ThienNhien.Net – Vùng Đông Nam bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích tự nhiên 23.605 km 2, chiếm 7,1% diện tích cả nước, là đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế.
Đông Nam Bộ là khu vực có đặc điểm khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và phân hoá sâu sắc theo mùa, với lượng mưa dồi dào trung bình hàng năm khoảng 1.500 – 2.000 mm. Khí hậu của vùng tương đối điều hoà, ít có thiên tai. Tuy vậy, trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên lượng mưa thay đổi, lưu lượng nước tăng vào mùa mưa và suy giảm vào mùa khô, gây trượt lở đất, sụt lún, xói mòn, hoang hóa đất, gia tăng lũ quét, hạn hán làm thiệt hại tới đời sống kinh tế của địa phương.
Tác động đến kinh tế- xã hội
Vùng Đông Nam bộ với những lợi thế về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đã phát huy được thế mạnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Đời sống của nhân dân được cải thiện, nhưng do tác động của thiên tai và BĐKH kéo theo những hệ lụy về kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng vẫn còn cao (chiếm 2,3% dân số toàn vùng ). Nguyên nhân do hộ nghèo chịu tác động bởi thiên tai và BĐKH cao hơn. Trong đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động nhiều nhất đến nhà ở (72,6%) và thu nhập, việc làm (61,6%) của các hộ nghèo.
Thiên tai và BĐKH cùng với các biến động bất thường về thời tiết, đặc biệt là nắng nóng, hạn hán đã làm nồng độ CO2 tăng cao nên các rặng san hô ở một số tỉnh ven biển bị suy thoái, ảnh hưởng đến rừng ngập mặn vì thiếu hàng rào chắn sóng từ những rặng san hô này. Độ pH trong đất thay đổi nhanh chóng do những cơn mưa này mang theo acid, làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của tảo, dẫn đến thuỷ sản bị sốc và nguồn thức ăn bị giảm. Nhiệt độ tăng ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực rừng ngập mặn: Làm thay đổi sự phân bố và cấu trúc quần thể sinh vật, đa dạng sinh học bị suy giảm do các loài kém chịu hạn hán, ngập lụt có xu hướng tuyệt chủng, các loài có khả năng chịu hạn hán, lũ lụt sẽ phát triển; tăng khả năng cháy rừng. Sự xâm nhập của nước mặn làm diện tích đất bị nhiễm mặn ngày càng nhiều. Nhiều loại sâu bọ xuất hiện gây ra nhiều bệnh mới, đặc biệt là hiện tượng sâu đục thân và sâu ăn lá trên loại cây trồng (ví dụ sâu bệnh trên cây đước vùng rừng ngập mặn Cần Giờ).
Lượng mưa nhiều gây hiện tượng ngập úng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhiều loại cây, gây nguy cơ làm thay đổi cấu trúc và hệ sinh thái rừng. Một số loài do không thích nghi được nên đã giảm cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến giảm sút các chuỗi thức ăn và gây mất cân bằng hệ sinh thái. Ngược lại, một số loài do phát triển quá mức, đặc biệt là các loài sâu bệnh đã gây tổn hại cho hệ thực vật rừng. Nước biển dâng còn làm những loài cây thích hợp với điều kiện nước lợ sẽ dần lùi lên các vùng cao hơn. Một số loài cây sẽ dần bị diệt vong (dừa nước, chà là, cóc, xu ổi…) nhường chỗ cho những cây thích nghi hơn (mắm, đước, bần trắng).
Trong các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, diện tích rừng của tỉnh Đồng Nai có vai trò rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, sa mạc hoá và hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu của Đồng Nai nói riêng và của vùng Đông Nam bộ nói chung. Song diện tích và đa dạng sinh học rừng trên địa bàn Đồng Nai đã giảm đáng kể do tác động của BĐKH.
Ở vùng Đông Nam bộ, khu vực ven biển do chịu ảnh hưởng của bão lũ, sạt lở vùng ven bờ và nước biển dâng đã khiến tài nguyên đất bị suy giảm nghiêm trọng. Trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có địa phận giáp biển lớn nhất, là tỉnh ven biển nên chịu ảnh hưởng nhiều của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng, trong đó tài nguyên đất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những biểu hiện của tác động BĐKH đối với tài nguyên đất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là mất đất; đất bị nhiễm mặn, đặc biệt là đất nông nghiệp (trồng lúa, nuôi tôm) ở vùng ven biển do sạt lở vùng ven bờ; khô hạn…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, ngoài việc thu hẹp diện tích đất nông nghiệp do nhiễm mặn, Bà Rịa-Vũng Tàu còn phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển nghiêm trọng do nước biển dâng. Các hoạt động kinh tế tại Bà Rịa-Vũng Tàu như nuôi trồng thủy hải sản và nghề đánh bắt ven bờ, các công trình xây dựng, cảng… và cả cộng đồng dân sinh sống ven bờ tại đây sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của tỉnh, dự báo đến năm 2020 nước biển dâng 10-11cm sẽ có 8,33% diện tích bị ngập. Dự báo đến năm 2100 nước biển sẽ dâng 43-59cm.
Hiện tượng nắng nóng và lượng mưa phân bố không theo quy luật đã gây hạn hán, ngập úng cục bộ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông-ngư nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng Đông Nam bộ. Tác động của BĐKH còn làm mặn xâm nhập vào sâu trong vùng đất liền và làm giảm năng suất nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Trong các tỉnh vùng Đông Nam bộ, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai bị tác động của BĐKH gây thiệt hại nhiều nhất. Nguồn nước suy kiệt trong mùa khô khiến không đủ nước tưới và làm cho các vùng trồng lúa, bắp ở các huyện Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán của tỉnh bị thiệt hại nặng. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô ngày càng gia tăng.
