ThienNhien.Net – Ngày 27/5, đại diện Bộ Môi trường Peru, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy (Norad) đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá 6,1 triệu USD cho dự án bảo tồn rừng Amazon tại quốc gia Nam Mỹ này.
Khoản giải ngân đầu tiên này là một phần trong gói hỗ trợ tài chính lên đến 300 triệu USD mà Na Uy dành cho Peru và được triển khai thông qua UNDP.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra tại New York (Mỹ) vào năm 2014, Peru, Đức và Na Uy đã ký Tuyên bố chung về việc giảm tỷ lệ phá rừng và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tại Peru.
Peru, với 60% lãnh thổ được bảo phủ bởi rừng Amazon, đang đối mặt với mối đe dọa từ nạn phá rừng và suy thoái rừng.
Theo thống kê của UNDP, hơn 11.800 ha rừng bị phá hủy hàng năm tại quốc gia Nam Mỹ này.
Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ và là đại diện cho bản sắc văn hóa của các cộng đồng người thổ dân bản địa sinh sống tại đó.
Với diện tích gần 7 triệu km2, rừng Amazon trải dải trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname.
Khoảng 60% diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil và 13% nằm trên lãnh thổ Peru.
Rừng rậm Amazon được coi là lá phổi của Trái Đất và là ngôi nhà sinh thái của hàng nghìn loài động thực vật.
Mỗi năm “lá phổi hành tinh” Amazon hấp thụ khoảng 25% trong tổng số 2,4 tỷ tấn khối khí CO2 mà cây xanh trên toàn Trái Đất “xử lý.”
Do đó, việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm và các loại tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên sinh vật tại khu vực này, cũng chính là nhằm bảo vệ sự tồn tại và phát triển của thế giới loài người.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác mỏ và chăn nuôi gia súc bên cạnh xây dựng đập thủy điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái khu rừng lớn nhất Nam Mỹ này.