ThienNhien.Net – Để bảo vệ vùng ven biển, giải pháp tốt nhất có lẽ không phải là cơ sở hạ tầng hiện đại mà chính là tận dụng những tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Một báo cáo nghiên cứu mới đây đã khuyến nghị đánh giá lại những lợi ích mà các hệ sinh thái như rừng ngập mặn hay rạn san hô đối với chắn lũ, thay vì xây dựng tường chắn lũ và đê ngăn mặn.
Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định, rạn san hô và rừng ngập mặn giúp hạn chế tác động của sóng biển, do đó có thể giảm thiểu rủi ro lũ lụt và xói mòn. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế từ việc đầu tư vào những hệ sinh thái nói trên vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Báo cáo “Giải pháp thiên nhiên cho quản lý vùng ven biển: Sổ tay hướng dẫn quan trắc và định giá giá trị bảo vệ vùng ven biển của rừng ngập mặn và rạn san hô” (Managing coasts with natural solutions: Guidelines for measuring and valuing the coastal protection services of mangroves and coral reefs) đã giải quyết lỗ hổng này, đồng thời định hướng lại cách phân tích chi phí lợi ích giữa phương pháp công trình (“cơ sở hạ tầng xám”) với phương pháp “cơ sở hạ tầng xanh” dựa trên các quy trình tự nhiên.
Quan trắc và định giá dịch vụ sinh thái của rừng ngập mặn và rạn san hô
Michael Beck, nhà khoa học hải dương hàng đầu tại Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên (TNC) và Glenn Marie Lange – cố vấn kỹ thuật hải dương cho Quỹ Đối tác toàn cầu về Kiểm toán tài sản và Lượng giá Dịch vụ Hệ sinh thái (WAVES) của Ngân hàng thế giới, các tác giả của báo cáo nói trên, đã ứng dụng kỹ thuật lượng giá thông thường trong lĩnh vực bảo hiểm và kỹ thuật công trình vào đánh giá lợi ích dịch vụ hệ sinh thái.
TS. Beck giải thích, cách lượng giá lợi ích của rạn san hô và rừng đước đơn giản là trả lời câu hỏi: nếu những hệ sinh thái này biến mất, sẽ cần bao nhiêu chi phí để xây dựng đê ngăn sóng và bờ kè biển? Theo kinh nghiệm từ ngành kỹ thuật công trình và bảo hiểm, lợi ích giảm thiểu lũ lụt có thể trực tiếp đo lường bằng cách so sánh thiệt hại lũ lụt thực tế với thiệt hại dự kiến nếu không có rạn san hô và rừng ngập mặn. Phần chênh lệch chính là giá trị của các nguồn tài nguyên này. Đây được gọi là cách tiếp cận Hàm Thiệt hại Dự kiến (Expected Damage Function).
Theo báo cáo, rừng ngập mặn và rạn san hô không chỉ mang lại giá trị sinh thái mà còn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và xã hội. Đến nay, các dịch vụ sinh thái chủ yếu được đánh giá cao của rạn san hô và rừng ngập mặn chỉ là giá trị thủy sản và lâm sản. Đánh giá giá trị giảm thiểu lũ lụt là một hướng đi mới, chính xác và hoàn toàn có thể áp dụng được trên quy mô quốc gia và toàn cầu.
Giải pháp khả thi cho vấn đề toàn cầu
300 tỷ USD là số tiền mà các công ty bảo hiểm đã phải chi trả cho các thiệt hại do bão lũ tại các vùng ven biển trong vòng 10 năm qua.
Tác động cộng hưởng của gia tăng dân số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu liên tục mang lại những thách thức cho công tác bảo vệ vùng ven biển. Trên thế giới, hàng triệu người đang bị đe họa bởi lũ lụt và thời tiết cực đoan. Thiệt hại kinh tế không ngừng gia tăng.
Việc chứng minh đặc tính quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn và rạn san hô trong việc phòng chống lũ có thể thúc đẩy áp dụng các công cụ hoạch định kinh tế như Tính toán vốn tự nhiên (Natural Capital Accounting). TS. Beck và nhóm WAVES hi vọng các nhà hoạch định chính sách coi những hệ sinh thái này như hàng rào bảo vệ vùng ven biển, từ đó có những giải pháp hiệu quả thay thế “cơ sở hạ tầng xám”. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực trên một quy mô đủ lớn, bởi thế giới đã mất đi 19% rừng đước kể từ năm 1980 cho đến 2005, và 75% rạn san hô toàn cầu đang bị đe dọa.
Báo cáo đã tổng kết 20 trường hợp điển hình, trong đó vai trò bảo vệ vùng ven biển của rừng đước và rạn san hô đã được cụ thể hóa trong các quyết định chính sách quan trọng. Các tác giả nghiên cứu hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà quản lý thiên tai, các đơn vị lập kế hoạch phát triển, các cơ quan tài chính và phát triển cùng hành động để phát huy vai trò của rừng ngập mặn và rạn san hô như một hệ thống phòng chống lũ.
Một số con số điển hình được ghi nhận trong báo cáo nghiên cứu:
– Ở Việt Nam, khoảng 9.000 ha rừng ngập mặn được phục hồi với tỷ lệ lợi ích-chi phí đáng kể, dao động từ 3:1 đến 28:1 tùy theo cộng đồng dân cư. – Chính phủ Philippine đã chi 8 triệu USD cho chương trình phục hồi rừng ngập mặn và các rừng ven biển khác tại các khu vực bị tàn phá nghiêm trọng nhất sau Siêu bão Haiyan năm 2013. – Cơ quan Bảo hiểm Rủi ro Thảm họa Caribbe (CCRIF) khẳng định phục hồi rạn san hô và rừng ngập mặn là một trong những phương pháp giảm thiểu và thích ứng rủi ro vùng biển hiệu quả nhất tại 7 trong 8 quốc gia được đánh giá. |