Vào mùa mưa, BĐKH còn làm nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng ở tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, các khu vực nông nghiệp ngoại thành TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nằm trong vùng thấp nên cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng của triều cường và mưa lớn với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 2.340km². Bên cạnh đó, việc xả lũ của các hồ chứa nước trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn… đã làm vỡ đê bao, tạo nên ngập úng sâu và kéo dài gây ra thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Những hạn chế trong liên kết vùng
Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lý Nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận xét: Thực tế cho thấy BĐKH tác động đến tất cả các vùng kinh tế-xã hội ở nước ta. Các địa phương thuộc các vùng khác nhau nhưng ở giáp ranh và liền kề sẽ có đặc điểm tự nhiên, khí hậu cũng như gặp những loại hình thiên tai tương tự nhau. Do đó, vấn đề đặt ra là cần có sự hợp tác, liên kết giữa các vùng miền và địa phương nhằm ứng phó với thiên tai và BĐKH một cách hiệu quả. Các lĩnh vực liên kết trong nội dung của hoạt động ứng phó với thiên tai và BĐKH ở các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ, chủ yếu là lĩnh vực liên kết trong quan trắc và xử lý thông tin về BĐKH. Tiếp theo cần liên kết trong xây dưng cơ sở hạ tầng nhằm thích ứng với thiên tai, BĐKH; nguồn lực tài chính; khoa học công nghệ; nguồn nhân lực; phát triển các mạng lưới an sinh xã hội; lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Trong số các lĩnh vực liên kết trên, lĩnh vực liên kết về nguồn nhân lực tại chỗ để kịp thời khắc phục hậu quả do những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra chưa hiệu quả. Trong thực tế khi có hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra, các tỉnh chỉ tập trung vào việc tận dụng nguồn nhân lực của chính quyền và nhân dân tại địa phương để nhanh chóng khắc phục hậu quả và trợ giúp cho người dân địa phương, mà chưa nhận thấy được cần phải có sự chia sẻ thông tin để tận dụng sự trợ giúp từ bên ngoài (các địa phương, vùng miền liền kề hoặc những địa phương có kinh nghiệm cũng như nguồn tài chính mạnh trong cả nước).
Ngoài ra, nội dung liên kết về mặt thể chế cũng được đánh giá là một trong những nội dung liên kết ít hiệu quả nhất. Thực tế này cũng chỉ ra rằng cần phải có một cơ chế, chính sách phối hợp giữa các địa phương trong thích ứng với thiên tai và BĐKH để việc đề ra kế hoạch hoạt động cũng như những quy định, quy chế đề cập đến nội dung liên kết này của các địa phương được rõ ràng và hệ thống, có sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao từ trung ương chứ không chỉ mang tính chất tự phát như hiện tại.
Nhìn chung, hoạt động liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và BĐKH ở các địa phương vùng Đông Nam bộ còn mang tính hình thức, chưa được giám sát, kiểm tra trong tiến trình thực hiện và không có cơ quan điều phối quản lý hiệu quả gây nên sự bị động trong công tác phòng chống, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn lực tài chính và cơ chế chỉ đạo đã làm cho các cam kết trở lên mờ nhạt khi thực thi. Ngoài ra, trách nhiệm giữa các tỉnh chưa có sự gắn kết. Thiếu sự chia sẻ đồng bộ về cơ sở hạ tầng.
Giải pháp thúc đẩy liên kết vùng
Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng cho rằng Nhà nước cần xây dựng Quy chế thí điểm liên kết vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2015-2020 để trình Chính phủ phê duyệt (thay quy chế cũ hiện nay do các tỉnh ký kết nhưng không có hiệu lực pháp lý bắt buộc thực hiện). Quy chế cần tập trung vào các vấn đề như liên kết trong việc đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ; liên kết vùng trong phát triển du lịch; liên kết vùng trong quản lý tài nguyên nước, tài nguyên rừng; liên kết trong ứng phó với thiên tai, BĐKH. Xây dựng, thành lập cơ quan chuyên trách chỉ đạo về ứng phó với thiên tai, BĐKH và liên kết vùng ở Đông Nam bộ.
Các Bộ, ngành, địa phương tập trung các vấn đề phối hợp với các Bộ và các cơ quan truyền thông và các địa phương xây hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, BĐKH; xây dựng kế hoạch truyền thông về thiên tai, BĐKH. Các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính và các địa phương rà soát, đề xuất xây dựng triển khai và giám sát các công trình giao thông, hạ tầng liên vùng có tính đến vấn đề thiên tai, BĐKH; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc lên thiết kế, dự toán kinh phí, xây dựng nhà tránh bão, tránh lũ cho vùng ven biển, xây dựng cảng neo đậu cho tàu, thuyền trách bão….Thực hiện các công trình thủy lợi kết hợp đê sông; trồng rừng ứng phó với BĐKH. Đôn đốc giám sát các dự án ứng phó với BĐKH trong vùng Đông Nam bộ, nhất là các dự án liên vùng, liên tỉnh.
Các tỉnh cần ban hành quy chế điều tiết nước, phân lũ, xả lũ các công trình thủy điện ở trong vùng theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh thu phí dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hệ sinh thái; thiết lập cơ chế huy động nguồn lực tài chính để phục vụ việc liên kết với các tỉnh trong ứng phó với thiên tai và BĐKH; xây dựng cơ chế bắt buộc cũng như kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện liên kết ở các địa phương; xây dựng bộ tiêu chí phê duyệt và đánh giá đối với các dự án ứng phó với BĐKH có tính liên vùng. Thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong ứng phó với BĐKH giữa các địa phương trong vùng thông qua Ban chỉ đạo vùng, tổ chức các hội thảo khoa học cấp vùng trong toàn quốc.