ThienNhien.Net – Hàng loạt các địa phương như Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông… thuộc miền rừng tỉnh trung du Phú Thọ đang rất đau đớn trước thực trạng tàn phá đất lâm nghiệp không thương tiếc. Hoạt động mua bán, móc ruột đất lâm nghiệp để khai thác khoáng sản, tài nguyên đất đang khiến những quả đồi chuyên trồng rừng sản xuất ở những nơi này có nguy cơ bị san phẳng.
Từ lâu lắm, khi những hoạt động thăm dò địa chất, khoáng sản công bố các phát hiện về quặng, cao lanh bên dưới những cánh rừng trồng ở miền rừng Phú Thọ thì nơi này không có lấy một ngày yên ả. Cấp phép, mua bán, đào bới… những hoạt động móc ruột tài nguyên đã biến màu xanh của rừng thành màu bạc phếch của đất đá, màu của chết chóc.
Dự án trồng rừng, chăn nuôi hay khai thác khoáng sản?
Vùng giáp ranh giữa hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy, hai bên tỉnh lộ 316 chạy qua các xã Thạch Khoán, Giáp Lai là những núi đồi trùng điệp. Đa phần là đất trồng rừng sản xuất của người dân được giao khoán, chính quyền địa phương và các công ty lâm nghiệp quản lý. Từ xa xưa, những cánh rừng trồng là thế mạnh phát triển kinh tế của các huyện này. Vậy mà bây giờ, đau đớn thay, xen lẫn những cánh rừng trồng bạt ngàn là vô số những núi đồi bị nạn khai thác khoáng sản đào khoét loang lổ. Từ doanh nghiệp đến các tổ chức, cá nhân, có cảm giác như hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên đất ở đây diễn ra rất công khai. Thậm chí, có nhiều quả đồi đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất đã bị biến mất trong thời gian ngắn trước lợi nhuận khủng khiếp từ hoạt động móc ruột tài nguyên.
Vào vai những người có nhu cầu mua đất lâm nghiệp để phục vụ làm đường, PV dễ dàng thực hiện nhiều cuộc giao dịch mua bán các quả đồi với người dân địa phương. Theo các đầu nậu chuyên mua bán đất lâm nghiệp để khai thác đất, khoáng sản ở những địa phương này, có thể mua bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến bạt ngàn đất lâm nghiệp biến mất phần nhiều đến từ việc cơ quan chức năng cấp phép cho các DN đổ xô khai thác. Họ tìm đủ mọi cách để độc chiếm những cánh rừng siêu lợi nhuận.
Lập dự án chăn nuôi, trồng rừng, mở đường, đào đất…
Ngày 14/5/2015, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 986/QĐ-UBND về việc chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất cho Cty Cổ phần Đầu tư và thương mại Huy Hoàng (trụ sở chính tại xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) thuê để đầu tư xây dựng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung kết hợp với trồng rừng tại xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn.
Theo quyết định này, 99.000m2 (9,9 ha) đất lâm nghiệp được giao cho Cty Huy Hoàng thuê với thời hạn 49 năm tại khu vực thôn Đồng Bung để thực hiện dự án. Trong các báo cáo của mình, phía chủ đầu tư nhấn mạnh, dự án được thực hiện sẽ tập trung các mục tiêu bảo tồn đa dạng khu rừng trồng địa phương, góp phần phát triển chăn nuôi, không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh… Quy mô dự án sẽ trồng 7 ha rừng nguyên liệu, chăn nuôi 3.000 con lợn lai tạo đặc biệt, 5.000 con gà cựa, 500 con dê…
Các cơ quan ban ngành liên quan ở tỉnh Phú Thọ khi được hỏi tham gia ý kiến đề xuất dự án đều cơ bản đồng thuận cho dự án được thực hiện. 9,9 ha đất lâm nghiệp nhanh chóng được ký biên bản xác nhận thực địa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Không hiểu, khi chấp thuận dự án của DN Huy Hoàng, các cơ quan chức năng liên quan ở tỉnh Phú Thọ có nghiên cứu kỹ lĩnh vực kinh doanh của DN này hay không? Trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại Huy Hoàng ghi rõ ngành nghề kinh doanh chính là khai thác đá, cát sỏi, cao lanh, bán buôn kim loại, khai thác quặng sắt, sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét…
Và thực tế đã chứng minh, ngay sau khi có sự đồng thuận của các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, doanh nghiệp này đã cho san ủi mặt bằng và khai thác, tập kết một số lượng lớn cao lanh tại khu vực. Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ là ông Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo rõ ràng: “Đầu tư dự án theo đúng nội dung quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đưa dự án vào hoạt động khi đã chấp hành đầy đủ các thủ tục theo quy định”. Tuy nhiên có vẻ như, chỉ đạo của người đứng đầu UBND tỉnh Phú Thọ đã bị phớt lờ?
