ThienNhien.Net – Ngày 18-5, đại diện các ngành lâm nghiệp, nông nghiệp, các rừng quốc gia, khu bảo tồn tại khu vực miền trung – Tây Nguyên, các nhà khoa học, chuyên gia và các tổ chức quốc tế đã cùng trao đổi để tìm ra những giải pháp kịp thời, đúng đắn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học khu vực miền trung – Tây Nguyên (Việt Nam).
Theo quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 2,4 triệu ha rừng đặc dụng. Trong đó, có 176 các khu rừng đặc dụng (khu bảo tồn rừng). Thế giới đã có đánh giá và ghi nhận về sự đa dạng sinh học của Việt Nam. Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế việc khai thác tài nguyên; buôn bán, săn bắn các loài động vật hoang dã.
Tuy nhiên đến nay, tình trạng đó vẫn đang diễn ra, trở thành mối đe dọa đến các khu bảo tồn và các loài nguy cấp, quý hiếm, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Theo số liệu thống kê của Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp), Việt Nam hiện nay không còn tê giác; các loài sao la, hổ, voi cũng còn rất ít. Việc thay đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước; ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu… cũng đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã.
Các đại biểu tham dự đã cùng chia sẻ những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn thiên nhiên như: Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chương trình Bảo tồn loài voọc mông trắng tại khu bảo tồn Vân Long (Ninh Bình). Những nỗ lực của khu bảo tồn sao la trong việc thực hiện các hoạt động từ dự án “NGO” (các tổ chức phi chính phủ) với nhiều kết quả: mô hình đội tuần tra bảo vệ rừng, điều tra và giám sát đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ thực thi pháp luật tại các điểm nóng…
Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ quan ban ngành của địa phương và các tổ chức phi chính phủ quốc tế tìm hiểu và xúc tiến các mối quan hệ hợp tác trong tương lai; cùng với Tổng cục Lâm nghiệp để kết nối, điều phối và xây dựng chính sách về bảo tồn thiên nhiên.
Chương trình thuộc Hội thảo tăng cường phối hợp trong công tác bảo tồn thiên nhiên tại khu vực miền trung – Tây Nguyên do Tổng cục Lâm nghiệp và Hội Động vật học Frankfurt tổ chức.