ThienNhien.Net – Theo nguyên tắc của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để được hưởng ưu đãi thuế, hàng hóa phải được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước thành viên. Đối với Việt Nam, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi lớn về dòng vốn đầu tư nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực như dệt nhuộm và thuộc da, vốn là những ngành có tác động lớn đến môi trường. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số vấn đề môi trường do thay đổi dòng vốn đầu tư dưới tác động của TPP.
Dịch chuyển sản xuất
Theo cam kết trong TPP, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ đối với hầu hết các hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo cơ chế này, các quốc gia thành viên sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau. Chẳng hạn, việc nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam sẽ thuận lợi hơn do điều kiện khí hậu tốt và chi phí nhân công rẻ. Ngược lại, việc sản xuất dược phẩm ở Mỹ sẽ hiệu quả hơn do có nguồn nhân lực trình độ cao và kinh nghiệm sản xuất. Khi đó, TPP tự phân loại và định hướng các dòng vốn đầu tư đến những khu vực sản xuất thuận lợi hơn. Nói cách khác, TPP sẽ giúp các quốc gia tập trung hóa sản xuất. Những lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao sẽ có xu hướng tăng trưởng nhanh trong khi những lĩnh vực sản xuất khác có thể bị thu hẹp.
Căn cứ trên số liệu về kim ngạch xuất khẩu thì sản xuất linh kiện điện tử, dệt may, da giày, thủy sản và đồ gỗ có thể được coi là những ngành thế mạnh của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu sản phẩm may mặc và giày dép với thị trường tiêu thụ chính là EU, Mỹ và Nhật Bản. Do đó, việc dỡ bỏ thuế quan sẽ tạo động lực lớn để thu hút vốn đầu tư vào những ngành sản xuất này.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
Bên cạnh đó, TPP và các hiệp định thương mại tự do khác đều đề cấp đến nguyên tắc xuất xứ hàng hóa. Để có thể hưởng ưu đãi cắt giảm thuế quan, hàng hóa sản xuất tại các nước thành viên phải đáp ứng những quy tắc xuất xứ trong các hiệp định. Trong hầu hết các hiệp định của Asean hiện nay, tiêu chí xuất xứ yêu cầu hàm lượng giá trị khu vực đạt trên 40% (Trung tâm WTO, 2015). Còn theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, để có thể hưởng ưu đãi về thuế, sản phẩm phải sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam hoặc từ các đối tác khác của EU. TPP cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ là “từ sợi trở đi”. Có nghĩa, để nhận được ưu đãi thuế, sản phẩm xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu được sản xuất tại Việt Nam, hoặc từ những quốc gia thành viên khác của Hiệp định.
Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu bên ngoài. Cụ thể, khoảng 70% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, 50% nguyên phụ liệu ngành da giày và 80% nguyên phụ liệu ngành gỗ được nhập khẩu từ những quốc gia không phải là thành viên TPP. Để hưởng ưu đãi thuế, các nhà máy ở Việt Nam bắt buộc phải sử dụng nguyên liệu trong nước. Khi đó, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu nội địa rất lớn của các nhà máy gia công, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm và thuộc da sẽ có xu hướng tăng nhanh. Đơn cử, Tập đoàn Dệt may Vinatex đang đầu tư xây dựng khu công nghiệp riêng cho các dự án dệt nhuộm tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam định để đón các đối tác truyền thống từ Trung Quốc sang Việt Nam sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy gia công của Vinatex.
Số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Số lượng các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam là 1.100 dự án vào năm 2012, 1.530 dự án vào năm 2013 và 1.843 dự án vào năm 2014. Chỉ tính đến 6 tháng năm 2015, số dự án FDI đăng ký mới đã đạt 757 dự án với vốn đăng ký 3.839 triệu USD. Đặc biệt, nhiều dự án quy mô lớn đã được đầu tư trong lĩnh vực dệt may (FIA, 2015). Riêng năm 2015, Nam Định đã tiếp nhận 15 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may, chủ yếu từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc.
