Một số vấn đề về áp dụng quy chuẩn kỹ thuật trong kiểm soát nguồn thải

ThienNhien.Net – Câu chuyện cá chết dạt vào dải ven biển Bắc Trung Bộ trong tháng 4/2016 làm cả nước xôn xao. Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, không ít bài viết đã đưa ra những phân tích về nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của sự cố này, trong đó có những ý kiến liên quan đến việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN) về môi trường trong kiểm soát nguồn thải và bảo vệ chất lượng môi trường tiếp nhận chất thải. Nhận thấy đây là một nội dung quan trọng nhưng chưa được các bên liên quan hiểu rõ, thậm chí chưa được quy định đầy đủ và chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật, bài viết dưới đây hy vọng có thể cung cấp một số thông tin về việc áp dụng QCVN về môi trường và mối liên quan với công cụ quy hoạch môi trường trong quản lý, kiểm soát xả thải hiện nay ở nước ta để Quý độc giả tham khảo.

Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về môi trường và QCVN về môi trường được xây dựng trên cơ sở nào?

Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi so sánh QCVN 10:2015/BTNMT về chất lượng nước biển, QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp và QCVN 52:2013/BTNMT về nước thải sản xuất thép.

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng. Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên một hoặc tất cả những căn cứ sau đây: 1) Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; 2) Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; 3) Kinh nghiệm thực tiễn; 4) Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.

Quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng dựa trên một hoặc tất cả những căn cứ sau đây: 1) Tiêu chuẩn quốc gia; 2) Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; 3) Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; 4) Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.

Như vậy, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia QCVN quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng môi trường xung quanh và về chất thải được xây dựng và ban hành tuân thủ theo các quy định chung của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Tương tự như nhiều nước trên thế giới, hệ thống QCVN về môi trường bao gồm: 1) QCVN về chất lượng môi trường; 2) QCVN về chất thải; 3) QCVN về độ ồn, rung. QCVN về chất lượng môi trường và QCVN về độ ồn, rung được xây dựng dựa trên giá trị giới hạn tối đa cho phép của các thông số đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và hệ sinh thái, do đó có thể dựa trên kinh nghiệm của các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài. Trong khi đó, QCVN về chất thải được xây dựng nhằm đảm bảo các chất thải khi thải ra môi trường không làm thay đổi chất lượng môi trường đến mức vượt quá quy định trong các QCVN về chất lượng môi trường tương ứng, do đó phải dựa trên các kết quả nghiên cứu, đánh giá hiện trạng (và dự báo tương lai) về chất lượng môi trường tiếp nhận, chính xác hơn là hiện trạng và tương lai của sức chịu tải của môi trường ở từng khu vực xả thải. Ngoài ra, trong khi QCVN về chất lượng môi trường ít thay đổi theo thời gian (trừ khi khoa học phát hiện ra các thông số ô nhiễm mới hoặc có sự thay đổi về ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái), thì QCVN về chất thải cần phải được soát xét và xây dựng lại theo sự thay đổi về sức chịu tải môi trường tiếp nhận.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Áp dụng QCVN về môi trường trong kiểm soát nguồn thải

Các nguồn xả thải từ các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân sinh phải tuân thủ tất cả QCVN về chất lượng môi trường (không khí, nước mặt, nước ngầm, đất, nước biển, trầm tích sông và biển); QCVN về chất thải (khí thải, nước thải thải, chất thải rắn; và QCVN về độ ồn, rung. Trong phạm vi của bài này, các QCVN áp dụng trong kiểm soát nước thải là QCVN 08:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt; QCVN 09:2015/BTNMT về chất lượng nước dưới đất; QCVN 10:2015/BTNMT về chất lượng nước biển; QCVN 14:2018/BTNMT về nước thải sinh hoạt; QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp (sau đây khi dẫn chiếu sẽ chỉ nêu số hiệu đầu tiên của quy chuẩn, ví dụ QCVN 40). Để cụ thể hơn đối với từng tính chất nguồn tiếp nhận, có các QCVN về chất lượng nước sinh hoạt, QCVN về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh, QCVN về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu. Đối với một số ngành sản xuất và dịch vụ đặc thù thì có QCVN về nước thải ngành, như nước thải công nghiệp chế biến cao su thiên nhiên, nước thải chế biến thủy sản, nước thải công nghiệp giấy và bột giấy; nước thải của kho và cửa hàng xăng dầu; nước khai thác thải từ các công trình khai thác dầu khí trên biển; nước thải của công nghiệp sản xuất thép; nước thải sản xuất cồn nhiên liệu; nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn; nước thải y tế…

