ThiennHien.Net – Theo Bộ Tài chính, để tránh thất thu thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản cần phải sửa đổi, bổ sung về các phương pháp tính, mức thu, quản lý thu…
Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả ngân sách trong khai thác khoáng sản mới diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng, chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Hiện thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất và sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. |
Theo quy định của Luật Khoáng sản hiện hành thì các khoản thuế, phí, lệ phí đối với khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí. Trong 5 năm qua thực hiện Luật Khoáng sản, các chính sách thuế, phí, lệ phí đối với khoáng sản đã đầy đủ, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về quản lý khoáng sản. Theo đó, chính sách này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính nhà nước trong việc theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác tài nguyên. Nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản đã góp phần tạo nguồn thu cho NSNN và gián tiếp tạo nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí đối với khoáng sản đã được hoàn thiện theo hướng bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia. Việc điều tiết các khoản thu từ khoáng sản luôn hướng các doanh nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm tài nguyên.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện việc thu thuế đối với tài nguyên khoáng sản vẫn có nhiều khó khăn, bất cập như: Theo quy định sẽ phạt tiền các hành vi khai thác khi Giấy phép khai thác đã hết hạn hoặc khai thác khoáng sản mà không có giấy phép theo quy định. Ngoài ra, còn hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản, phương tiện sử dụng để vi phạm.
Song thực tế vẫn có trường hợp khai thác nhỏ lẻ, mua bán khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, không có giấy phép, nhưng vẫn không bị tịch thu theo quy định do hàng hóa khó tịch thu và lưu trữ. Việc mua bán này là không hợp pháp gây khó khăn cho công tác quản lý khai nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên dẫn đến thất thu thuế.
Cũng theo Bộ Tài chính, quy định về xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là chưa phù hợp. Hiện trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng ghi trong Giấy phép khai thác. Tuy nhiên, trữ lượng ghi trong Giấy phép so với trữ lượng thực tế doanh nghiệp khai thác có sự chênh lệch rất lớn. Ngoài ra, tài nguyên khai thác ra có nhiều loại sản phẩm, trong đó sản phẩm có mức giá cao nhưng chiếm trữ lượng nhỏ, sản phẩm có mức giá thấp nhưng trữ lượng nhiều. Việc áp dụng giá trị trung bình mức giá làm giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không đảm bảo công bằng, không tương ứng với trữ lượng.
Cùng với đó, theo các quy định hiện hành thì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một khoản thu NSNN, được quản lý thu nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định 203/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoáng sản nhưng Nghị định này chưa quy định rõ việc tính, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sau khi hết thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (thẩm quyền gia hạn là do Thủ tướng Chính phủ quyết định). Mặt khác, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản gặp khó khăn do giá khoáng sản trên thị trường thế giới giảm sâu nên đã đề nghị gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, theo Bộ Tài chính, để giải quyết dứt điểm các kiến nghị cần có hướng dẫn chung để thống nhất thực hiện. Bộ Tài chính cũng chỉ ra, hiện thiếu quy định, hướng dẫn đối vói trường hợp nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một lần cho cả thời gian cấp phép khai thác nhưng đang trong thời gian được phép khai thác mà doanh nghiệp tạm dừng hoạt động thì có được trả lại tiền cấp quyền đã nộp cho trữ lượng còn lại chưa khai thác.
Bộ Tài chính kiến nghị, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về các phương pháp tính, mức thu, quản lý thu…đảm bảo phù hợp với thực tế và khả thi trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, cần nghiên cứu chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản theo hướng chặt chẽ và nghiêm minh hơn.