ThienNhien.Net – “Các tỉnh thậm chí hạ thấp tiêu chuẩn môi trường đối với dệt, nhuộm, luyện kim… thu hút đầu tư nước ngoài xuất khẩu ô nhiễm vào Việt Nam”, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết.
Tại hội thảo Thương mại tự do: Dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam diễn ra sáng 27/5, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vì Việt Nam có ưu đãi sử dụng tài nguyên, lao động giá rẻ và 57 nền kinh tế ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Cũng theo ông Doanh, Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, liên tục sửa đổi, bổ sung nhưng Luật đầu tư nước ngoài ban hành trong bối cảnh Việt Nam bao vây cấm vận nên Việt Nam muốn phá vỡ thế bao vây, dành ưu đãi lớn cho nhà đầu tư.
Ưu đãi được đề cập đến như miễn thuế đất tiếp cận tài nguyên giá rẻ, thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm cho đến khi có lợi nhuận, có thể miễn tiếp vì vậy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã từng tăng vọt.
“Đầu tư nước ngoài cam kết lớn, tận dụng tài nguyên và lao động giá rẻ, nhà đầu tư nước ngoài đang nhảy vào Việt Nam nếu không nỗ lực lớn lợi ích từ các FTA chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài hưởng vì họ đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu có lợi”, ông Doanh nói.
Câu hỏi được ông Doanh đặt ra tại hội thảo: “Vậy Việt Nam công nghiệp hoá như thế nào để giữ môi trường trong lành?”.
Vị chuyên gia này dẫn chứng hạn hán, ngập mặn ở miền Nam, cá chết ở miền Trung là báo động đỏ về môi trường.
Cụ thể, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại khoảng 6.400 tỷ, tương đương 287 triệu USD, 2 triệu người thiếu nước, 1,2 triệu người cần giúp đỡ… Tác động lâu dài phải cơ cấu lại nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, đổi mới công nghệ, giảm diện tích trồng lúa.
Tại miền Trung, cá chết, ô nhiễm kim loại nặng tác động lâu dài. “Sai lầm nghiêm trọng đối với Formosa là cho phép xả thải thẳng ra biển không có kiểm soát độc lập của bộ máy nhà nước. Đây là câu chuyện tự mình phá bỏ Luật bảo vệ môi trường của mình và không thực hiện quyền kiểm soát, giao trứng cho ác”, ông Doanh nêu quan điểm.
Mặc dù cho biết, đầu tư nước ngoài đóng vai trò tích cực, chiếm 50% sản lượng công nghiệp, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam… nhưng, ông Doanh cho biết lòng tham từ FDI và yếu kém từ quản lý nhà nước được thể hiện qua các sự kiện như Vedan xả thải sông Thị Vải, Tung Kuang (Phú Thọ), xi măng Chinfong (Hải phòng) đều được phát hiện quá muộn.
“Để thu hút đầu tư nước ngoài, cạnh tranh với các tỉnh khác kéo đầu tư nước ngoài vào, các tỉnh đua nhau miễn tiền thuê đất, chi phí tài nguyên rừng thấp, thậm chí có doanh nghiệp đầu tư vào sợi và dệt gây ô nhiễm Đà Nẵng đã đuổi, sau đó tỉnh khác lập tức “bê” ông này về và hạ thấp tiêu chuẩn xuống”, TS. Doanh dẫn chứng.
“Các nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu ô nhiễm vào Việt Nam, đưa sang Việt Nam công nghiệp luyện kim, xi măng, dệt nhuộm, Trong khi, Đài Loan không có nhà máy xi măng hoặc núi vẫn còn y nguyên, núi tại Việt Nam không những bị cạo trọc, lâu lâu còn biến mất khai thác đá, sản xuất xi măng”, ông Doanh cho biết thêm.
Theo đó, vị chuyên gia này kiến nghị, cần thay đổi cách chạy theo tăng trưởng GDP bằng một hệ thống tiêu chí, dùng chỉ tiêu GNI thay vì GDP, có tiêu chí xã hội môi trường để tăng trưởng bền vững. Cụ thể, GNI= GDP + lợi nhuận từ nước ngoài chuyển về – lợi nhuận FDI chuyển về nước họ.
Thứ hai, phải có chế tài và khung rõ ràng chấm dứt ưu đãi tài nguyên giá rẻ. Tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI về tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường khói bụi, nước thải, tiếng ồn ngay từ khâu thiết kế và lựa chịn công nghệ đến thi công vận hành.
“Tránh các tỉnh đua nhau thu hút FDI, biến Việt Nam thành bãi rác thả công nghiệp và thu hút FDI bằng hi sinh môi trường sống của người dân Việt Nam”, ông Doanh kết luận.