ThienNhien.Net – Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang phải đối phó với những đợt hạn hán nặng nề bởi hiện tượng El Nino. Ấn Độ là một trong những quốc gia như vậy khi nước này đang phải đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán hoành hành trên khắp nơi. Điều này buộc Chính phủ Ấn Độ phải đưa ra các giải pháp cấp thiết.
Trên thực tế, trong những tuần qua, nền nhiệt độ trên khắp lãnh thổ Ấn Độ thường duy trì ở mức 40OC. Đáng chú ý, theo Cơ quan Khí tượng học Ấn Độ (IMD), nhiệt độ ở bang Rajasthan có lúc tăng lên 51OC, khiến phần lớn người dân ở bang này bị tác động bởi tình trạng khô hạn do đợt nắng nóng lần này. Riêng với nông dân, hạn hán nghiêm trọng khiến hàng chục nghìn người phải bỏ đất đai, nhà cửa lên thành phố kiếm sống. Cũng vì nguyên nhân này mà 454 nông dân trên khắp đất nước Ấn Độ tự tử trong hơn 4 tháng qua, cao hơn gần 100 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Hạn hán cũng gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng và đã có gần một nửa trong số 29 bang của quốc gia này đương đầu với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Maharashtra, Uttar Pradesh và Madhya Pradesh.
Đối phó với tình trạng này, Chính phủ Ấn Độ đã đề ra giải pháp chuyển nước từ các con sông chính để cứu những vùng bị hạn hán nặng nề, với hy vọng phục hồi một phần năng lực sản xuất. Theo Bộ trưởng Tài nguyên nước Ấn Độ, Uma Bharti, việc chuyển nước từ Sông Hằng và sông Brahmaputra đến những khu vực hạn hán là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Dự án kết nối các sông (Inter Linking of Rivers – ILR) bao gồm tuyến đường ống nối phục vụ vận chuyển nước, trong đó có 14 tuyến dựa vào nguồn nước của các sông băng trên dãy Himalaya ở phía Bắc đất nước và 16 tuyến khác nằm trên bán đảo Ấn Độ.
Theo bà U.Bharti, kết nối các con sông là dự án đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ kể từ khi giành độc lập vào năm 1947. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tiến hành những dự án khác nhằm cung cấp nước uống và nước tưới tiêu trong vài năm tới. ILR là dự án dài hạn sẽ tưới tiêu 35.000ha đất và sản xuất 34.000MW điện. Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải những phản đối của các nhà hoạt động môi trường do lo ngại sẽ gây ra thảm họa sinh thái. Tuy nhiên, dự án vẫn được triển khai theo lệnh của Tòa án Tối cao Ấn Độ.
Không chỉ có vậy, tháng 4 vừa qua, ông Eknath Khadse, (người đứng đầu vùng Maharashtra) đã quyết định chi 4,5 triệu USD triển khai dự án tạo mưa trong vòng 3 tháng. Quy trình tạo mưa nghe có vẻ khá đơn giản khi chính quyền thuê những chiếc máy bay nhỏ mang theo chất Sodium Chloride cùng hỗn hợp bột thuốc nổ dạng nhẹ “lao đầu” vào các đám mây lớn. Những ống Sodium Chloride này được bố trí hai bên cánh máy bay và khi phi công bấm nút, những chiếc ống này sẽ châm lửa phóng hàng nghìn tỷ các hạt muối siêu mịn vào bên trong những đám mây. Phân tử nước trên bầu trời sẽ kết dính với các hạt muối, qua đó trở nên “nặng” hơn và hình thành các đám mây nặng và giọt mưa. Tuy nhiên công việc này cũng khá khó khăn. Theo Giám đốc Điều hành Patrick Sweeney của Weather Modification, việc lựa chọn đám mây, địa điểm thả muối và khoanh vùng thả là vô cùng quan trọng bởi nếu không tính toán kỹ, trời sẽ không mưa như dự kiến. Thêm vào đó, kể cả khi có mưa, các nhân viên phải bảo đảm khu vực trời mưa đúng là vùng cần nước theo như nhu cầu, bằng không tất cả cố gắng sẽ thành “công cốc”.
Với Ấn Độ, cuộc chiến chống hạn quả thật nhiều gian nan và quan trọng đây cũng có thể là tương lai của rất nhiều nước nếu những nỗ lực chống biến đổi khí hậu không nhận được sự đồng lòng của tất cả các quốc gia.