Các QCVN về chất lượng nước quy định giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước đối với một số mục đích sử dụng nước điển hình. Các QCVN về nước thải ngoài quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải tùy theo mục đích sử dụng nước của nguồn tiếp nhận, còn đưa ra hệ số lưu lượng nguồn thải và hệ số lưu lượng/dung tích nguồn tiếp nhận. Ngoài ra, giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm quy định trong QCVN về nước thải thường cao hơn giá trị giới hạn của các thông số tương ứng trong chất lượng nước, vì thực tế các chất ô nhiễm khi thải ra môi trường có thể được xử lý tiếp nhờ khả năng tự làm sạch tự nhiên của nguồn tiếp nhận, tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận nước thải (còn gọi là sức chịu tải) của môi trường nước tiếp nhận.

So với hệ thống tiêu chuẩn nước thải của một số nước, quy định trong các QCVN về nước thải của Việt Nam hiện nay tỏ ra lỏng lẻo hơn nhiều. Trong khi hầu hết các nước tiên tiến đều có bộ tiêu chuẩn nước thải đồ sộ, quy định chi tiết giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải cho từng lưu vực sông cụ thể, thậm chí đến từng đoạn lưu vực, từng hồ và sông nhánh, thì ở Việt Nam chỉ QCVN mới chỉ quy định theo lưu lượng hoặc dung tích nguồn tiếp nhận. Có thể hiểu là Việt Nam chưa chú ý đến tính chất của nguồn tiếp nhận nước thải, đặc biệt là sức chịu tải (khả năng tự làm sạch). Khả năng tự làm sạch của môi trường nước không chỉ phụ thuộc vào lưu lượng (hay dung tích) của bản thân lưu vực, sông, hồ, mà còn phụ thuộc vào tổng lượng thải từ tất cả các nguồn thải và tác động cộng hưởng, tích lũy do tương tác giữa các chất ô nhiễm từ các nguồn thải khác nhau. Khả năng này chỉ có thể tính toán và dự báo dựa trên các nghiên cứu thực tế và rõ ràng là khác nhau đối với từng lưu vực, từng đoạn sông, hồ.

QCVN về nước thải ngành được xây dựng trên cơ sở lựa chọn một số thông số ô nhiễm đặc thù cho ngành từ QCVN 40. Thông thường giá trị tối đa cho phép của các thông số đặc thù này trong nước phải vẫn phải tuân thủ QCVN 40, tuy nhiên 1 vài thông số có thể được quy định “dễ dàng” hơn, tức là có giá trị tối đa cao hơn giá trị tối đa quy định trong QCVN 40, với lý do đối với một số ngành đặc thù việc xử lý các chất ô nhiễm này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, chi phí cao và hiệu quả thấp. Việc ban hành tiêu chuẩn ngành là thông lệ quốc tế, nhằm mục đích để doanh nghiệp và cơ quan quản lý môi trường lựa chọn địa điểm xả thải phù hợp: hoặc tại nơi môi trường nước tiếp nhận còn có khả năng tự làm sạch cao; hoặc tại nơi có hệ thống xử lý nước thải tập trung có thể nhận để xử lý tiếp nước thải các ngành đặc thù này đến tiêu chuẩn tương ứng. Quy hoạch địa điểm bố trí các dự án theo sức chịu tải/ khả năng tiếp nhận chất thải của nguồn tiếp nhận chính là nhiệm vụ của quy hoạch môi trường.

