ThienNhien.Net – Các kế hoạch phát triển điện than ở Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam sẽ là thảm họa của nhân loại, phá hỏng Thỏa thuận khí hậu đã đạt được tại Paris nếu được triển khai trong thực tế, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh trong một cuộc họp diễn ra giữa WB và chính phủ Mỹ tuần trước tại Washington.
Trong bài phát biểu của mình, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh rằng các nước ở Nam và Đông Nam Á đang lên kế hoạch xây dựng hàng trăm nhà máy điện đốt than trong 20 năm tới – bất chấp lời hứa tại Paris về việc cắt phát thải khí nhà kính và hướng tới sử dụng năng lượng sạch.
Tại Mỹ, sử dụng than đá đang suy giảm mạnh, các công ty sản xuất điện than nước này đều đã phá sản. Tuy nhiên, nhu cầu than đá để sản xuất điện vẫn rất mạnh mẽ ở Nam và Đông Nam Á -nơi mà hàng chục triệu người vẫn chưa có điện.
Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam chiếm 3/4 nhà máy điện than dự kiến được xây mới trên toàn thế giới trong 5 năm tới. Nếu toàn bộ các kế hoạch điện than của khu vực được triển khai ngay, đó là một thảm họa đối với trái đất và với cả nhân loại. – Ông Jim Young Kim nhận định.
Ông Kim cho biết, việc hoãn, thậm chí là chấm dứt vĩnh các nhà máy điện than và giúp thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch khác như điện gió và điện mặt trời với giá cả phải chăng là nhiệm vụ mới của Ngân hàng thế giới.
Tháng trước, WB đã dành 28% chi tiêu cho các dự án liên quan tới biến đổi khí hậu.
Chính phủ Mỹ và WB đang nỗ lực tìm giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris. Hội nghị Khí hậu Toàn cầu tiếp theo dự kiến diễn ra tại Morocco vào tháng 11 cũng gắn với mục đích biến những thỏa thuận đã đạt được tại Paris thành những hành động cụ thể.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cũng đang thúc đẩy các chính phủ chính thức tham gia vào Thỏa thuận khí hậu Paris và khiến nó có hiệu lực trước khi tổng thống Barack Obama hết nhiệm kỳ vào tháng 1 năm 2017 để tránh những rủi ro với những thay đổi về người đứng đầu Washington.
Đại diện chính phủ Mỹ và WB cũng cho rằng chính phủ cần đẩy nhanh việc loại bỏ các rào cản đối với đầu tư vào năng lượng sạch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của việc thực hiện thỏa thuận Paris là các kế hoạch đầu tư xây mới các nhà máy điện đốt than ở châu Á.
Theo số liệu từ Platts Energy, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện với công suất 150GW vào năm 2020. Ấn Độ, mặc dù đã công bố kế hoạch đầy tham vọng về năng lượng mặt trời, nhưng thị phần cho điện than trong kế hoạch phát triển năng lượng của nước này cũng là 125GW. Indonesia đang có kế hoạch gấp đôi nhà máy điện than với công suất khoảng 25GW.
Theo ông John Roome, chuyên viên cao cấp về biến đổi khí hậu của WB, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện ở châu Á được xây dựng theo kế hoạch thì những nỗ lực của thế giới để giữ nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C sẽ thất bại.