàn phá, tổn hại đến đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường tiếp tục ô nhiễm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mắc phải “lời nguyền tài nguyên”, có thể khiến “căn bệnh Hà Lan” bùng phát và ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững trong tương lai.

Thứ tư, tự do hoá thương mại thúc đẩy sự phát triển nhiều loại hình dịch vụ, làm thay đổi cách thức tiêu dùng của dân cư. Quá trình này mang tính hai mặt, một mặt nó tạo ra những tiền đề để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ môi trường, mặt khác nếu không quản lý và kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của các loại hình dịch vụ  (như lưu thông hàng hoá – đặc biệt là các chất gây ô nhiễm như xăng dầu, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống chợ, hệ thống dịch vụ ăn uống, các điểm giết mổ, các cơ sở sản xuất và chế biến, túi nilon, hệ thống kho thương mại …) thì nguy cơ ô nhiễm môi trường và các sự cố môi trường nảy sinh là vấn đề cần tính đến. Bên cạnh đó, nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, buôn lậu… có nguy cơ gia tăng theo tốc độ hội nhập cũng góp phần hủy hoại môi trường.

Thứ năm, dịch chuyển sản xuất (gia tăng đầu tư vào các ngành dệt, nhuộm, sắt, thép, lọc hóa dầu…) dẫn đến gia tăng nhu cầu năng lượng, đồng thời cũng là những ngành tiềm ẩn nhiều tác động môi trường. Trong khi đó, Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đây là vấn đề toàn cầu, và trong khi giải pháp ở các nước phát triển là từng bước loại bỏ chúng vì những thiệt hại quá lớn so với lợi ích thì dường như ở Việt Nam quy hoạch năng lượng vẫn khó thay đổi vì chúng ta phải phát triển nhiệt điện than bởi không có cách nào khác[1].”

Bên cạnh đó, việc mở rộng, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời kỳ hội nhập cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp. Cả nước có 12 triệu hộ gia đình, nhưng chỉ có 26,4 triệu ha đất nông nghiệp và 4,1 triệu ha đất lúa, trong khi chúng ta đang bê-tông hoá đất có cấu tượng với tốc độ khá cao. Khả năng khai thác, mở rộng diện tích để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và khó khăn. Hơn nữa, chúng ta lại là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH, nước biển dâng. Theo dự báo, đến năm 2020, có khoảng 6 nghìn ha đất lúa bị ảnh hưởng. Tác động của mực nước biển dâng cao do hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể là một thảm họa đối với Việt Nam, mà tác động lớn nhất sẽ xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Hoàn thiện chính sách hướng đến hội nhập

Khuyến khích tự do thương mại, mở cửa, hội nhập trong khi vẫn duy trì và tăng cường bảo vệ môi trường và các nguồn lợi tự nhiên là một trong những thách thức lớn của thập kỷ này. Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, trong tương lai nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% GDP tăng, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm[2]. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt cho cả hiện tại lẫn tương lai.

Trở ngại lớn nhất đối với các nư­ớc, đặc biệt là các nư­ớc đang phát triển như Việt Nam, là làm thế nào tận dụng được cơ hội của quá trình tự do hoá thư­ơng mại để phát triển kinh tế, đồng thời hạn chế đư­ợc những tác động tiêu cực của nó đối với các vấn đề xã hội và môi trư­ờng. Trong bối cảnh hiện nay, điều cần thiết là phải có cơ chế phối hợp khi xây dựng và triển khai các chính sách trong phát triển thư­ơng mại và bảo vệ môi trư­ờng ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hội nhập và công nghiệp hoá. Chiến lược tăng trưởng xanh (TTX) có thể được coi là một nỗ lực gần nhất của Việt Nam nhằm thúc đẩy hình thành định hướng phát triển bền vững.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa tự do hoá th­ương mại và bảo hộ sản xuất trong nước, giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng phải tìm được lời giải hợp lý với một lộ trình hội nhập khoa học. Nếu không, chúng ta khó tránh khỏi trở thành một thị trường tiêu thụ sản phẩm chất lượng thấp, máy móc – thiết bị với công nghệ lạc hậu mà hậu quả tới môi trường sinh thái là khôn lường. Mô hình tăng trư­ởng mà chúng ta đang theo đuổi chính là “cái bẫy” của sự phát triển thiếu bền vững. Muốn thay đổi, cần nhanh chóng cấu trúc lại thị trư­ờng, chú trọng trước hết mối quan hệ giữa thị tr­ường nội địa và thị trư­ờng ngoài nước, đồng thời với việc tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan trọng là chính sách ngoại th­ương.

Theo đó, hệ thống chính sách và cơ chế quản lý của nhà nước thời gian tới cần phải hướng đến những nội dung sau: 1/Hợp nhất các mục tiêu môi trường vào công tác kế hoạch hoá của quốc gia, các ngành, các tỉnh, cũng như kế hoạch hoá phát triển các đô thị. 2/ Chuyển dần quản lý môi trường từ chủ yếu thông qua các mệnh lệnh hành chính sang cơ bản là thông qua các biện pháp kinh tế, trong đó quản lý bằng mệnh lệnh hành chính chủ yếu được áp dụng đối với những khu vực mà nạn ô nhiễm đã lên tới mức báo động. 3/ Sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn các hành vi thương mại, tạo khuôn khổ pháp luật ổn định cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần hoạt động trong điều kiện cạnh tranh, kết hợp giải quyết tốt giữa yêu cầu tự do hoá thương mại với bảo vệ môi trường. 4/ Trước mắt chỉ cho phép xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng tinh chế cao, khuyến khích xuất khẩu những hàng hoá sử dụng các loại lâm sản thông dụng, có khả năng tái tạo nhanh, tiến đến hạn chế và cấm khai thác các lâm sản quý thuộc các khu vực rừng tự nhiên, chỉ được phép khai thác ở các khu vực tái tạo và trồng mới. 5/Khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến (kết hợp xem xét với yêu cầu của công nghệ xanh). Hạn chế nhập khẩu thiết bị, công nghệ trung gian nhằm ngăn chăn dòng thương mại về thiết bị – công nghệ cũ và lạc hậu đổ vào nước ta. 6/ Hạn chế số lượng, nâng mức thuế nhập khẩu lên cao, tiến đến thử nghiệm đấu giá các giấy phép nhập khẩu đối với những hàng hoá gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.

Trong thời đại ngày nay, không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển mà không chịu sự tác động của những quan hệ mang tính tổng hợp, khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, việc sửa đổi, bổ sung các pháp luật có liên quan, hoàn thiện và hoà hợp các chính sách, cơ chế nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại với các chính sách môi trường phải được coi là một giải pháp cấp thiết để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững.

Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu Thương mại


[1]Phát biểu của ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm năng lượng thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương). Nguồn: http://bit.ly/btcs00408

[2]http://bit.ly/btcs00409