Vai trò của quy hoạch môi trường trong kiểm soát nguồn thải

Trước hết cần phân biệt 2 khái niệm “quy hoạch môi trường” và “quy hoạch bảo vệ môi trường”.

Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) lần đầu tiên được luật hóa ở nước ta trong Luật BVMT 2014, theo đó “Quy hoạch bảo vệ môi trường là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững”.

Trong khi đó, quy hoạch môi trường được đề cập trong nhiều quy định và đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Có thể hiểu quy hoạch môi trường là một quy hoạch không gian với mục tiêu trọng tâm là phát triển bền vững. Đó là một quá trình ra quyết định với việc xem xét đồng thời các yếu tố quản trị về môi trường, chính trị, xã hội và kinh tế, nhằm quản lý các mối quan hệ tồn tại trong và giữa các hệ thống tự nhiên và các hệ thống xã hội một cách hiệu quả, minh bạch và công bằng vì lợi ích của tất cả các thành phần của các hệ thống này ở hiện tại và cho tương lai.

Có thể minh họa đơn giản như sau để rõ hơn sự khác nhau của 2 loại quy hoạch này: một loại hình nhà máy có tiềm năng thải nhiều chất thải độc hại (ví dụ dệt nhuộm, luyện gang thép, lọc hóa dầu, nhiệt điện…) chỉ có thể được xây dựng và hoạt động ở vị trí đã được nêu trong quy hoạch môi trường, sao cho nước thải và/hoặc khí thải từ nhà máy này không làm thay đổi giá trị giới hạn cho phép các thông số quy định trong chất lượng môi trường xung quanh (nước mặt, nước biển, không khí). Nếu vì lý do cần cơ sở hạ tầng hỗ trợ (cảng, hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước và thoát nước, điện,…) thì phải lựa chọn nơi có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung, đã được xây dựng và vận hành theo quy hoạch bảo vệ môi trường, để đảm bảo không gây tác động bất lợi cho môi trường xung quanh. Dĩ nhiên trong cả 2 trường hợp, chất thải đều phải xử lý đạt QCVN ngành tương ứng trước khi thải ra ngoài môi trường tiếp nhận hoặc vào hệ thống xử lý tập trung.

Như vậy, cả 2 công cụ quy hoạch này đều đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nguồn thải, nhằm đảm bảo môi trường xung quanh (trong trường hợp đang đề cập là môi trường tiếp nhận nước thải) luôn duy trì được chất lượng theo quy định của các QCVN tương ứng về chất lượng nước mặt và về chất lượng biển.

Quy hoạch môi trường được áp dụng trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhằm mục đích phân tích và giảm thiểu các tác động môi trường của các dự án phát triển đề xuất và chỉ ra các điểm xả thải phù hợp theo quy hoạch môi trường để đảm bảo rằng những dự án này đáp ứng tất cả các quy định.

Quy hoạch môi trường có liên hệ mật thiết với sức chịu tải của môi trường tiếp nhận. Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự hồi phục. Như vậy, trong quy hoạch môi trường việc phân tích sức chịu tải của môi trường được sử dụng để định hướng các quyết định phân bổ sử dụng đất, sử dụng nước và sử dụng tài nguyên thiên nhiên khác cho các hoạt động phát triển, nhằm đảm bảo không vượt quá năng lực của môi trường. Trong trường hợp xả thải các chất ô nhiễm vào môi trường nước, sức chịu tải là khả năng tự làm sạch của nguồn nước tiếp nhận nước thải để chất lượng môi trường nước đáp ứng tiêu chuẩn/quy chuẩn tương ứng. Sức chịu tải của môi trường không phải là bất biến mà thay đổi theo thời gian do điều kiện tự nhiên thay đổi (đặc biệt do biến đổi khí hậu làm thay đổi nhiệt độ, lưu lượng dòng chảy) và nhất là do gia tăng các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội trong toàn lưu vực dẫn đến gia tăng số lượng và chất lượng nguồn xả thải. Vì vậy quy hoạch môi trường cần dự báo được sự những sự thay đổi này trong kỳ quy hoạch và định hướng bố trí các dự án phát triển phù hợp với quy hoạch xả thải trên cơ sở đánh giá và dự báo sức chịu tải của môi trường tiếp nhận.