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi có mặt tại khu vực Đồng Bung (xã Thạch Khoán), nơi được cho là DN Huy Hoàng đang được thuê đất thực hiện dự án chăn nuôi và trồng rừng. Không hề có bất cứ một dấu hiệu nào của việc chủ đầu tư thực hiện dự án, thay vào đó là những máy móc, những điểm tập kết khoáng sản chất cao như núi, phủ trắng cả một quả đồi trước đó đã bị múc tan hoang. Những hoạt động khai thác khoáng sản thể hiện hết sức rõ rệt.
“Nhà điều hành” của dự án chỉ có hai ông bà người địa phương được thuê trông coi và nấu nướng. Họ nói rằng, thời điểm này hoạt động khai thác đang phải tạm dừng, chờ qua bầu cử mới tiếp tục triển khai? Cả chính quyền xã Thạch Khoán lẫn huyện Thanh Sơn đều xác nhận DN Huy Hoàng được cho thuê đất để thực hiện dự án trồng rừng, chăn nuôi và số khoáng sản tập kết tại Đồng Bung là của chính DN này.
Tại buổi làm việc với PV NNVN, ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng TN-MT huyện Thanh Sơn cho biết: Trong quá trình san lấp mặt bằng để thực hiện dự án, DN Huy Hoàng phát hiện có quặng nên đã báo cáo UBND tỉnh đề xuất Bộ TN-MT xin được phép tận thu. Nghe nói đã được đồng ý, chứ giấy phép tận thu có hay chưa thì chúng tôi không được biết. Trong khi đó, ông Phùng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán tiết lộ, nguồn gốc đất của dự án này thuộc các hộ dân trồng rừng sản xuất. Khi nhà đầu tư triển khai dự án có phát hiện ra cao lanh, bên công an cũng có vào lập biên bản yêu cầu dừng việc khai thác. Phía UBND xã chỉ nhận được mỗi quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, còn lại không có thêm hồ sơ, thủ tục, văn bản gì”.
Mở đường tàn phá đất lâm nghiệp
Cạnh dự án “chăn nuôi, trồng rừng” của DN Huy Hoàng trên khu vực Đỉnh Đa – Dốc Đỏ là hàng loạt quả đồi khác đã bị các tổ chức, cá nhân đào khoét tan hoang. Được biết, để thuận tiện cho việc tàn phá đất lâm nghiệp trên những cánh rừng trồng này, ông Nguyễn Văn Hà đã bỏ ra 20 triệu đồng thuê bà Nguyễn Thị Mai Thu (chủ một DN chuyên thu mua khoáng sản) ở khu Đồng Phú xã Thạch Khoán múc đất làm đường thông lên Đỉnh Đa – Dốc Đỏ tự ý “thi công” mở đường lâm nghiệp dài gần 2km mà chính quyền địa phương không hề hay biết.
Chính nhờ con đường này, các chủ khai thác đã cho máy móc lên ngoạm nát những quả đồi trồng rừng.
Để lấy được lớp khoáng sản ở dưới, những đối tượng khai thác trái phép phải móc lớp đất đá bên trên đổ xuống khu vực đường đi không được sử dụng mở trước đây. Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán Phùng Văn Việt xác nhận, khu vực Đỉnh Đa – Dốc Đỏ là diện tích trồng cây lâm nghiệp của các hộ dân.
Theo điều tra của NNVN, hoạt động tàn phá đất lâm nghiệp ở khu vực này diễn ra như sau: Sau khi máy múc đào bới và xúc khoáng sản lên xe, các xe tải chở quặng băng qua đường rừng về điểm tập kết nằm cách điểm khai thác hơn 1km. Từ đây khoáng sản được sơ chế rồi hợp thức hóa bán ra thị trường. DN thường đứng ra thu mua là Cty Thu Thịnh.
Theo cán bộ phòng TN-MT huyện Thanh Sơn, trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, DN này chỉ hoạt động kinh doanh buôn bán, không hề có bất cứ diện tích đất nào được cấp phép cả. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm tra, phòng TN-MT huyện Thanh Sơn xác nhận: Việc máy móc mở đường hay đào bới vận chuyển khoáng sản là có và không hề được sự cho phép của chính quyền địa phương.
Vậy thử hỏi, nếu hoạt động khai thác khoáng sản, tàn phá đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Sơn bị nghiêm cấm thì những DN như Cty Thu Thịnh lấy đâu ra tài nguyên để kinh doanh? Một cán bộ phòng TN-MT huyện Thanh Sơn ý nhị: Tài nguyên khoáng sản khi đã lên khỏi mặt đất rồi thì đã thành hàng hóa, trách nhiệm không thuộc về cơ quan chúng tôi nữa.