ThienNhien.Net – Không chỉ các áp lực môi trường như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số ảnh hưởng lớn tới các dòng sông chảy xuyên biên giới, vấn đề phát triển kinh tế ở các quốc gia cũng gây ra những tác động sâu rộng. Đó là kết luận của Báo cáo Đánh giá Nguồn nước xuyên biên giới do Nhóm Môi trường Liên hợp quốc thực hiện.
Chương trình Đánh giá Nguồn nước xuyên biên giới do 8 tổ chức, viện nghiên cứu quốc tế và Trường Đại học Oregon (Mỹ) thực hiện. Đây được coi là đánh giá toàn diện đầu tiên về các lưu vực sông trên thế giới với tổng số 286 lưu vực sông trải dài trên 151 quốc gia. Trong đánh giá này, nhóm nghiên cứu đã cố gắng xác định những “điểm nóng” về tranh chấp nguồn nước, nơi có nguy cơ xảy ra xung đột chính trị về nguồn nước trong vòng 15-30 năm tới.
Theo chia sẻ của ông Aaron Wolf, chuyên gia về các điều ước quốc tế liên quan tới nguồn nước của Đại học Oregon, thành viên nhóm thực hiện báo cáo, việc gia tăng các đập và các dự án dẫn dòng nước ở các quốc gia thượng nguồn là vấn đề mà các quốc gia hạ nguồn đang đặc biệt lo ngaị.
Kết luận của báo cáo cho hay, các khu vực được coi là điểm nóng về tranh chấp nguồn nước gồm Trung Đông, Trung Á và lưu vực sông Ganges (Sông Hằng)-Brahmaputra-Meghna.
Các lưu vực sông Tigris-Euphrates là tâm điểm của nhiều căng thẳng ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn, làm giảm nguồn nước chảy xuống hạ nguồn cho Iraq và Syria. Bất ổn định chính trị và tình trạng mất sự kiểm soát một số đập vào tay phiến quân Hồi giáo ISIS càng làm phức tạp thêm vấn đề này.
Ông Wolf cho rằng hàng loạt vấn đề sẽ nảy sinh nếu một quốc gia thượng nguồn muốn xây dựng một con đập mà không thỏa thuận với các nước vùng hạ lưu.
Trung Á đã trở thành điểm nóng về tranh chấp nguồn nước sau sự tan rã của Liên Xô, quốc gia kiểm soát nguồn nước của cả khu vực. Trong những năm gần đây, các kế hoạch phát triển thủy điện của Tajikistan và Kyrgyzstan đã làm giảm đáng kể lượng nước phục vụ cho thủy lợi ở các nước hạ nguồn là Kazakhstan và Uzbekistan. Mức độ sử dụng nước sông của các quốc gia Trung Á tăng đã khiến mực nước biển Aral bị hạ thấp và tăng nguy cơ tích tụ các chất thải độc hại.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các lưu vực sông Ganges-Brahmaputra-Meghna chảy qua dãy Himalaya, thuộc địa phận Trung Quốc. Với nhu cầu năng lượng khổng lồ và mong muốn chấm dứt sử dụng điện than, Trung Quốc đã rất tích cực xây dựng các đập thủy điện trên các lưu vực sông Ganges-Brahmaputra-Meghna chảy qua nước này. Trong khi đó, hơn 1,5 tỷ người dân hạ lưu đang sống dựa vào các dòng sông này. Khi lưu lượng nước của các con sông giảm xuống, một số vùng đồng bằng sẽ bị xâm nhập mặn và mất ổn định về môi trường.
Các lưu vực sông Nile cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Không phải tất cả các khu vực gặp khó khăn về nguồn nước đều vì các vấn đề chính trị. Tây Nam Hoa Kỳ và Bắc Mexico gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước từ sông Colorado và Rio Grande.”Hoa Kỳ đã có thỏa thuận tuyệt vời với Mexico. Nhưng vấn đề là các con sông này không có nhiều nước. Và biến đổi khí hậu có thể làm tình trạng này trở lên tồi tệ hơn.” – Ông Wolf chia sẻ.
Một số khu vực tiềm ẩn rắc rối khác là lưu vực sông Salween, nơi nước có thể bị chặn lại từ Trung Quốc trước khi chảy đến Myanmar và Thái Lan.
Các lưu vực sông Helmand và sông Harirud cùng chảy qua Afghanistan và Iran cũng có khả năng bùng nổ xung đột.
Nhiều trong số những điểm nóng đã được biết đến trước đó, tuy nhiên các dữ liệu cơ bản trong Đánh giá này kết hợp với cái nhìn toàn diện đầu tiên về tác động của các yếu tố gây căng thẳng về nguồn nước sẽ giúp các nhà hoạch định chính xác định vấn đề trước khi thảm họa nguồn nước thực sự xảy ra.
“Chúng tôi hy vọng rằng những thông tin trong Báo cáo sẽ cung cấp các cảnh báo sớm giúp các quốc gia có những hành động thích hợp nhằm ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang. Từ góc độ người làm chính trị, nếu bạn có thể xác định được nơi có nguy cơ xảy ra xung đột, bạn có thể bắt đầu với các thảo luận, đàm phán và cái vẫn được gọi là “ngoại giao phòng ngừa”. – Ông Wolf nói.