ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu mới đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực gây nhiều ô nhiễm được đầu tư vào nước ta. Thông tin này một lần nữa đặt ra vấn đề cấp bách về việc chuyển mạnh từ thu hút đầu tư về số lượng sang chất lượng và phát triển bền vững.
Theo một báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố, chỉ có 66% trong số khoảng 300 khu công nghiệp hiện nay là có trạm xử lý nước thải tập trung. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 75% khu công nghiệp và 85% cụm công nghiệp chưa được xử lý nước thải tập trung.
Đánh giá về vấn đề này, ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Liên minh châu Âu (Mutrap) cho rằng, tuy pháp luật Việt Nam về môi trường và bảo vệ môi trường đã tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng việc thực thi còn yếu. Theo ông Claudio Dordi, để làm tốt khâu thực thi, đòi hỏi phải có những hoạt động nhất định từ phía Chính phủ, để nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng cũng như nâng cao sự hiểu biết của DN về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật về môi trường, giải thích rõ những tác động tiêu cực khi DN không tuân thủ.
Một thực tế khác là mặc dù Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập DN đều có chính sách ưu tiên các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường và xử lý chất thải, nhưng chỉ 5% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có công nghệ cao, 80% công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao. Có lẽ những ưu đãi như thuế vẫn chưa đủ để nâng cao chất lượng đầu tư.
Như vậy, đã đến lúc cần thực sự thay đổi tư duy thu hút đầu tư, từ số lượng sang chất lượng và phát triển bền vững. Không chỉ thu hút dự án đầu tư có công nghệ sạch, thuộc ngành ít phát thải mà cần có cơ chế khuyến khích mạnh hơn với các dự án đầu tư trực tiếp liên quan đến lĩnh vực xử lý phát thải. Nhìn lại 30 năm đổi mới và mở cửa vừa qua, chúng ta mới chỉ thu hút được chưa đến 30 dự án về cấp nước và xử lý chất thải. Số dự án này chỉ chiếm 0,2% trong số 16 nghìn dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang còn hiệu lực. Đây là con số khách quan nhất cho thấy yêu cầu cấp bách phải đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.