Các dự án dệt nhuộm quy mô lớn ở Nam Định
· Dự án mở rộng nhà máy dệt nhuộm Sơn Nam, vốn đầu tư 268 tỷ đồng · Dự án xây dựng nhà máy sản xuất, giặt nhuộm các sản phẩm may mặc Junzhen, vốn đầu tư 25 triệu USD · Dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise, vốn đầu tư 77 triệu USD · Dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm Sung Nam Knitting Mills, vốn đầu tư 25 triệu USD · Dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm vải Denim, vốn đầu tư 38 triệu USD · Dự án xây dựng nhà máy dệt Sợi dệt nhuộm Yulun, vốn đầu tư 68 triệu USD (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định) |
Nguy cơ ô nhiễm
Thực tế cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, thuộc da, đồ nội thất vào Việt Nam. Đây cũng là những ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Theo đánh giá về ô nhiễm trong công nghiệp chế biến ở Việt Nam do Ngân hàng thế giới phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công thương thực hiện năm 2007, những ngành công nghiệp gây ô nhiễm ở mức độ cao gồm có gốm sứ, xi măng, sản xuất thiết bị điện, chế biến thực phẩm, dệt nhộm, sản xuất hóa chất phân bón, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, giấy, nhựa và da giày (ICEM, 2007)
Đối với ngành dệt nhuộm, vấn đề môi trường chính là tạo ra nước thải với mức độ ô nhiễm cao. Công ty Dệt may Nam Định và Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đã bị đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003 và việc di dời 2 cơ sở này gặp rất khó khăn, kéo dài trong nhiều năm. Ban Quản lý Khu Công nghiệp Bảo Minh (Nam Định) cho biết, chi phí xử lý nước thải dệt nhuộm rất đắt đỏ khoảng 22.000 VNĐ/m3 và để đạt được các Quy chuẩn Môi trường đối với nước thải là rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều Doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng công nghệ lạc hậu nên nước thải đậm đặc và rất khó xử lý.
Một vấn đề khác cần quan tâm là việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu. Theo đánh giá của Bộ KH&CN, đa số công nghệ chuyển giao có trình độ ở mức độ trung bình, một số ở mức độ lạc hậu. Đặc biệt, một số trường hợp chuyển giao là công nghệ thanh lý ở nước đầu tư, gây nguy cơ thành bãi thải công nghệ (Bùi Văn Hùng, 2013). Còn theo thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu, 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu. Không ít trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khai tăng giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ.
Điều đáng nói là mặc dù tiềm ẩn nhiều tác động môi trường, các dự án vẫn được chấp nhận ở nhiều nơi, đặc biệt ở những địa phương chưa có nhiều ưu thế thu hút đầu tư. Đại diện Sở KH & ĐT tỉnh Nam Định cũng cho biết chưa có dự án đầu tư nào bị từ chối trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, chỉ có một số địa phương như Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đã có quyết định tạm dừng đầu tư đối với một số ngành có nguy cơ ô nhiễm cao như chế biến hải sản, chế biến tinh bột sắn hay dệt nhuộm.
Cần những công cụ chính sách hiệu quả hơn
TPP sẽ có tác động lớn đến việc thay đổi dòng vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa. Với tư cách là một thành viên tham gia TPP, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận nhiều dòng đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chủ yếu mới tiếp cận được các dự án đầu tư nông nghiệp và các dự án sản xuất công nghiệp ở mức độ trung bình thấp như nội thất, gia giày hay dệt may. Đây cũng là những ngành sản xuất có tác động rất lớn đến môi trường . Trong bối cảnh đó, việc xây dựng những công cụ chính sách hiệu quả hơn để rà soát và loại bỏ các dự án không hiệu quả, có nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường và xã hội là vô cùng cấp thiết.
TPP cũng có những quy định về giải quyết tranh chấp theo Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS). Theo đó, chủ đầu tư có quyền khởi kiện chính phủ nếu quyền lợi của họ bị ảnh hưởng bởi những quyết định được cho là không hợp lý từ phía cơ quan quản lý. Để tránh nguy cơ này, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy cải cách và tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước thông qua các biện pháp như công khai thông tin và tạo cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội.
TPP cũng có những quy định khá chi tiết về bảo vệ môi trường, tham vấn công khai và giải quyết tranh chấp. Để có thể chuẩn bị cho việc thực thi, Việt Nam cần phân tích kỹ các điều khoản của TPP và rà soát lại hệ thống chính sách. Đặc biệt, nội dung về môi trường và các điều khoản liên quan cần được phân tích kỹ hơn. Nếu xác định được các khoảng trống giữa chính sách Việt Nam và yêu cầu của TPP, Việt Nam cần sửa đổi và cải thiện chính sách nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, Việt Nam đã có những bài học lớn về quản lý vốn FDI. Đã đến lúc, chúng ta không thể sử dụng nguồn lao động rẻ và sự lỏng lẻo trong công tác bảo vệ môi trường để làm động lực đầu tư. Để có thể giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng đầu tư, cần có kế hoạch tổng thể như tăng cường tính minh bạch và ổn định môi trường đầu tư cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trần Thanh Thủy, Nick Thorpe và Nguyễn Hồng Huế/ Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Tài liệu tham khảo
Bùi Văn Hùng (2013). Chuyển giao công nghệ thông qua các dự án FDI và những vấn đề đặt ra. Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ, 15/2013.
FIA (2015) Tình hình đầu tư nước ngoài năm 2015. Nguồn: http://bit.ly/btcs00410
GSO (2013). Xuất nhập khẩu hàng hóa.
Kevin Granville (2015). The Trans-Pacific Partnership Trade Accord Explained. International Business.
Lee G. Branstetter và Gary Clyde Hufbaue (2015). The Case for TPP: Rebutting the Naysayers.
Peter Petri and Michael Plummer (2012). The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Integration: Policy Implications. Peterson Institute for International Economics., Number PB1.