Xét trên góc độ quy hoạch xả thải nói riêng, quy hoạch môi trường nói chung, nếu chỉ dựa vào các QCVN về nước thải như hiện nay thì chưa đáp ứng yêu cầu kiểm soát xả thải. Rất nhiều lưu vực sông có quá nhiều nguồn thải từ các doanh nghiệp, từ các hoạt động thương mại, du lịch và dân sinh, ngay cả khi từng nguồn thải đáp ứng QCVN 40 thì môi trường nước tiếp nhận vẫn bị quá tải, tức là từng đoạn sông, thậm chí cả lưu vực, không còn khả năng tự làm sạch, dẫn tới ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, việc bố trí các ngành đặc thù không dựa trên quy hoạch môi trường (tức là không có lựa chọn vị trí dựa trên tính chất nhạy cảm của môi trường đối với các thông số đặc thù của các ngành này) đã dẫn đến bất cập gây nhiều tranh cãi là trong khi hoạt động của các ngành đặc thù tuân theo QCVN về nước thải cho ngành với một vài thông số ô nhiễm có giá trị giới hạn cho phép cao hơn các giá trị tương ứng quy định trong QCVN 40, thì có nhiều hoạt động công nghiệp khác cùng thải vào nguồn tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt hơn của QCVN 40.

Kết luận

Thực chất, quản lý xả thải và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước nhằm mục đích cuối cùng là giảm tổng tải lượng các chất ô nhiễm thải vào vùng nước tiếp nhận thông qua xác định các mục tiêu cần quản lý (các thông số cơ bản quyết định chất lượng nguồn nước) trong mối liên quan đến sức chịu tải của môi trường tiếp nhận, từ đó quy định tổng tải lượng thải tối đa cho phép và mức độ xả thải cho từng nguồn thải. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước thải cần phải được xây dựng trên cơ sở mục đích cơ bản này, có lưu ý xem xét tính khả thi của các phương pháp xử lý nước thải và giảm thiểu chất ô nhiễm đến mức tối đa, sao cho tính bền vững của môi trường tự nhiên và sinh thái được gìn giữ và duy trì cho các thế hệ tương lai..

Hệ thống quản lý xả thải và kiểm soát ô nhiễm nước đòi hỏi phải có tính hợp lý, công bằng và khả thi để được toàn xã hội và cộng đồng chấp nhận và tin tưởng, và vì thế đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý.

Lê Hoàng Lan (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam)


Tài liệu tham khảo

1. Claudia Copeland (Congressional Research Service, USA) (September 2012) – Clean Water Act and Pollutant Total Maximum Daily Loads (TMDLs)

2. Office of Environmental Management of Enclosed Coastal Seas (Water Environment Division, Environmental Management Bureau, Ministry of the Environment, Japan) (April 2011) – Guidance for Introducing the Total Pollutant Load Control System (TPLCS)

3. Katsuhiko Naito (September 2010) – Pollution control Policy in Japan

4. State of Hawaii Department of Health (Environmental Planning Office) (October 2002) – How to Reduce Pollutant Loads and Improve Water Quality in Kawa Stream (Kane`ohe, O`ahu). A Total Maximum Daily Load Implementation Plan for watershed health

Nguồn: