ThienNhien.Net – UBND TP HCM vừa có thông báo khẩn gửi các sở, ngành liên quan đến tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan đề ra giải pháp lâu dài, sớm xây dựng nhà máy xử lý nước thải để giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm nước kênh.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được cải tạo, nâng cấp thì chất lượng nước kênh khu trung tâm này được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ba năm gần đây mỗi khi có mưa chuyển mùa lại xuất hiện tình trạng cá nổi trên mặt nước hoặc chết. Sau cơn mưa đầu mùa ngày 16/5, cá trên kênh này lại chết với số lượng nhiều hơn mọi năm.
Tính đến hết ngày 18/5, các đơn vị vệ sinh môi trường đã vớt được gần 80 tấn cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, sau cơn mưa vào chiều tối ngày 16/5. Theo đại diện Trung tâm Công nghệ môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, điều kiện để cá sống khỏe mạnh cần đảm bảo lượng ô xy hòa tan trong nước lớn hơn 4 mg/lít.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, đơn vị này đã phân tích mẫu nước tại khu vực cá chết vào ngày 17/5 trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn từ Cầu Khánh Dư (Quận 1) đến Cầu số 1 (Q.Tân Bình) là do ô nhiễm bùn hữu cơ sinh ra khí độc vì các cơn mưa đầu mùa đã kéo bụi thải, rác rưởi trong các cống rãnh theo nước mưa chảy xuống kênh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cá chết nhiều hơn mọi năm.
“Các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép có thể là nguyên nhân chính gây chết cá gồm: Nhiệt độ nước cao ở mức 34 – 34,4 độ C, độ trong của nước nhỏ hơn 20cm, độ pH dao động 8,7 – 9, NH4 ở mức 1 mg/lít, NH3 ở mức 0,36 mg/lít”, báo cáo của đơn vị này cho biết.
Từ những số liệu trên, nếu so sánh với ngưỡng giới hạn cho phép để cá sống được là nhiệt độ từ 25 – 32 độ C; độ trong lớn hơn hoặc bằng 30cm; độ pH khoảng 6,8 – 8,5; NH4 nhỏ hơn 1 mg/lít; NH3 nhỏ hơn 0,3 mg/lít thì chất lượng nước kênh tại thời điểm khảo sát vào sáng ngày 17/5 vừa qua cho thấy nguyên nhân cá chết do nước bị ô nhiễm cục bộ, vì cơn mưa đầu mùa cuốn dòng nước ô nhiễm thượng nguồn (đầu kênh phía Tân Bình) đổ xuống.
Một nguyên nhân khác gây ra hiện tượng cá chết chủ yếu trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, theo nhận định của ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố, là do kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ít liên thông với các tuyến kênh rạch khác nên khả năng lưu thoát nước kém. Trước mắt Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản sử dụng sản phẩm Zeolite kết hợp vi sinh để xử lý nước ở dòng kênh nhằm giảm ô nhiễm (giảm lượng mùn bã hữu cơ và khí độc) hạn chế cá chết. Căn cơ hơn, để giải quyết tình trạng ô nhiễm kênh rạch vào đầu mùa mưa cần phải xử lý nước thải ngay từ đầu nguồn, tức nước thải, rác thải phải được xử lý triệt để trước khi đổ xuống cống chảy ra kênh rạch.
Trước tình hình đó, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ ảnh hưởng, đề xuất giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài đối với hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tổ chức nạo vét, khơi thông cống rãnh, khử trùng, xử lý ô nhiễm môi trường, không để tiếp tục xảy ra hiện tượng cá chết, không để xảy ra dịch bệnh trong nhân dân.
Đồng thời, UBND TP cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng và sớm vận hành nhà máy xử lý nước thải để giải quyết căn cơ việc xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường nước kênh rạch.